Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lễ đẹn cho trẻ sơ sinh, trăm cái hại không chút lợi


Thấy bé khóc nhiều do đẹn ở lưỡi hay vặn mình ngủ không ngon giấc vì lông đẹn, nhiều mẹ nghĩ đến lễ đẹn cho trẻ sơ sinh. Thực chất lễ này có thần diệu tới mức, chỉ cần một lần thực hiện là đổi được sức khỏe của bé cưng?

Hiểu cho đúng về lễ đẹn (lể đẹn) thôi cũng là điều nhiều mẹ còn chệch hướng chưa nói gì tới việc tìm cách trị đẹn cho bé chuẩn khoa học. Tin vào lời truyền miệng dân gian không phải lúc nào cũng đúng, nhất là những vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ sau khi sinh.

Đẹn trong miệng và lông đẹn ở trẻ sơ sinh
Nếu chỉ nhắc tới đẹn, nhiều mẹ có thể nhầm lẫn giữ đẹn trong miệng và lông đẹn. Tuy có cùng cách gọi tên tóm tắt nhưng đây là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau.

Đẹn miệng ở trẻ sơ sinh còn gọi là bệnh nấm (tưa) lưỡi. Đây là loại bệnh khá phổ biến do nấm men có tên gọi là Candida Albicans thường có trong khoang miệng của trẻ gây ra.

Candida Albicans còn được gọi là nấm cơ hội, luôn hiện diện và sẵn sàng tấn công cơ thể là loại nấm cơ hội. Loại nấm này phát triển mạnh khi sức đề kháng kém. Nhất là khi vệ sinh răng miệng không tốt, nấm này sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh.


Đẹn là hiện tượng tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh hoặc lông đẹn xuất hiện trên khắp cơ thể

Dấu hiệu nhận biết: Ban đầu là những chấm trắng nhỏ, xuất hiện ở phía đầu lưỡi, sau đó lan rộng dần thành mảng trắng trên mặt lưỡi. Lâu dần, màu sẽ chuyển sang vàng nâu trên lưỡi hoặc cả vùng niêm mạc họng, thậm chí xuống vùng thanh môn và thanh quản, hiếm hơn có thể xuống sâu trong phổi gây nguy hiểm cho đường hô hấp hoặc qua đường tiêu hóa xuống dạ dày gây tiêu chảy...

Lông đẹn hay còn gọi là lông tơ, lông măng, lông cáy, lông quắm. Hầu hết các em bé sơ sinh đều có lông đẹn, nhiều ít tùy từng bé. Loại lông này thường bao phủ khắp người, mặt và tay chân của bé. Y học hiện đại nhìn nhận đây là lớp bảo vệ làn da non nớt của bé trong những năm tháng đầu đời.

Tuy nhiên, nhiều bà và mẹ lại cảm thấy lông đẹn chính là "thủ phạm" khiến bé khóc đêm vì ngứa ngáy, khó chịu. Chính vì vậy, không ít mẹ lo lắng tìm cách tẩy lớp lông này càng nhanh càng tốt.

Các bác sĩ thường khuyên rằng mẹ nên kiên nhẫn chờ vì lông tơ sẽ tự rụng khi bé được 4-5 tháng tuổi. Trường hợp lông đẹn tiếp tục mọc nhiều trong thời gian dài hoặc có mọt túm lông ở xương sống mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để chuẩn đoán và điều trị hiệu quả.

Lể đẹn, sai một li đi một dặm

Dường như trong quan niệm dân gian, cắt lễ được coi là phương pháp chữa bệnh hiệu quả, an toàn mà không phải tốn tiền và công sức quá nhiều. Đó là lý do trẻ sơ sinh cứ bị "đè" ra, mặc sức thực hiện mà không "ngó" qua ý kiến của bác sĩ.

Tiếng đẹn là gì và ở đâu lưu truyền đến nay nhưng lể đẹn cứ thế đi qua các thế hệ và tồn tại thành gốc rễ, có căn cơ khó mà "nhổ". Lể đẹn là dùng lốt cát da bé để chữa chứng đẹn. Một cách làm phản khoa học mà y học hiện đại kịch liệt phản đối.


Bé khóc đêm, đừng vội đổ lỗi cho lông đẹn hay tưa lưỡi mà "rước họa" cho sức khỏe của trẻ

Đã có nhiều trường hợp cha mẹ phải ân hận nhìn con đau mà không có cách nào can thiệp vì lỡ tin "dân gian". Điển hình như trường hợp một bệnh nhi nhà ở Tây Ninh được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng tri giác, lơ mơ, da xanh tái, phần lưng có nhiều vết cắt lể vẫn còn chảy máu.

Gia đình cho biết, bé thường khóc đêm nên bà cháu nghĩ đến việc cắt lể để cháu hết khóc đêm. Thầy lang đã mạnh tay dùng dao lam cắt những vết sau lưng cho bé, nặn máu độc ra với mong muốn để giải thoát tình trạng khóc đêm cho bé. Chuyện khóc đêm không những không được cải thiện mà còn làm cho cháu bà thêm khóc nhiều vì đau, nhiễm trùng do vết thương bị cắt ở lưng.

Các bác sĩ xác định bé đã rơi vào tình trạng xuất huyết não. Ngay lập tức bé được truyền bù máu, điều trị chống nhiễm trùng vết cắt lể và theo dõi tình trạng xuất huyết não.

Theo các bác sĩ, cắt lể cho trẻ là điều không nên vì rất dễ bị mất máu hoặc nhiễm trùng máu. Hầu hết những dụng cụ khi cắt lể người dân dùng cho trẻ chưa được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng. Chính điều này đã vô tình mang vi trùng từ bên ngoài vào đường máu của bệnh nhân. Do đó chuyện viêm nhiễm đường máu là rất dễ gặp. Nếu không phát hiện kịp thời trẻ có thể tử vong.

Điểm danh 10 lỗi sai phổ biến khi chăm trẻ sơ sinh
Điểm danh 10 lỗi sai phổ biến khi chăm trẻ sơ sinh
Lần đầu làm mẹ, hẳn bạn nhận được không ít lời khuyên từ những người xung quanh, từ việc cho bé ăn đến cách chăm trẻ sơ sinh những ngày đầu... Cẩn thận bạn nhé! Không phải thói quen chăm trẻ nào cũng đúng, nhất là với 10 kinh nghiệm sau

Lễ đẹn cho trẻ sơ sinh là phương pháp chữa bệnh không được y học hiện đại ủng hộ, thậm chí là phản đối gay gắt. Chuyện bé khóc đêm, vặn mình khó chịu rất có thể do sức khỏe có vấn đề, nếu lo lắng mẹ nên đưa trẻ đi khám, không tự ý lể cho bé.

Theo Marrybaby