Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bất an hộ giữ trẻ gia đình


Hộ giữ trẻ gia đình là tên gọi chung của các điểm giữ trẻ chưa được cấp phép, có quy mô hoạt động 1 - 7 trẻ. Để duy trì hoạt động, chủ các cơ sở phải ký cam kết với UBND phường, xã về đảm bảo an toàn cho trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế loại hình này đang tồn tại nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng trẻ.

Mới quản lý trên giấy

Vừa qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) TPHCM đã có các buổi giám sát về tình hình quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập tại một số quận, huyện.

Ghi nhận tại quận Gò Vấp cho thấy, bên cạnh các trường mầm non, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đang hoạt động, địa phương còn có 109 hộ giữ trẻ gia đình (gọi tắt là hộ giữ trẻ) đang hoạt động. Đây là những điểm giữ trẻ chưa được cấp phép, có quy mô hoạt động dưới 7 trẻ và đã ký cam kết với UBND 16 phường về đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tuy nhiên qua tìm hiểu, có 6 điểm giữ quá 7 trẻ so với cam kết, trong đó có một điểm đang giữ 9 trẻ và một điểm giữ 12 trẻ là con công nhân. Ngoài ra, trên đường Trần Bá Giao (phường 5) có điểm giữ trẻ hoạt động gần 2 năm nay nhưng không có tên trong danh sách hộ giữ trẻ ký cam kết với địa phương. Cơ sở vật chất là một căn nhà cấp 4 xập xệ, phòng ốc ẩm thấp, không phù hợp yêu cầu sinh hoạt, vui chơi cho trẻ.    

Đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ TPHCM thăm hộ giữ trẻ gia đình của bà Lê Thị Nhim (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân)

Tương tự, tại quận Bình Tân, có 72 hộ giữ trẻ đang hoạt động với 403 trẻ. Qua kiểm tra tại điểm giữ trẻ của bà Lê Thị Nhim và bà Nguyễn Thị Hạnh (phường Bình Trị Đông B) cho thấy, trong nhà có nhiều vị trí ổ điện, bếp gas không an toàn đối với trẻ, không gian sinh hoạt thiếu ánh sáng, không có đồ chơi dành cho trẻ.

Đồ ăn phụ huynh gửi không được chủ cơ sở bảo quản trong tủ lạnh. Thậm chí tại điểm giữ trẻ của bà Hạnh, bình sữa sau khi trẻ uống không được vệ sinh sạch sẽ, bản thân bà Hạnh vừa trông trẻ vừa bán quán nước trước nhà. 

Ghi nhận tại các quận Tân Phú, Thủ Đức cũng cho thấy, do phần lớn các hộ tổ chức giữ trẻ trên cơ sở tận dụng diện tích sinh hoạt, phòng ốc của gia đình nên cơ sở vật chất không được cải tạo. Ở một số điểm giữ trẻ, vị trí kê tủ sách, bố trí dây diện, dàn âm thanh, ti vi quá thấp, nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ khi chơi đùa.

Đặc biệt, ở hầu hết các điểm giữ trẻ đều chưa trang bị tủ thuốc y tế, có nơi thuốc của trẻ để lẫn với thuốc dành cho người lớn và đã hết hạn sử dụng, nên nếu có sự cố bất ngờ xảy ra (như chấn thương do té ngã, sốt nóng trên 390C…) sẽ gây ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí tính mạng trẻ.     

Tồn tại hay không tồn tại?       

Thừa nhận một số khó khăn, bất cập trong quản lý loại hình này, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết về lâu dài quận sẽ tiến đến xóa bỏ hoạt động của các hộ giữ trẻ, thay vào đó khuyến khích các nhóm lớp mầm non tư thục phát triển lên thành trường để đảm bảo công tác chăm sóc và nuôi dưỡng.

Còn tại Gò Vấp, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận, cho biết hiện nay nhiều điểm giữ trẻ đang thu nhận trẻ vượt quá số lượng, nhận thêm trẻ không đúng độ tuổi theo cam kết với UBND phường. Do đó, quận kiến nghị TP nghiên cứu, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi “nhận quá số lượng trẻ và thiếu giáo viên tại các cơ sở mầm non”. 

Ngoài ra, phản ánh từ các quận, huyện cho thấy hiện nay nhân lực để kiểm tra, giám sát hoạt động của loại hình này gặp rất nhiều khó khăn. Một phó chủ tịch UBND phường 3 quận Gò Vấp cho biết, trung bình mỗi năm phường chỉ tổ chức 2 - 3 đợt giám sát tình hình hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Tuy nhiên, do số lượng cơ sở giữ trẻ quá lớn, hoạt động thường xuyên biến động (như giải thể, di dời địa điểm…) nên cán bộ phường gặp nhiều khó khăn. Cá biệt, có trường hợp như ở quận Bình Tân, khi đoàn kiểm tra xuống mới phát hiện điểm giữ trẻ đã ngưng hoạt động từ trước đó nhiều tháng và hiện có tiếp tục mở lớp ở địa chỉ khác không thì không ai biết.    

Trước thực tế đó, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TPHCM, đề nghị các địa phương tăng cường công tác giám sát, quản lý hoạt động của các hộ giữ trẻ: “Đối với những cơ sở chật hẹp, địa phương phải đề nghị chủ cơ sở mở rộng không gian hoặc giảm bớt số lượng trẻ, kiên quyết không cho hoạt động nếu không đảm bảo yêu cầu về an toàn”.

Riêng với các chủ cơ sở có nguyện vọng phát triển điểm giữ trẻ lên thành nhóm lớp hoặc trường mầm non, ông Doãn Trường Quang, Thành đoàn TPHCM, cho biết TP đang có chính sách vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoặc tư nhân đầu tư trong lĩnh vực giáo dục.

Đây được xem là một trong những cách tháo gỡ nhằm giúp các chủ cơ sở có thêm điều kiện cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng chăm sóc và nuôi dạy trẻ.

 

Có trường hợp như điểm giữ trẻ của bà Lê Thị Phượng (đường Quang Trung, quận Gò Vấp) đang giữ 6 trẻ nhưng không tổ chức nấu ăn cho các bé. Mỗi buổi sáng phụ huynh sẽ gửi toàn bộ thức ăn của trẻ trong ngày, chủ cơ sở cứ đến giờ lấy ra cho các bé ăn. Điều này làm dấy lên lo ngại nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm, phụ huynh hay chủ cơ sở sẽ chịu trách nhiệm?

 Nguồn http://www.sggp.org.vn