Nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào các cơ sở mầm non: Cần giám sát chặt chẽ
Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung năm 2017, trong đó có Điều 25 quy định: “Trường mầm non, nhóm lớp mầm non độc lập là cơ sở giáo dục kết hợp nhà trẻ và mẫu giáo, nhận trẻ em từ 3 tháng đến 6 tuổi”. Dư luận có nhiều ý kiến xoay quanh việc giữ độ tuổi tiếp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi, hay nâng lên từ 6 tháng tuổi. Báo Hà Nội mới xin trích đăng một số góp ý của bạn đọc về vấn đề này.
Dự thảo quy định nhận trẻ từ 3 tháng tuổi vào các cơ sở mầm non đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Lê Tuấn
PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT):
Bảo đảm quyền được đến trường mầm non của trẻ
Nếu nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi (nghĩa là không nâng tuổi đưa trẻ đến trường mầm non), sẽ vẫn có trường hợp trẻ mới 3 - 4 tháng tuổi, cha mẹ phải đi làm và không thuê được người giữ trẻ, việc giữ nguyên quy định để các cơ sở giáo dục mầm non có điều kiện có thể nhận trẻ đáp ứng nhu cầu của đối tượng này. Việc giữ nguyên độ tuổi đến nhà trẻ (từ 3 tháng tuổi) là để không bỏ sót đối tượng.
Về chương trình giáo dục mầm non, vốn được xây dựng dành cho trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi - nghĩa là chương trình bảo đảm cho việc tiếp nhận và nuôi dạy trẻ từ 3 tháng tuổi trở đi nên không có khó khăn gì về độ tuổi đến trường của trẻ.
Từ thực tiễn giáo dục mầm non hiện nay, tôi đề xuất chọn phương án không thay đổi, bởi Luật Giáo dục hiện hành quy định: Nhà trẻ, nhóm trẻ… nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi là quy định cho phép cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi chứ không phải nghĩa vụ phải nhận (không phổ cập giáo dục) và không bỏ sót đối tượng cần quan tâm, đặc biệt là đối tượng khó khăn.
Chị Vũ Thanh Lệ (quận Cầu Giấy):
Mong cơ quan chức năng cùng quan tâm
Theo tôi, đề xuất của Bộ GD&ĐT về việc các cơ sở giáo dục mầm non nhận trẻ từ 3 tháng tuổi là hợp lý bởi nhiều yếu tố. Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu thực tế ở một số khu vực, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thậm chí với cả đối tượng cán bộ công chức, nhiều khi rất “bí” người trông nom, chăm sóc trẻ. Thứ hai, trẻ rời cha mẹ sớm sẽ phát triển cứng cáp hơn. Là người mẹ trẻ trong hoàn cảnh đó, tôi trông cậy vào các cô giáo ở nơi gửi con. Tuy nhiên, tôi có băn khoăn vì hiện nay vấn đề gây xôn xao dư luận là nạn bạo hành trẻ em diễn ra khá phổ biến. Do đó, Nhà nước cần có những quy định cụ thể về cấp phép, kiểm tra giám sát chặt chẽ các cơ sở mầm non để bảo đảm an toàn cho trẻ ở mức cao nhất, đặc biệt an toàn về tính mạng. Đặc biệt, cả hệ thống chính trị cần có trách nhiệm cùng vào cuộc kiểm tra, giám sát, không để ngành Giáo dục “đơn độc” trong việc này.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Liên, Trường Mầm non giáo dục nhân cách Khai Trí (quận Thanh Xuân):
Cần cơ sở vật chất đầy đủ
Nếu cơ sở giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi, theo tôi đội ngũ giáo viên phải được đào tạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhóm tuổi này, trong đó có yêu cầu phải thực hiện được chương trình giáo dục mầm non, tức là có năng lực để nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 3 tháng đến 6 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay các trường mầm non và cơ sở tư thục nhận chăm sóc trẻ từ 3 tháng còn rất hạn chế, do cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu. Để quy định của luật có tính khả thi, theo tôi cần có quy định riêng về cơ sở vật chất dành cho độ tuổi này vì lứa tuổi 3 tháng, trẻ cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Như, dụng cụ đồ dùng cho trẻ cần tiệt trùng, cần có máy lưu trữ bảo quản sữa mẹ... Về nguồn lực, với trẻ ở độ tuổi 3-6 tháng, một giáo viên chỉ chăm sóc 1-2 cháu mới có thể bảo đảm an toàn. Từ thực tế trên, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất tại trường mầm non, nhóm lớp mầm non nhằm thực hiện tốt.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Trung ương Hội LHPN Việt Nam:
Nên thí điểm rồi hãy triển khai đại trà
Hiện nay Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã rất quan tâm, có những chính sách ưu việt đối với phụ nữ và bảo vệ trẻ em nên đã thống nhất chế độ thai sản cho phụ nữ từ 4 tháng lên 6 tháng. Quy định này đã bảo đảm tạo điều kiện cho trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, hay điều kiện hoặc lý do bất khả kháng nào đó, một số bà mẹ cần đi làm sớm. Về việc này, ngành Giáo dục cần cân nhắc đến điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để đảm nhận trông trẻ từ 3 tháng tuổi và cần thực hiện thí điểm hoặc theo lộ trình ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất trước, trên cơ sở đánh giá nếu hiệu quả mới triển khai đại trà. Bởi trong lĩnh vực giáo dục, chăm sóc phát triển toàn diện nhất là 1.000 ngày đầu đời của trẻ, giai đoạn này trẻ cần được nuôi dưỡng, phát triển trong môi trường giáo dục an toàn, từ dinh dưỡng đến phát triển trí lực, ngôn ngữ, nhân cách.
Nguồn http://hanoimoi.com.vn
|