Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị nhiễm giun và cách phòng tránh


Giun là một trong những tác nhân gây ra nhiều căn bệnh và hay gặp ở trẻ em. Dưới đây là những dấu hiệu giúp nhận biết liệu trẻ bị nhiễm giun hay không.

Giun là một trong những nỗi ám ảnh đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Đối với những nước nhiệt đới, khả năng trẻ bị nhiễm giun đường ruột là rất lớn. Giun là một loại kí sinh trùng, và loại giun thường gặp ở trẻ nhất là giun móc và giun kim. Tuy nhiên, những triệu chứng nhiễm giun ở trẻ em thì không hề giống nhau và thay đổi từ trẻ này sang trẻ khác.

Giun xâm nhập vào cơ thể trẻ như thế nào ?

Giun có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua việc tiếp xúc hàng ngày (Ảnh minh họa)Caption

Giun kim dễ dàng truyền từ người này qua người khác bằng đường vô tình đưa vật chất vào miệng. Chu kỳ nhiễm giun bắt đầu với việc giun kim cái đẻ trứng xung quanh hậu môn của trẻ vào ban đêm. Điều này khiến cho trẻ bị ngứa, việc gãi sẽ làm cho da bị trầy xước, trứng giun bám vào tay và móng tay. Sự nhiễm bẩn này tiếp tục khi tay của trẻ tiếp xúc với quần áo, giường chiếu, đồ chơi và thậm chí là thức ăn. Trứng giun dễ dàng lây sang cho nhiều trẻ khác và cả các thành viên trong gia đinh vì nó có thể tồn tại lên đến ba tuần ở bên ngoài cơ thể. Kết quả là trứng sẽ được đưa vào miệng xuống ruột non thành giun trưởng thành và lại để trứng xung quanh hậu môn. Vòng đời này tiếp tục lặp đi lặp lại và trẻ lại tự nhiễm giun của chính mình và lây nhiễm sang cả những người khác.


Các loại giun ký sinh khác như giun móc, giun tròn, giun sán có thể lây qua việc tiếp xúc với đất bị ô nhiễm do phân của vật nuôi hoặc con người và điều này hoàn toàn phổ biến ở những nơi kém vệ sinh. Bạn cũng có thể bị nhiễm giun nếu bạn ăn phải thứ gì đó bị nhiễm trứng sán dây hoặc ấu trùng như thịt lợn hay thịt bò sống.

Các triệu chứng nhiễm giun đường ruột ở trẻ em

Trẻ bị nhiễm giun có thể không có triệu chứng gì hoặc có biểu hiện ngứa vùng hậu môn vào ban đêm. Ngoài ra trẻ còn có thể gặp phải một vài triệu chứng sau đây:


- Khó chịu và thay đổi trong hoạt động hàng ngày.


- Khó ngủ hoặc bồn chồn, thỉnh thoảng hay đái dầm.

Trẻ bị nhiễm giun có thể có các biểu hiện chán ăn và đau bụng (Ảnh minh họa)

 

- Đột nhiên chán ăn.


- Đau bụng và phân thì bất thường.


- Ở trẻ em gái, có thể mẩn đỏ và ngứa quanh vùng âm đạo.


- Nghiêm trọng hơn có thể có các dấu hiệu thiếu hụt vitamin và khoáng chất.


- Có thể có máu trong phân, có biểu hiện thiếu máu hoặc thở khò khè và ho khan.


Cách tốt nhất để nhận biết trẻ bị nhiễm giun hay không là kiểm tra hậu môn của trẻ bằng việc soi đèn khi bé đang ngủ. Bạn có thể thấy những con giun mỏng, trắng di chuyển giống như sợi dài khoảng từ 5 đến 15mm nhưng bạn không thể thấy được trứng của giun kim bằng mắt thường. Tuy nhiên, theo như các bác sĩ chia sẻ thì bạn có thể sử dụng băng dính dán lên hậu môn của trẻ để phát hiện ra trứng của giun kim nếu như trẻ có các biểu hiện nhiễm giun như trên.

Cách điều trị và phòng ngừa

Các loại thuốc xổ giun có thể được sử dụng để diệt giun ở trẻ (Ảnh minh họa)

Để tiêu diệt giun kim, bạn có thể sử dụng các loại thuốc điều trị theo toa của bác sĩ. Các thành viên trong gia đình hoặc người có tiếp xúc với trẻ nhiễm giun đều cần được điều trị. Thuốc khử trùng cũng được sử dụng để phân hủy tất cả những con giun đã chết. Sau đó hai tuần, việc điều trị được lặp lại nhằm đảm bảo không còn con giun nào có thể còn sót lại và chắc chắn rằng các triệu chứng nhiễm giun ở trẻ đã biến mất. Tiếp theo đó, tùy thuộc vào tình hình mà bác sĩ sẽ yêu cầu bạn kiểm tra bằng băng dính để kiểm tra xem giun đã hoàn toàn bị tiêu diệt hay không.

Bên cạnh đó, bạn cũng phải đề cao tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh. Không cho trẻ cắn móng tay. Rửa sạch thực phẩm, trái cây, rau củ trước khi ăn. Giặt sạch ga trải giường và đồ lót bằng nước nóng sau khi điều trị giun và đặc biệt là cũng nên thường xuyên trị giun cho vật nuôi ở nhà bạn

Theo Phunu8