Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Góp phần cải thiện sức khỏe trẻ em và nâng cao hiệu quả giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai


Với nguồn tài trợ 7,2 triệu USD của Chương trình viện trợ New Zealand, sau 6 năm triển khai, Dự án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai do tổ chức Plan International Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai thực hiện đã góp phần cải thiện sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

Góp phần cải thiện chất lượng giáo dục cho trẻ em tỉnh Gia Lai

Các giáo viên tham gia các lớp tập huấn nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển mầm non tỉnh Gia Lai

(Ảnh: PV)

Dự án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai được triển khai từ năm 2012 - 2018. Dự án bao gồm 4 nền tảng tiếp cận chính: Cải thiện điều kiện phát triển của trẻ nhỏ (trẻ từ độ tuổi 0 - 3) thông qua các hỗ trợ nâng cao dựa vào cộng đồng và các sáng kiến phát triển trẻ thơ tại vùng dự án; tất cả các trẻ em từ độ tuổi 3 đến 5 có quyền tiếp cận tới các cơ hội học tập chính thức hoặc không chính thức có chất lượng và phù hợp với văn hóa bản địa, thông qua chương trình hỗ trợ các em sẵn sàng tới trường khi đạt 5 tuổi; cải thiện quá trình chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học cho trẻ em dân tộc thiểu số độ tuổi 6 - 8 thông qua môi trường học tập khuyến khích sự phát triển và các phương pháp dạy học tích cực, phù hợp; đưa phát triển trẻ thơ và các chính sách giáo dục và đào tạo hiệu quả, xây dựng trên minh chứng từ thực tế, phối hợp đa ngành và toàn diện.

Dự án được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu được triển khai xây dựng mô hình can thiệp tại 4 huyện, thị gồm: Thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ, huyện Kbang, huyện Kong Chro và giai đoạn 2 của Dự án được mở rộng ra toàn tỉnh với một số mô hình thành công.

Chia sẻ về những trải nghiệm khi được trực tiếp tham gia vào Dự án, cô Nguyễn Thị Quýt - giáo viên Trường tiểu học Kong Yang, huyện Kong Crho cho biết: “Việc tham gia vào Dự án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Gia Lai đã giúp tôi cùng toàn thể cán bộ, giáo viên trường Kong Yang có cơ hội tiếp cận với nhiều kiến thức dạy và học tích cực, được giao lưu học hỏi về nghiệp vụ chuyên môn với các đồng nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học… Trước kia, khi chưa áp dụng các kỹ thuật dạy học tích cực của Dự án, các giáo viên khi lên lớp chỉ đơn thuần nói, viết để trình bày, giảng giải các nội dung bài học còn học sinh chủ yếu thụ động nghe, nhìn, ghi chép, tái hiện và ghi nhớ nội dung bài học, ít chịu suy nghĩ cho nên đã hạn chế chất lượng, hiệu quả dạy và học, không đáp ứng được yêu cầu phát triển năng động của xã hội hiện đại. Sau này, khi áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực, với việc đưa xen kẽ vào việc giảng bài những hoạt động như: Thảo luận trao đổi, làm thí nghiệm … đã giúp các học sinh lĩnh hội kiến thức thật uyển chuyển, khéo léo, linh hoạt, sáng tạo và có kỹ năng sống rất tốt. 

Cũng như cô giáo Nguyễn Thị Quýt, cô Phạm Thị Hưởng - giáo viên Trường mẫu giáo Tơ Tung (huyện Kbang) đã được tham gia Dự án từ những ngày đầu tiên. Từ một giáo viên dạy trẻ đơn thuần với những kiến thức đơn giản dạy dỗ các cháu nhỏ ở lứa tuổi mẫu giáo đến nay với việc tham gia vào các chương trình tập huấn của Dự án, cô Hưởng đã chủ động xây dựng kế hoạch điều chỉnh nội dung phù hợp với bối cảnh tại địa phương dựa trên chương trình khung quốc gia; thực hiện những sáng kiến nhỏ đưa vào hoạt động học và chơi nhằm thu hút sự tham gia tích cực của trẻ; từ đó mang lại hiệu quả cao và được nhân rộng ra tại một số trường trên địa bàn; tích cực trao đổi với cha mẹ học sinh để cùng nhau xây dựng thay đổi cách nghĩ, cách làm mang lại chất lượng giáo dục có hiệu quả.

Cô Hưởng tâm sự: “Các cháu học sinh ở trường mẫu giáo Tơ Tung phần lớn là người dân tộc Bana nên các cô thường chỉ trông giữ trẻ và hướng dẫn các cháu tiếp xúc với một số hoạt động như: múa, hát... Tuy nhiên, khi được tham gia vào các lớp tập huấn của tổ chức Plan tổ chức, tôi và các giáo viên đã chủ động xây dựng và điều chỉnh nội dung dạy cho các cháu phù hợp và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía cha mẹ học sinh. Đây có thể nói là một bước đột phá mới trong giáo dục mầm non ở các địa phương có phần lớn dân số là dân tộc thiểu số”.

Đánh giá về hiệu quả của Dự án phát triển mầm non tỉnh Gia Lai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai Bùi Khoa Nghi cho rằng, sau 6 năm triển khai, với sự tài trợ của Chương trình viện trợ New Zealand, Dự án đã đem lại những lợi ích lâu dài về sức khỏe thể chất và tinh thần, kiến thức và sự tự tin của các em. Đặc biệt, trong khuôn khổ Dự án, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai và Tổ chức Plan International Việt Nam đã thiết lập bộ công cụ tập huấn kỹ năng phát triển trẻ rất thiết thực dành cho các cha mẹ và giáo viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Dự án đã giúp 90% các cha mẹ đã biết phương pháp nuôi dạy trẻ tích cực cho trẻ từ 0 - 3 tuổi; 18 trường mầm non đã được xây dựng cùng với sự tham gia của hộ gia đình đã giúp cho tỷ lệ nhập học tại các trường mầm non tăng từ 65 - 98%. Từ đó, các em có nền tảng giáo dục tốt hơn khi chuyển tiếp lên tiểu học. Kết quả học tập trong các môn Toán học và Văn học dần được cải thiện đáng kể… Đây không chỉ là những con số mà là những bước tiến thực thụ trong cuộc sống của các em.

Từ những kết quả đã đạt được tại 4 huyện, thị gồm: Thị xã An Khê, huyện Đăk Pơ, huyện Kbang, huyện Kong Chro, Dự án cũng đã thành công trong việc nhân rộng một số mô hình giáo dục ra toàn tỉnh. Các mô hình thành công đã và đang được thực hiện như: Chương trình giáo dục cha mẹ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai lồng ghép vào hoạt động nhóm Phụ nữ ở 1605 thôn/làng thuộc 222 xã/phường, tiếp cận hơn 96 ngàn ông bố/bà mẹ và hơn 32 ngàn trẻ em trong độ tuổi từ 0 - 8; Các mô hình can thiệp ở bậc giáo dục mầm non gồm: Nâng cao năng lực cho giáo viên thực hiện chương trình giáo dục mầm non phù hợp với bối cảnh địa phương, đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường mầm non được nhân rộng; các mô hình can thiệp ở bậc tiểu học gồm: đổi mới sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường tiểu học, thư viện thân thiện với trẻ... được nhân rộng ra toàn tỉnh Gia Lai.

Dự án góp phần cải thiện sức khỏe và phát triển trẻ em tỉnh Gia Lai (Ảnh: PV)

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Trong quá trình triển khai Dự án phát triển mầm non tỉnh Gia Lai, bên cạnh việc phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai thực hiện các biện pháp can thiệp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại một số tỉnh, thành được hưởng lợi và nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh Gia Lai, Tổ chức Plan International Việt Nam còn phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai tổ chức triển khai các hoạt động nhân rộng sinh hoạt chi hội phụ nữ lồng ghép kiến thức nhóm cha mẹ nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng người dân tại các địa phương này.

Được triển khai từ tháng 8/2016 đến 4/2018 và là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án phát triển mầm non tỉnh Gia Lai, song hoạt động nhân rộng sinh hoạt chi hội phụ nữ lồng ghép kiến thức nhóm cha mẹ được gắn với triển khai phong trào thi đua, các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội, Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” nhằm cải thiện và duy trì kết quả phát triển toàn diện trẻ thơ từ 0 – 8 tuổi.

Theo đó, các hoạt động tổ chức hội thảo giới thiệu dự án, tập huấn xây dựng kế hoạch, thành lập nhóm cha mẹ gắn sinh hoạt chi hội, cung cấp tài liệu, xây dựng sáng kiến cộng đồng được triển khai trên địa bàn 19 xã, 38 chi hội làng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Kbang, Kông Chro, Đăk Pơ. Thông qua các nội dung tập huấn, cán bộ, hội viên phụ nữ được trang bị các kiến thức về chăm sóc và phát triển trẻ thơ để từ đó nhân rộng các kiến thức đến các nhóm cha mẹ ở các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động nhân rộng sinh hoạt chi hội phụ nữ lồng ghép kiến thức nhóm cha mẹ còn hỗ trợ và xây dựng 38 sáng kiến cộng đồng nhằm hỗ trợ, chăm sóc và phát triển trẻ thơ như: Làm góc học tập cho trẻ; làm hàng rào nhà sinh hoạt cộng đồng, tạo khu vui chơi đảm bảo sự an toàn cho trẻ, tạo cảnh quan môi trường đẹp góp phần cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới; mua phuy nước, bồn inox đựng nước sạch tại các hộ gia đình nhằm bảo đảm sức khoẻ; sáng kiến về chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn rau tập thể ...  

Là một trong những thành viên nằm trong Nhóm cốt cán xã Ya Hội, huyện Đak Pơ đã từng tham gia phụ trách sinh hoạt nhóm cha mẹ có con từ độ tuổi từ 0 đến 8, chị Triệu Thị Luyến chia sẻ: “Tôi đã được tham gia các lớp tập huấn về cách điều hành sinh hoạt nhóm, được các cán bộ dự án hướng dẫn các kỹ năng điều hành sinh hoạt nhóm. Thời gian đầu còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động bà con trong thôn, bản tham gia vào các buổi sinh hoạt nhóm. Tuy nhiên, với sự vận động của các thành viên nòng cốt và tình nguyện viên, bà con đã nhiệt tình tham gia và đã được hướng dẫn cách chăm sóc con, cách chế biến món ăn cho con đủ dinh dưỡng, tự làm đồ chơi và tham gia vào các trò chơi cùng con trẻ. Hơn thế nữa, một số cha mẹ còn đưa ra một số sáng kiến vào thực tế của địa phương như: Sáng kiến làm sân bê tông, làm mái vòm cho trẻ có chỗ chơi, sinh hoạt được sạch sẽ, sáng kiến nuôi dê, nuôi heo đen để tăng thêm thu nhập cho từng hộ dân…”.

Chia sẻ về những kiến thức thu lượm được từ những buổi sinh hoạt nhóm cha mẹ, chị Đinh Thị Them (làng Sơ Tơ, xã Tơ Tung, huyện Kbang) cho biết: Chị có hai người con, con lớn học lớp 6 và con thứ hai 13 tháng tuổi. Khi sinh đứa con đầu lòng, do không được trang bị kiến thức chăm sóc con nên ngay từ khi 5 tháng tuổi, chị đã nhai cơm cho con ăn và nuôi con theo phong tục của người dân địa phương. Khi mô hình sinh hoạt nhóm cộng đồng cha mẹ được triển khai, chị là một trong những người đầu tiên đăng ký tham gia. Tại đây, chị Them đã được hướng dẫn cách chăm sóc con cái, cách nấu cho con những món ăn đủ dinh dưỡng, phòng chống tai nạn chống thương tích cho trẻ em như: Không cho con chơi dao, chơi những vật sắc nhọn, không cho con đi tắm ở sông, suối… Sau này, khi sinh con thứ 2, chị Them đã áp dụng những kiến thức của mình vào việc chăm sóc con. Chị đã biết nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, cho ăn dặm theo đúng độ tuổi và chế biến cho con những món ăn giàu dinh dưỡng. “Nhà mình rất nghèo, chỉ với 2 sào ruộng nên hầu như rơi vào cảnh thiếu ăn. Mình phải đi làm thuê cuốc cỏ mía, cuốc cỏ lúa, đi lấy măng bán để dành tiền mua sữa, mua thức ăn để nấu cháo dinh dưỡng cho con. Trẻ con không thể ăn kham khổ như cha mẹ được” - chị Them tâm sự.

Có thể nói, trong 6 năm triển khai, Dự án đã cơ bản làm thay đổi nhận thức của các bậc cha mẹ và cộng đồng về vấn đề chăm sóc sức khỏe cho con cái. Đến nay, cha mẹ đã quan tâm đến việc học tập của các con, chăm sóc trẻ thông qua các hoạt động nuôi con khỏe, dạy con ngoan, thay đổi nếp nghĩ cách làm... Đặc biệt, cha mẹ đã được bồi dưỡng thêm các kỹ năng chăm sóc trẻ thông qua các buổi sinh hoạt truyền thông về dinh dưỡng. Ngoài ra, thông qua dự án này, các trường mầm non dựa trên chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được chương trình khung phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số; với các trường tiểu học áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong các nhà trường đối với các học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa.

Một buổi sinh hoạt cộng đồng nhóm cha mẹ (Ảnh: PV)

Đánh giá cao những đóng góp của của Dự án phát triển mầm non tỉnh Gia Lai đối với sự phát triển của tỉnh Gia Lai nói chung và ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai nói riêng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Dự án phát triển mầm non tỉnh Gia Lai đã có tác động tích cực đến cuộc sống của người dân địa phương hưởng lợi từ Dự án. Các mô hình mà Dự án triển khai tại địa phương đã cải thiện đời sống của con trẻ, thông qua việc nâng cao nhận thức của cha mẹ trong việc chăm sóc và nuôi dạy con cái một cách khoa học, giúp trẻ có thể phát triển toàn diện về sức lực và trí lực. Từ những thành quả của Dự án, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành và chính quyền địa phương để triển khai thực hiện những mục tiêu đề ra trong giai đoạn tới; nhân rộng, phát triển các mô hình giáo dục mầm non sau khi Dự án kết thúc./.

Nguồn http://cpv.org.vn