Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nhiều trẻ mắc bệnh sởi nhập viện do chưa tiêm chủng


Theo thông tin từ Bệnh viện E, thời gian gần đây, Khoa Nội Nhi tổng hợp của bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trẻ có biểu hiện sốt và phát ban. Trong đó có hai trường hợp đã được xác định là dương tính với virus sởi.

Trẻ khám bệnh nghi sởi tại Bệnh viện E. Ảnh: VGP

Thạc sỹ Trương Văn Quý - Trưởng khoa Nội Nhi tổng hợp Bệnh viện E cho hay, trong thời gian gần đây, số lượng trẻ sốt cao, nổi mẩn, nghi sởi đến khám và điều trị ở Khoa Nội Nhi tổng hợp có chiều hướng tăng mạnh.

Các ca mặc bệnh chủ yếu tập trung ở các quận nội thành như Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm. Đối tượng mắc chủ yếu là nhóm trẻ dưới 5 tuổi, trong đó nhóm dưới 1 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên, chưa có trường hợp bị biến chứng nặng, dẫn tới tử vong.

Chị Phạm Thị Lành (ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) có con hơn 9 tháng tuổi mắc sởi đang điều trị tại Khoa Nội Nhi tổng hợp.

Chị Lành cho hay, theo lịch, cách đây 15 ngày chị phải đưa con đi tiêm phòng sởi, nhưng đúng đợt đó cháu lại sốt mọc răng nên gia đình lùi lại. Trẻ bé nhập viện có các biểu hiện sốt kèm theo ho, chảy mũi, vài nốt đỏ dưới da.

Theo bác sỹ Quý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh sởi là do không tiêm hoặc chưa được tiêm vaccine đầy đủ nên chưa có đủ miễn dịch. Trẻ chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ đều có khả năng bị bệnh khi tiếp xúc với nguồn lây. Do vậy, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng đầy đủ cho các bé theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thạc sỹ Quý lo ngại, gầy đây số ca mắc sởi thường nặng hơn vì nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp…

Bác sỹ Quý khuyến cáo, cách để phòng bệnh tiêm chủng là biện pháp hữu hiệu nhất. Hiện nay, Khoa Nội Nhi tổng hợp, Bệnh viện E đang tổ chức tư vấn và tiêm chủng cho trẻ nằm trong diện tiêm chủng mở rộng, bảo đảm trẻ được tiêm đầy đủ vắcxin phòng bệnh theo đúng quy định.

Phòng tiêm chủng của Bệnh viện E có các vaccine như Pentaxim (5 trong 1: Bạch hầu-Ho gà-Uốn ván-Bại liệt -Hib), Influvac (phòng cúm mùa), MMR II (Sởi – Quai Bị - Rubella), Varivax (phòng thủy đậu)… Nguồn vaccine cung cấp dồi dào nên bệnh nhân không còn phải xếp hàng hay đăng ký qua mạng, nhất là đối với các loại vắc xin “hot” như Pentaxim, Influvac...

Phòng tiêm chủng đảm bảo đáp ứng các điều kiện về chuyên môn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - bệnh viện tuyến cuối về điều trị các bệnh truyền nhiễm, tiếp nhận 34 trẻ mắc sởi trong thời gian qua. Cả 34 trẻ đều không được tiêm phòng sởi.

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận và đang điều trị cho cặp song sinh 11 tháng tuổi (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị bệnh sởi, tiên lượng nặng.

Trẻ nhập viện trong tình trạng sốt cao, ban toàn thân, không ăn uống được, khó thở. Gia đình cho biết, trước đó cả 2 bé có biểu hiện sốt cao 39 độ, kèm ho, chảy nước mũi, nước mắt, đi ngoài phân nát. Đến ngày thứ 4 của bệnh, bé xuất hiện phát ban nên gia đình đưa đến Bệnh viện cấp cứu.

Tại Bệnh viện, bé được chẩn đoán viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi. Hai bé là anh em song sinh. Các bé sinh non, khi mới 30 tuần tuổi, nhẹ cân. Điều đáng nói là các bé đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi. Tiếp nhận cặp song sinh, Bệnh viện đã tiến hành truyền dịch, chống co giật. Tuy nhiên, đến nay là ngày thứ 8 nhưng cả hai bé vẫn trong tình trạng nặng, suy hô hấp.

Theo PGS.TS Huy, từ đầu năm đến nay Bệnh viện đã tiếp nhận 34 bệnh nhi bị sởi nhập viện. Hầu hết là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh,… Các bệnh nhi ở Hà Nội tập trung ở các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai. Cũng theo PGS.TS Huy, trong 34 bé bị sởi điều trị tại Bệnh viện, 100% trẻ này chưa được tiêm chủng.

“Khi được hỏi, một số bà mẹ tỏ ra lo ngại khi cho rằng tiêm vaccine nguy hiểm cho con. Một số khác cho rằng, đến thời điểm tiêm thì trẻ lại ốm đau nên không tiêm, vì vậy trẻ bị mắc bệnh, thậm chí còn bị các biến chứng như viêm phổi đối với bé có sức đề kháng kém”, PGS.TS Huy cho biết.

Để phòng bệnh sởi, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo:

Chủ động đưa trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1 tuổi đến 14 tuổi tiêm vaccine Sởi –Rubella đầy đủ và đúng lịch.

Bệnh sởi rất dễ lây. Vì vậy, phụ huynh không cho trẻ đến gần, tiếp xúc với các trẻ nghi mắc bệnh sởi. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ.

Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hàng ngày; đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ; tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Nguồn http://chinhphu.vn