Hết lòng yêu thương con cái nhưng nhiều phụ huynh thời nay cảm thấy quá áp lực và hoang mang trong trách nhiệm và nghĩa vụ làm cha mẹ của mình.
Thực tế cho thấy, nếu cha mẹ sai lầm về phương pháp nuôi dạy và không hiểu đúng năng lực của mỗi đứa trẻ thì khó có thể nuôi dạy con thành công và giúp con phát triển bản thân một cách toàn diện…
Bắt con soi gương mờ
Ngồi nhậu với người bạn đang độ cao trào, anh Hữu Quang (Công ty Tư vấn Thiết kế xây dựng Đất Việt) sực nhớ nhiệm vụ đón con trai ở trung tâm tiếng Anh vì vợ phải về quê. Không muốn bỏ dở cuộc vui, anh gọi nhờ một cậu nhân viên ở công ty đón hộ con với lý do đang bận tiếp đối tác.
Đường đông, mướt mồ hôi luồn lách mới nhích được từng đoạn, anh Linh ngạc nhiên khi cậu con sếp trưởng phòng ngồi đằng sau cứ giục phóng lên vỉa hè đi về cho nhanh. “Mọi lần bố cháu vẫn phóng lên đi cả đoạn dài. Có lần vượt đèn đỏ, xông vào đường cấm bị công an tuýt còi, bố cháu bốc phét với công an là chở cháu đi cấp cứu vì có biểu hiện đau ruột thừa… Thế là chả mất đồng nào nộp phạt cả…”
Nghe con sếp hào hứng khoe thêm những chiêu trò tinh khôn nó học được từ tài ứng biến của ông bố mà anh Linh thấy ngán ngẩm. Cậu học sinh lớp 8 này đã quen với việc vi phạm luật pháp cùng bố và không còn biết tôn trọng những luật lệ khác. Nó làm theo lời bố “khôn, nhanh để vượt trội” nên đã nhiều lần vi phạm kỷ luật ở trường khiến bố mẹ khốn khổ.
Mấy lần phải cạy cục xin chuyển trường cho con nhưng lần nào vợ chồng anh Hữu Quang cũng quy tội, đổ lỗi cho cô giáo trù úm chèn ép con mình. Họ không hề nghĩ rằng chính mình hàng ngày đã tiêm nhiễm vào đầu con những thói hư tật xấu mà không hề nhận ra.
Không suy nghĩ mọi việc xa hơn sự thực dụng hiện tại, nhiều phụ huynh giống như anh Quang khi làm một việc gì đó, hoặc con có biểu hiện sai lệch, thường phản ứng rất tức thì giành phần có lợi về cho mình. Họ đã dạy con khôn lỏi, “tham bát bỏ mâm” mà quên mất vun đắp gốc rễ để có được lợi ích lâu dài.
Bảo vệ con vô lối
Nhà báo Mai Trang (Báo Hà Nội mới) than phiền về chuyện người bạn nhờ chị đến trường can thiệp, giải quyết xung đột của con với cô giáo và nhờ chị chuyển lớp cho con. Biết con người bạn cũng có chuyện sai phạm nên chị Trang khuyên chị bạn kia đến gặp trực tiếp cô giáo của con để trao đổi với thái độ ôn hòa và cầu thị.
Theo chị, cách ứng xử tế nhị nhất là tháo gỡ, tìm biện pháp uốn nắn con và tranh thủ sự cảm thông, quan tâm hơn của cô giáo. Nghe vậy người mẹ kia vẫn không nguôi ngoai cơn tức, khăng khăng bảo sẽ đưa câu chuyện và danh tính cô giáo, trường học của con lên mạng xã hội “để kêu gọi cộng đồng mạng xử lý” cô giáo của con mình.
Theo chuyên gia đào tạo kỹ năng sống Đào Ngọc Cường – Giám đốc Công ty CP đào tạo đánh thức tiềm năng Việt: Bênh con và bao che cho khi con mắc lỗi là gây thêm khó khăn cho con chứ chẳng giải quyết được tận gốc vấn đề. Giáo dục con phải có cương có nhu. Khi con mắc lỗi sai phụ huynh không nghiêm khắc, giúp con nhận ra khuyết điểm, lại đề nghị giáo viên xuê xoa cho qua rồi khi không toại ý lại quay sang nói xấu, chê trách giáo viên thì đó là cách bảo vệ con sai lầm.
Cha mẹ vừa bao dung nhưng cũng phải nghiêm khắc và cần học cách ứng xử tế nhị với giáo viên để cùng có nhìn nhận đúng về khuyết điểm của con em, cùng phối hợp giúp con sửa sai, đó mới là biện pháp hiệu quả giúp các con phát triển, hoàn thiện hơn cả về nhân cách lẫn trí tuệ.
Gửi con đến trường, việc đầu tiên phụ huynh cần dạy con biết tôn trọng nội quy, chấp hành kỷ luật và tôn trọng giáo viên. Bênh con vô lối khi giải quyết xung đột của con ở nhà trường với cô và bạn bè sẽ phức tạp hóa vấn đề và khiến con thành đơn độc. Đưa sự việc lên mạng để gây áp lực, chỉ trích cô giáo và nhà trường khi sự việc chưa rõ ràng là những thao tác đơn giản nhưng để dừng hay khép sự việc và hậu quả để lại là việc không nằm trong tầm kiểm soát của mình nữa.
Chớ coi thường khoa học và quy luật tự nhiên
Nhiều cha mẹ chỉ quan tâm, tập trung thúc ép, nhồi nhét con học một số môn chính để thi đạt điểm cao và đỗ trường chuyên lớp chọn mà không cần biết con cần học những gì. Những bộ môn khoa học thường thức như Sinh, Sử, Địa, Lý, Hóa vô cùng quan trọng sẽ giúp con vận dụng rất nhiều trong đời sống nhưng vì con đã bị học lệch từ chính sự tác động trọng tâm mất rồi. Ra đời, con ngô ngọng vì quá thiếu hiểu biết thì cha mẹ lại đổ lỗi đó cho chất lượng đào tạo của nhà trường.
Không dành thời gian cho con vì mải mê kiếm tiền và cho rằng tiền bạc giải quyết được mọi việc. Trong hành xử hàng ngày khiến trẻ suy nghĩ thực dụng có tiền là có tất cả mà không hiểu được những giá trị tinh thần đẹp đẽ vô giá khác. Con sẽ bị lệch lạc trong suy nghĩ, đánh đồng nhiều giá trị lẫn lộn với tiền bạc.
Nhiều người muốn con mình trở thành người lương thiện, sống hạnh phúc nhưng lại né tránh các vấn đề xã hội và cho rằng như thế mình là người khôn. Một cá nhân sẽ luôn chịu tác động hữu hình và vô hình từ gia đình, nhà trường và xã hội. Khi xã hội xấu đi thì làm gì có chuyện gia đình và nhà trường tốt lên được.
Đơn giản vì xã hội xấu đi thì con người sống trong đó dễ mất đi nhân tính, tìm cách để thích ứng với những biến động bất lợi. Thế nên, cho dù bạn sống trong biệt thự có rào chắn, tường cao, có bảo vệ con cẩn thận đến đâu thì những đứa trẻ vẫn phải ăn, vẫn phải hít khí trời, vẫn phải đi ra ngoài chơi, học.
Sự việc xảy ra ở nơi khác cũng có thể xảy ra với chính gia đình mình. Một cái ao nước đen ngòm thì mọi thứ thả vào sẽ biến dạng hết.
Chị Trần Anh Thư - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thép Nhật Quang chia sẻ kinh nghiệm: Muốn con độc lập, tự chủ, bố mẹ đừng tham lam bắt con phải ôm đồm học nhiều thứ một lúc. Hãy gần gũi lắng nghe ý kiến của con cái, tôn trọng sở trường, sở đoản của con thay vì áp đặt suy nghĩ, mong muốn của mình.
Kỳ vọng quá vào khả năng của con và hay so sánh con với con nhà khác đang khiến nhiều phụ huynh trở nên sai lầm. Nhiều người muốn con mình trở thành người lương thiện, sống hạnh phúc nhưng lại né tránh không dạy con về các vấn đề xã hội và cho rằng thế là khôn ngoan nhưng khi thất bại vì con lạc hướng thì lại bao biện, đổ lỗi cho đủ thứ chứ không chịu thừa nhận sai lầm.
Nguồn https://giaoducthoidai.vn
|