Chị Trần Thái Phương Thảo - sống tại Thành phố Kon Tum, một bà mẹ đã cùng con mình 2 năm lê la các bệnh viện và chỉ mong tiêm cho con được một mũi vắc xin...
Hành trình chữa bệnh
Gần đây, câu chuyện nuôi con theo tự nhiên, sinh con "thuận tự nhiên" được nhiều bà mẹ quan tâm và không ít người đã làm theo, lên tiếng anti vắc xin... mà không biết rằng hành động này rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ và ngay cả bản thân bà mẹ.
Câu chuyện của gia đình chị Thảo đã xảy ra 4 năm nhưng chị tin rằng đó vẫn là lời cảnh tỉnh cho nhiều bà mẹ khác còn nói không với vắc xin, để con phát triển tự nhiên.
Chị Thảo cho biết, khi chị sinh bé được 24 tiếng thì bé đã phải cách ly mẹ để điều trị tại khoa nhi sơ sinh vì bị tắc phân su. 24 tiếng sau bé phải mổ cấp cứu vì bị thủng ruột và vỡ đại tràng, bé được tạo một cái hậu môn tạm trên bụng. Sáu ngày tuổi bé đi xe cấp cứu, vượt qua quãng đường 600 cây số vào bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM để điều trị tiếp.
"Tôi cứ nghĩ rằng hai mẹ con sẽ chỉ ở bệnh viện một khoảng thời gian thật ngắn thôi, khi nào bé đóng cái hậu môn tạm ấy lại thì bé sẽ được xuất viện. Cơ mà, tôi và bé đã phải ở bệnh viện ròng rã 8 tháng", chị Thảo nhớ lại.
6 tháng đầu đời là 6 tháng bé được nuôi sữa mẹ, được mẹ ôm ấp nhưng bé nhà chị Thảo cả 6 tháng phải trải qua 5 cuộc mổ. Ở trong môi trường bệnh viện đầy rẫy bệnh tật, bé yếu ớt, không có sức đề kháng để chống chọi lại nên cứ bệnh này lan man sang bệnh kia. Trong suốt thời gian ở viện bé ốm nên không được tiêm vắc xin.
Con trai chị Thảo những ngày nằm viện
Chị Thảo kể, khi được 3 tháng tuổi, bác sĩ đóng hậu môn tạm cho bé. 7 ngày sau, vết mổ của bé được cắt chỉ rồi xuất viện về quê. Chị Thảo cho rằng "cơn ác mộng" bệnh viện của mẹ con chị sẽ dừng lại ở đây, nhưng không phải thế, chuỗi ngày gian khổ vẫn tiếp diễn.
Khi được xuất viện, vết mổ của bé đã được cắt chỉ bỗng dưng lại nứt toác ra, ngày một rộng hơn. Vết thương khiến bé khóc cả ngày lẫn đêm. Bác sĩ tại trung tâm y tế địa phương khâu sống lại cho bé, không thuốc tê, thuốc mê.
Được mấy ngày sau, vết chỉ lại bị đứt, bụng bé lại nứt. Bác sĩ lại tiếp tục may sống lại vết nứt. Vài hôm sau tình hình vẫn y vậy, vết may không thể liền, vết thương của bé không khô mà luôn rỉ máu. Bé đau đớn vật vã. Thấy không ổn, chị Thảo lại đưa con vào TP.HCM.
Đến Bệnh viện Nhi đồng 2, bé nằm phòng cấp cứu cả tháng trời và phải làm đủ các xét nghiệm. Lúc ấy bụng bé trương phình lên như bụng cóc, bé luôn trong tình trạng sốt 40, 41 độ, vết thương cứ rỉ máu liên tục, bụng bé bị nứt hoàn toàn. Bé không được bú, không uống sữa, chỉ truyền nước để duy trì sự sống.
"Mỗi ngày con phải truyền mười mấy tiếng kháng sinh. Khoảng thời gian nằm trong phòng cấp cứu thật sự quá đáng sợ. Su đó, bác sĩ quyết định mổ bụng bé, cắt một đoạn ruột sinh thiết ung thư và lao ruột. Kết quả, bé bị chẩn đoán lao ruột", chị Thảo tâm sự.
Bé Su của hiện tại
Thèm một mũi vắc xin
Chị Thảo kể, từ khi sinh ra bé đã phải mổ và điều trị nội trú kéo dài ở bệnh viện, bé chưa được tiêm bất kì một mũi vắc xin nào. Bé bị mắc bệnh lao ruột do không được tiêm phòng.
Hai mẹ con chị Thảo chuyển sang Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị lao. Bé lại mất thêm nửa năm uống thuốc lao. Thuốc này làm cho cơ thể bé nóng nảy, mệt mỏi vô cùng. Sử dụng thuốc điều trị lao kéo dài cực kì hại gan, hại thận.
Sau khi điều trị xong xuôi mọi loại bệnh tật, bé đã gần 2 tuổi và vẫn chưa được tiêm bất kì mũi vắc xin nào. Khi đưa bé về nhà, chị Thảo đã chạy ngay trung tâm y tế dự phòng, hỏi xem bé còn có thể được tiêm những mũi vắc xin nào, và đưa bé đi tiêm ngay lập tức.
Bà mẹ trẻ tâm sự: "Lê la ở bệnh viện cả năm tôi được chứng kiến rất nhiều trường hợp bệnh có thể tránh được nhờ tiêm vắc xin. Bệnh của trẻ con tiến triển nhanh như một cái chớp mắt, mới vài tiếng trước còn nằm đó ê a nói chuyện, vài tiếng sau đã phải vào hồi sức tích cực không biết sống chết thế nào, rồi những tiếng khóc nấc của các bậc làm cha mẹ khi con không qua khỏi".
Hai mẹ con chị Thảo
Mỗi người đều có quyền chọn lựa tiêm hoặc không tiêm cho con. Nhưng chị Thảo phản đối những hội, những cá nhân bài trừ vắc xin có những chia sẻ không tốt, không chính xác đến cộng đồng. Vì nó có thể phương hại đến rất nhiều mạng sống, còn họ thì chẳng phải chịu bất kì trách nhiệm nào.
Từ câu chuyện con trai mình, mỗi khi nghe nói về anti vắc xin, hội Vaccine - nên hay không, chị Thảo rất bức xúc. Bởi vì, chính con chị dù rất muốn nhưng thời điểm đó không được phép tiêm vắc xin, và hậu quả là bé bị ngay bệnh lao ruột, lại phải kéo dài thời gian bệnh tật, đau đớn và khổ sở.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh lao ở trẻ nhỏ dễ lây nhất là những trẻ sức đề kháng kém. Vì thế, trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, vắc xin phòng chống lao đã được đưa vào.
Để phòng lao đạt được hiệu quả cao, trẻ cần tiêm càng sớm càng tốt. Thời gian tốt nhất cho trẻ tiêm phòng lao là từ thời điểm sinh ra đến dưới 1 tháng tuổi.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo phụ huynh không nên nghe theo tin đồn mà không đưa con đi tiêm. "Thực tế cho thấy, việc nghe theo tin đồn hoặc cứ nghe có trẻ tử vong rồi mất lòng tin không tiêm đã khiến lượng trẻ bị mắc bệnh tăng ồ ạt vào năm 2014. Đây là một bài học lớn cho bất cứ ai muốn tẩy chay vắc xin", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Theo Tri Thức Trẻ