Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé 7 tháng tuổi ăn được gì để lớn nhanh như Thánh Gióng?


Ở giai đoạn 7 tháng tuổi, bé đã mọc được vài chiếc răng đầu tiên nên mẹ đã có thể thay đổi thực đơn ăn dặm cho trẻ rồi nhé. Nếu đang thắc mắc bé 7 tháng tuổi ăn được gì, mẹ hãy cùng nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của con yêu để có cách lựa chọn thực phẩm phù hợp nhé!


Từ tháng thứ 5, 6 sau khi sinh thực phẩm ăn dặm của trẻ chủ yếu là cháo loãng, nhiều nước, rây nhuyễn. Tuy nhiên từ tháng thứ 7 mẹ có thể cho bé ăn thức ăn ở dạng đặc hơn, ít loãng, có hình khối (không cần rây). Thịt cá rau củ lúc này có thể xay nát và dùng trực tiếp mà không cần rây để tận dụng tối đa chất xơ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 7 tháng tuổi
Theo các chuyên gia, tuy 7 tháng tuổi là thời điểm bé chính thức ăn dặm. Tuy nhiên sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn không được bỏ. Bởi đó là nguồn dinh dưỡng quan trọng, cung cấp đầy đủ protein và các axit béo có lợi.

Vào thời điểm này, bé đã biết ăn những món ăn thô nhưng rất cần được xay nhẹ hoặc nghiền nhỏ. Do dạ dày cũng như hệ tiêu hóa của bé còn non nớt nên mẹ chỉ nên cho bé ăn với một lượng nhỏ.

Mỗi ngày bé cần được bú từ 3 đến 5 lần, mỗi lần từ 180ml đến 240ml. Số cữ ăn dặm của bé khoảng 2 - 3 lần. Để tránh tình trạng dị ứng, mẹ nên cho bé ăn thử một loại thức ăn trong 3 ngày.

Từ 7 tháng tuổi, trẻ đã có thể ăn các món cháo kèm thực phẩm băm nhỏ

Ảnh hưởng của dưỡng chất đến sự phát triển của trẻ
Ở giai đoạn này, bé rất dễ thiếu hụt những vi chất dinh dưỡng cần thiết. Mẹ cần hiểu rõ về tầm quan trọng của chúng để bổ sung cho phù hợp.

Kẽm: rất cần cho sự phát triển của tế bào, nâng cao hệ miễn dịch và chữa lành các vết thương. Bé cần 0,003g kẽm mỗi ngày.
Canxi: tốt cho hệ xương và răng, đảm bảo sự phát triển toàn diện. Theo khuyến cáo, bé 7 tháng tuổi cần 270mg canxi mỗi ngày.
Sắt: 11mg mỗi ngày là nhu cầu sắt bé cần để nuôi dưỡng các tế bào máu và đóng góp vào sự phát triển của não bộ.
Vitamin D: hỗ trợ quá trình hấp thu canxi thuận lợi và nhanh chóng. Nhu cầu vitamin D bé cần 400IU/ngày.
Vitamin C: bé cần 50g mỗi ngày để ngăn ngừa sự xâm nhập của các vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Nó còn tăng cường khả năng hấp thụ chất sắt.
Bé 7 tháng tuổi ăn được gì?
Theo nhu cầu dinh dưỡng kể trên, mẹ có thể cho bé ăn dặm thêm những loại thực phẩm mới. Một chế độ dinh dưỡng cho trẻ 7 tháng tuổi được gọi là "chuẩn" cần có 4 nhóm chất sau:

Nhóm cung cấp tinh bột : gạo trắng, mì, nui, khoai, ngô.
Nhóm cung cấp đạm: thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua, các loại đậu.
Nhóm cung cấp chất béo : dầu, mỡ, đậu phộng.
Nhóm cung cấp vitamin, chất khoáng : các loại rau và hoa quả. Riêng nhóm này, các chuyên gia khuyến nghị bé cần ăn 4 lần mỗi ngày. Mỗi lần bé ăn từ 2 đến 3 thìa.


Bữa ăn dặm cho bé 7 tháng tuổi cần đa dạng các nhóm dưỡng chất

Cách nấu cháo ăn dặm cho trẻ 7 tháng tuổi
Từ 7 tháng tuổi, bé đã có thể ăn thêm các loại tôm, cua, cá, lươn... Khi nấu cháo cho bé, mẹ cần bỏ vỏ, vảy, xương rồi cắt hoặc băm nhỏ rồi nấu chín.

Riêng bột cua đồng, mẹ lấy nước giã cua lọc kỹ thay cho nước lã nấu bột nhé. Lượng thực phẩm trong bữa ăn dặm của bé 7 tháng sẽ gồm:

Bột gạo: 20g (4 thìa cà phê)
Thịt (cá, tôm): 2 -3 thìa (20 - 30g) hoặc lòng đỏ trứng gà
Dầu (mỡ): 5ml
Rau xanh: 2 thìa (20g).
Top 5 thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ 7 tháng tuổi
Bí đao: Với kết cấu mềm, có vị thanh ngọt tự nhiên, dễ ăn, bí đao luôn là lựa chọn tuyệt vời để chế biến các món ăn dặm cho bé. Ăn bí đao giúp bé thanh nhiệt và ngăn ngừa táo bón.

Mẹ có thể lấy một ít bí đao mang đi xay nhuyễn và nấu cùng với bột ăn dặm. Ngoài ra nước ép bí đao cũng rất tốt và dễ uống cho bé.

Đậu lăng: Đậu lăng rất giàu protein, canxi cùng hàm lượng chất xơ dồi dào. Đây là loại thực phẩm vừa rẽ, vừa an toàn lại vừa tốt cho sức khỏe của bé.

Để chế biến, các mẹ nên nghiền nhỏ đậu lăng. Sau đó, trộn đậu cùng sữa hoặc trộn cùng với bột để tạo nên thực đơn ăn dặm cho bé thật bổ dưỡng.

Rau màu xanh đậm: Theo các chuyên gia, nếu mẹ đang thắc mắc bé 7 tháng tuổi ăn được gì thì các loại rau có màu xanh đậm là một câu trả lời không thể thiếu. Bởi chúng rất giàu chất sắt, beta-carotene cùng các vitamin thiết yếu khác.

Trong số đó, phải kể đến cải bó xôi, cải xoăn, củ cải. Mẹ có thể lựa chọn những phần lá tươi nhất và xay nhuyễn rồi trộn cũng bột ngũ cốc hoặc trộn cùng sữa.

Cà rốt: Nếu bạn muốn con nhà mình mắt sáng và tăng thị lực thì nên lựa chọn cà rốt để chế biến món ăn dặm hàng ngày. Trong cà rốt chứa nhiều vitamin A cũng như beta-carotene. Mẹ nhớ nhé, cà rốt có vỏ càng đậm thì càng chứa beta-carotene.

Bơ: Dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi cần bổ sung nhiều chất béo có lợi cùng lượng chất xơ dồi dào. Những dưỡng chất đó đều tập hợp trong quả bơ.

Theo các nghiên cứu khoa học, thành phần chất béo cũng như protein có trong bơ tương tự như sữa mẹ, rất tốt cho bé. Với vị thơm ngọt, dễ ăn, đó là lý do vì sao nhiều bé rất thích món sinh tố từ quả bơ.

Bé đã có thể ăn nhiều thực phẩm như người lớn, chỉ khác cách chế biến xay nhỏ, nghiền nát

Những nguyên tắc khi cho bé ăn dặm
Khi bé bước sang tháng thứ 7, mẹ nhớ chú ý những nguyên tắc sau khi cho bé ăn dặm:

Vẫn duy trì việc bú sữa mẹ, khoảng 600-700ml/ 24h.
Không nêm cho gia vị vào thức ăn để bảo vệ thận của bé.
Nấu cháo theo tỉ lệ 1:7, tức là cứ 10g gạo thì cần nấu với 70 ml nước.
Kết hợp cháo với các loại thịt, cá, rau, củ... cùng với thay đổi cách chế biến để đa dạng bữa ăn làm phong phú khẩu vị của bé.
Đừng quên nhóm chất béo khi chế biến món ăn cho bé.
Mẹ lưu ý, trong giai đoạn này sữa mẹ vẫn rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ sơ sinh. Vì thế dù đã giải đáp được thắc mắc bé 7 tháng tuổi ăn được gì? đã tự tin lên thực đơn ăn dặm cho bé. Thậm chí bắt đầu tăng dần số bữa ăn dặm cũng như số lượng thực phẩm, thì sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé cưng, mẹ nhé!

Theo Marrybaby