Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Táo bón - bệnh tiêu hóa phổ biến ở trẻ em


Một điều tưởng chừng như nghịch lý, đó là thức ăn dành cho trẻ ngày càng phong phú và bổ dưỡng thì tình trạng táo bón ở trẻ ngày càng trở nên phổ biến. Điều này khiến cho không ít các bậc phụ huynh cảm thấy rất lo lắng vì táo bón không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển sau này của trẻ.

Cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ đồng nghĩa với việc giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ khỏe mạnh hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thể lực và trí não của trẻ hoàn hảo hơn.

Tổng quan về táo bón ở trẻ em

Theo định nghĩa về bệnh học, táo bón là sự giảm tần suất bài xuất phân bình thường, kèm theo khó và đau khi bài xuất do phân rắn hoặc quá to.

Số lần đi ngoài bình thường của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được xác định như sau:

Trẻ được xem là bị táo bón khi tần suất đi ngoài:

- Trẻ sơ sinh dưới 2 lần/ ngày.

- Trẻ bú mẹ hoặc bú bình dưới 3 lần/ tuần.

- Trẻ lớn dưới 2 lần/ tuần.

- Theo nhiều công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đã ghi nhận, ở Mỹ có 16% số bố mẹ ghi nhận con mình bị táo bón với độ tuổi phổ biến là 2 tuổi, ở Anh có 34% số bố mẹ ghi nhận con họ bị táo bón ở lứa tuổi từ 4 - 7 tuổi, ở Brazil tìm thấy 28% trẻ từ 8 - 10 tuổi bị táo bón. Riêng ở Việt Nam, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào ghi nhận rõ ràng tình trạng táo bón ở trẻ em.

Nguyên nhân làm trẻ bị táo bón

Trẻ không được bú mẹ: sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất đối với hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vì có hoóc-môn motilin làm tăng nhu động ruột của trẻ, giúp phân di chuyển dễ dàng hơn. Trong khi đó, sữa công thức khó tiêu hóa và có thể làm ruột hấp thụ nước nhiều hơn. Khi nước được hấp thụ hết qua các kênh của ruột thì phân bị khô và khó di chuyển ra ngoài. Vì vậy, trẻ bú sữa mẹ đầy đủ ít khi bị táo bón hơn so với trẻ sử dụng nhiều sữa công thức.

Thức ăn của trẻ không đủ chất xơ: nguồn chất xơ sẽ giúp giữ nước trong ruột già và giúp thức ăn tiêu hóa thuận lợi hơn. Nếu trẻ ăn nhiều chất đạm, quá ít chất xơ, thức ăn mất cân đối về số lượng và 4 nhóm chất dinh dưỡng theo khuyến cáo sẽ dẫn tới tình trạng trẻ bị táo bón kéo dài.

Không cung cấp đủ nước: trẻ uống ít nước hoặc cha mẹ không khuyến khích trẻ uống đủ lượng nước cần thiết cũng là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ nhỏ bị táo bón. Nhiều trẻ thường xuyên chạy nhảy, nô đùa nhưng không được bù đủ lượng nước, hoặc rất ít uống nước. Thay vào đó, một số trẻ thường có sở thích uống nước ngọt có gas, uống soda, nước giải khát có chứa thành phần caffeine hoặc chứa quá nhiều đường ngọt sẽ khiến trẻ đi tiểu nhiều hơn, cơ thể trẻ thiếu nước dẫn tới táo bón.

Trẻ không có thói quen đi ngoài đúng giờ: một số bà mẹ không rèn thói quen đi đại tiện (đi ngoài) cho trẻ theo khung giờ nhất định trong ngày, trẻ ham chơi nín nhịn việc đi đại tiện hoặc khi tới lớp, trẻ sợ cô giáo la mắng không dám xin đi đại tiện nên kìm nén về nhà mới đi. Lâu dần, trẻ không có cảm giác buồn đi đại tiện, không có phản xạ đi đại tiện dẫn tới tình trạng táo bón.

Lạm dụng thuốc: những trẻ hay bị đau ốm, trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, thiếu máu, viêm đường hô hấp cấp tính… cần phải chữa trị trong một thời gian dài, sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, uống nhiều kháng sinh… cũng dẫn tới tình trạng rối loạn tiêu hóa và táo bón.

Bệnh ngoại khoa, tiêu hóa: cũng được xem là nguyên nhân gây ra tình trạng táo bón ở trẻ mà các bậc phụ huynh cần chú ý bao gồm dị tật bẩm sinh như: phình to đại tràng, hẹp ruột, hẹp hậu môn, nứt kẽ hậu môn.

Biến chứng có thể xảy ra

Phụ huynh cần lưu ý nếu tình trạng táo bón của trẻ kéo dài và không có giải pháp khắc phục, chữa trị hiệu quả có thể dẫn tới những biến chứng gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của trẻ như:

Trẻ phát triển không hoàn hảo về thể chất và trí tuệ: thực tế cho thấy, khi bị táo bón trẻ dễ dàng bỏ bữa, biếng ăn, lâu ngày cơ thể không hấp thụ các chất dinh dưỡng, các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Từ đó, thể chất và trí tuệ của trẻ không khỏe mạnh, phát triển không hoàn hảo so với những trẻ cùng trang lứa.

Nứt hậu môn, tình trạng táo bón nặng hơn: trẻ bị táo bón thường sợ đi tiêu và thói quen dễ nhận biết là trẻ cố nhịn đến khi nào có thể nhịn được. Phân bị ứ trong ruột lâu sẽ càng mất nước nên khô hơn, và trẻ lại càng bị táo bón nặng hơn.

Rối loạn tâm - thần kinh: phân ở lâu trong đại tràng là nguồn kích thích gây nên những rối loạn thần kinh khiến trẻ bị táo bón triền miên dễ trở nên cáu kỉnh, mệt mỏi, biếng ăn, mất tập trung trong giao tiếp và trong học tập.

Trẻ dễ bị trĩ, sa trực tràng: phân ứ đọng lâu trong trực tràng ảnh hưởng và cản trở tuần hoàn máu, lâu ngày gây hiện tượng trĩ, sa trực tràng, phình đại tràng, thậm chí là ung thư trực tràng.

Nguyên tắc điều trị và những biện pháp phòng ngừa

Khuyến cáo việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, người mẹ nên cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt nếu trẻ còn bú mẹ vì sữa mẹ là thức ăn tốt nhất dành cho trẻ nhỏ, sẽ giúp trẻ tiêu hóa tốt và phòng chống hiệu quả chứng táo bón.

Nếu người mẹ đang nuôi trẻ bằng sữa công thức nên chú ý pha sữa đúng cách và đúng tỉ lệ theo sự khuyến cáo của nhà sản xuất. Giữ vệ sinh bình sữa tuyệt đối để phòng ngừa những căn bệnh lây qua đường tiêu hóa và bổ sung lượng nước uống cần thiết giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động tốt hơn.

Trẻ lớn đã ăn dặm nên cho trẻ ăn dặm đúng cách theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bổ sung đủ lượng chất xơ cho trẻ từ các loại trái cây tươi, nhất là mận, táo, lê… là những loại nước ép rất tốt cho việc tiêu hóa, tăng cường cho trẻ việc ăn các loại rau xanh đậm màu như: bồ ngót - rau dền - rau đay - rau mồng tơi… để bổ sung thêm lượng chất xơ cần thiết cho trẻ.

Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên phù hợp với lứa tuổi, trẻ nhỏ phụ huynh nên xoa bóp (massage) vùng bụng cho trẻ, để giúp tăng nhu động ruột sẽ làm trẻ dễ tiêu hóa.

Tập cho trẻ thói quen đi ngoài đúng giờ và tạo cho trẻ không khí thật thoải mái khi đi vệ sinh để trẻ không còn tâm lý “sợ đi tiêu” giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ hiệu quả hơn.

Trẻ bị táo bón nghiêm trọng và thường xuyên (trên 3 ngày không đi tiêu và tiêu rất khó khiến trẻ quấy khóc nhiều), phụ huynh nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để bác sĩ cho trẻ dùng thuốc và phải có sự theo dõi chặt chẽ giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất.

Nguồn http://suckhoedoisong.vn/