Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo dục kỹ năng sống bắt đầu từ gia đình


Mùa hè được coi là mùa trau dồi kỹ năng sống của rất nhiều cô, cậu học trò; bởi trong khoảng thời gian này, các em được bố mẹ đăng ký theo học những khóa đào tạo ngắn hạn, cấp tốc. Tuy nhiên, dường như không phải bậc cha mẹ nào cũng hiểu đúng về vấn đề này…   

Không thể “nạp siêu tốc”

Bày tỏ quan điểm về thực trạng các khóa đào tạo kỹ năng sống đang ở tình trạng “khó kiểm soát về chất lượng” hiện nay, PGS.TS Phạm Minh Mục (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, các vị phụ huynh hãy hết sức cân nhắc khi cho con đi học kỹ năng sống theo trào lưu; bởi lẽ, kỹ năng sống không thể được hình thành ngày một ngày hai, 5 buổi, 10 buổi hay một vài tháng, mà đó là một quá trình rèn giũa từ chính môi trường sống của đứa trẻ.

“Ai cũng hiểu rõ rằng gia đình là trường học đầu tiên, bố mẹ, ông bà là người thầy đầu tiên của con. Vậy tại sao phụ huynh lại đưa con đi học kỹ năng sống ở đâu đó trong khi những điều cần thiết đó chính họ phải rèn dạy con tại nhà mình, từng ngày từng ngày trên bước đường lớn lên của mỗi đứa trẻ? Những kỹ năng tối thiểu như vệ sinh cá nhân, giao tiếp lễ phép, tự tin, tự học… là công việc mà phụ huynh phải đảm đương vì họ có sứ mệnh chăm sóc, vun bón cái gốc rễ của con mình. Mất tiền tốn kém cho con theo các khóa học, một phần cũng do chính các phụ huynh thiếu kỹ năng truyền trao lại cho con cái” - PGS.TS Phạm Minh Mục chỉ rõ.

Cũng theo PGS.TS Phạm Minh Mục, những kỹ năng phức tạp hơn như: Biết vượt qua thất bại, vượt qua những áp lực thi cử, kỹ năng sinh tồn trong hoàn cảnh khó khăn, kỹ năng phòng chống xâm hại…. thì nhờ đến chuyên gia đã đành. Hãy hiểu đúng về những khóa học “thêm nếm” ngoài nhà trường, nên coi như là một tác động mạnh, một phương pháp tiếp cận mới cho mọi người chứ không thể là giải pháp hữu hiệu giải quyết được những vấn đề đang thiếu hụt trong giáo dục gia đình hiện nay.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Investip (Bộ KH&CN) cho rằng không nên mang suy nghĩ giáo dục kỹ năng sống cho con là những điều to tát mà phụ huynh phải trăn trở. Thực tế đó chỉ là những kiến thức cần thiết trong cuộc sống, có thể có được qua giáo dục, hoặc thông qua trải nghiệm thực tế. Thế nên, bố mẹ sẽ thuận lợi hơn khi giáo dục con cái từ chính cuộc sống đang diễn ra thường nhật, từ tình yêu thương và sự thấu hiểu quan tâm, mong muốn dành cho con mình. Một số phụ huynh quá bận rộn, phó mặc con cho nhà trường, cho các trung tâm đào tạo; luôn thường trực suy nghĩ chỉ cần bỏ tiền ra là mua được mọi thứ, kể cả kỹ năng sống, mà không quan tâm đến tâm sinh lý, đặc tính riêng của con trẻ, là sự sai lầm rất tai hại.

“Kỹ năng sống được hình thành từ những thói quen sinh hoạt thường nhật. Hãy trau dồi cho con các khả năng thích nghi và những hành vi tích cực để con vận dụng, ứng phó giải quyết được những nhu cầu và thách thức của cuộc sống. Muốn trẻ thành thạo một việc gì thì luôn phải lặp đi lặp lại, có sự hỗ trợ, nhắc nhở, cổ vũ khích lệ khen ngợi của người lớn, mà trực tiếp là các bậc cha mẹ” - ông Đỗ Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên.

Chăm cây phải từ gốc rễ

“Ăn xổi” là tâm lý chỉ lo chăm sóc phần ngọn của khá nhiều bậc phụ huynh thời nay. Dù giá cả nhiều khóa học kỹ năng sống khá cao so với thu nhập của phụ huynh, nhưng họ vẫn dám chi 5-7 triệu một khóa học từ 5-7 ngày được tổ chức ở các trung tâm huấn luyện ngoại tỉnh hoặc học ngay nội thành, với những khóa học như: “Tôi tài giỏi”, học 3 buổi 5 triệu đồng; Fastrackids kéo dài 2 năm, chi phí 31 triệu đồng…

Từng nhiều năm giữ cương vị hiệu trưởng trường THCS Xã Đàn (Hà Nội), đồng thời cũng là một chuyên gia tư vấn tâm lý uy tín, ông Đinh Đoàn chia sẻ: Trải nghiệm rồi mới rút ra kinh nghiệm, mới tìm được cách thức tốt nhất để làm, hình thành một thói quen có phản xạ tạo thành kỹ năng. Vậy thì tại sao ta lại ngộ nhận đòi hỏi trẻ có được nhận thức đúng đắn và thành thục một kỹ năng trong thời gian ngắn? Liệu có thầy cô tài năng nào có cây đũa thần biến con chúng ta trở nên chủ động tích cực chỉ sau 1-2 tuần?

Cũng theo nhà giáo, nhà tư vấn Đinh Đoàn, sự thích nghi của trẻ em trong môi trường mà các lớp học kỹ năng sống tạo ra chỉ mang tính chất tạm thời. Về gia đình, không còn môi trường như vậy để trẻ em rèn luyện, thì các thói quen cũ lại nhanh chóng tự động quay về. Nếu không bắt nguồn từ nhu cầu tự thân, vì lợi ích của bản thân hoặc đã hiểu về tính trách nhiệm, liệu đứa trẻ có tự giác tìm cách tự đứng trên đôi chân của mình? Hơn ai hết, bố mẹ phải là người trang bị cho con những kỹ năng cần thiết: Kỹ năng ăn uống, kỹ năng hòa nhập, kỹ năng tự học, kỹ năng tự chủ, tự lập, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng thoát hiểm...

Thực tế cho thấy, không ít phụ huynh vẫn nuôi ảo tưởng con sẽ thay đổi vượt bậc sau khi rời những khóa đào tạo ngắn hạn. Thế nhưng, phần lớn sẽ nhanh chóng thất vọng với kết quả thu được. Ở trong môi trường rèn luyện với mệnh lệnh, chỉ huy đúng giờ giấc, không thiết bị công nghệ, các bạn nhỏ buộc phải chấp hành kỷ luật, tuân thủ các hoạt động tập thể nên nâng cao tính tự giác, chủ động và có trách nhiệm với bản thân. Thế nhưng, khi quay về môi trường gia đình, trở lại nếp sống, hỏi rằng con làm sao giữ được những thói quen tích cực vừa mới manh nha hình thành. Đứa trẻ lại quên sạch và “học kỳ quân đội” hay “trại hè 7 ngày sống ý nghĩa” chỉ là một kỷ niệm đáng nhớ mà thôi.

Nguồn http://giaoducthoidai.vn