Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vì sao protein quan trọng với trẻ nhỏ?


Nhu cầu protein của trẻ nhỏ gấp đôi người lớn để xây tế bào, cơ xương khớp, miễn dịch... cho giai đoạn phát triển tầm vóc nhanh nhất cuộc đời.

Protein trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "hàng đầu" hay "quan trọng nhất". Tiến sĩ Bảo Khanh - Nguyên trưởng khoa dinh dưỡng học đường và ngành nghề, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyên, cha mẹ nên nuôi trẻ với chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhất là cần chú ý bổ sung đầy đủ protein cho trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời mới để có thể phát triển tầm vóc tốt nhất.

Protein kiến tạo cơ thể

Protein là chất cơ bản kiến tạo cơ thể, chiếm 18% thể trọng con người. Tất cả tế bào và mọi bộ phận quan trọng như gan, thận, tim, da, tóc, cơ bắp, não bộ, huyết tương, huyết dịch... đều do protein cấu thành.

Giới chuyên gia gọi protein là chất sinh trưởng, đặc biệt quan trọng với trẻ nhỏ 0-6 tuổi đang trong giai đoạn phát triển tầm vóc, trí tuệ liên tục và nhanh nhất cuộc đời.

Trong 2 tháng đầu đời, 50% protein trong khẩu phần ăn của bé được sử dụng để phát triển cơ thể, 50% còn lại duy trì sự sống cho các mô và cơ. Đến năm 3 tuổi, 11% lượng protein thu nạp dùng để tăng trưởng chiều cao và trọng lượng, cho hệ cơ xương chắc khỏe.

Protein giúp trẻ phát triển tầm vóc và trí tuệ trong những năm đầu đời.

Protein giúp trẻ phát triển tầm vóc và trí tuệ trong những năm đầu đời.

Ngoài tăng trưởng, protein còn đảm nhiệm nhiều chức năng có thể mẹ chưa biết:

Tạo năng lượng: Khoảng 10-15% lượng calo sử dụng hàng ngày do protein cung cấp (1g protein tạo 4 Kcal).

Điều tiết các cơ quan: Protein tạo ra các loại enzym, hormone giúp chuyển hoá thức ăn, vận chuyển oxy, điều hoà hệ tim mạch, cân bằng đường huyết...

Củng cố miễn dịch: Protein là thành phần chính tạo nên các kháng thể, giúp vết thương nhanh lành,bảo vệ khỏi những tác nhân bất lợi, duy trì miễn dịch.

Vận chuyển dưỡng chất: Các tế bào protein có nhiệm vụ vận chuyển chất dinh dưỡng, vitamin đến các cơ quan và nội mô trong cơ thể.

Nhiều nghiên cứu cảnh báo, nếu thiếu protein kéo dài, tế bào sẽ bị tổn hại, cơ thể suy dinh dưỡng, chậm phát triển, trẻ thiếu sức, thiếu máu, dễ sinh bệnh, có thể dẫn tới tử vong..

Bổ sung protein đúng cách

Tuổi càng nhỏ, nhu cầu protein càng nhiều. Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tính trên mỗi kg trọng lượng cơ thể, trẻ 1-2 tuổi cần dung nạp 1,63g protein, trẻ 3-5 tuổi là 1,55g. Mức này gấp đôi nhu cầu của người trưởng thành (0,85g trên mỗi kg trọng lượng cơ thể).

Tuy nhiên, khảo sát "Tình hình dinh dưỡng trẻ em khu vực Đông Nam Á" (SEANUTS) trên 2.800 trẻ dưới 11 tuổi cho thấy, có đến 70% trẻ nông thôn và 40% thành thị thiếu hụt protein trong chế độ ăn hàng ngày. Khảo sát này do Viện Dinh dưỡng Quốc gia và FrieslandCampina Việt Nam thực hiện từ năm 2011 đến 2017.

2 ly sữa có thể đáp ứng tới 40% nhu cầu protein hàng ngày của trẻ.

Để có nguyên vật liệu xây dựng tế bào mới thay cho những tế bào già cỗi, và sửa chữa những tế bào bị tổn thương, cơ thể cần dung nạp protein từ thực phẩm. Dồi dào nhất là thịt nạc (gà, lợn, vịt), cá, trứng, sữa, các loại đậu, lạc, vừng...

Tuy nhiên, không có thực phẩm duy nhất nào có thể cung cấp đầy đủ, cân đối tất cả các chất dinh dưỡng. Vì vậy, Tiến sĩ Bảo Khanh khuyên nên đa dạng bữa ăn, phối hợp nhiều loại thực phẩm trong mỗi bữa, cân đối protein thực vật với động vật. Trong đó, sữa và chế phẩm từ sữa nên góp mặt 500 - 600ml trong thực đơn mỗi ngày của trẻ.

"Sữa chứa hầu hết các dưỡng chất trong cơ thể, là nguồn protein dồi dào và chất lượng cao. Sữa còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất mà khó có thực phẩm truyền thống nào có thể cung cấp đầy đủ và dễ hấp thu như vậy. Do vậy, nên bổ sung thêm sữa vào chế độ ăn hàng ngày", Tiến sĩ Khanh cho biết.

Khảo sát SEANUTS trong 6 năm cũng cho thấy, nhóm trẻ được bổ sung thêm sữa và chế phẩm từ sữa mỗi ngày đáp ứng đủ nhu cầu protein và nhiều vi chất khác hơn nhóm chỉ ăn uống truyền thống (thịt, cá, trứng, đậu...).

Theo VNE