Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rèn tính kỷ luật cho con


Rèn tác phong, nề nếp và tính kỷ luật cho trẻ tức là dạy trẻ thể hiện hành vi, thói quen tốt, dạy cách cư xử, dạy nếp sống, cách ứng xử văn minh. Cha mẹ không thể rèn dạy được điều đó cho con nếu để xúc cảm chi phối.

Tạo động lực cho con

Đã gần một tuần sau kỳ nghỉ Tết nhưng sáng nào chị Thu Ngọc (Khu tập thể Ngân hàng- ngõ Quan Thổ 1 - phố Tôn Đức Thắng - Hà Nội) cũng phải giục gọi, vào tận giường kéo chăn, đốc thúc mới lôi được hai đứa con dậy đi học.

Nghỉ Tết có một tuần nhưng chót để con rơi vào trạng thái “nghỉ xả hơi” với những hoạt động vui chơi quá đà, thức khuya ngủ nướng đã khiến cho nếp sinh hoạt của hai đứa con chị Ngọc chuệch choạc. Chưa có buổi sáng nào chúng kịp đi học đúng giờ. Có đi học thì lại quên bài vở, ngồi học lơ mơ mất tập trung, tác phong luộm thuộm, đua đòi ăn diện. Nhận tin nhắn trao đổi của cô giáo mà chị Ngọc càng thêm bực bội, sốt ruột.

Rút kinh nghiệm từ mấy năm trước, không để lặp lại tình trạng lười biếng, trễ nải chểnh mảng học hành của con sau Tết, nên ngay từ trước mấy ngày con trở lại trường vợ chồng chị Thanh Hương (khoa Huyết học - Bệnh viện Việt Đức) đã treo giải thưởng để khích lệ hai cậu con trai.

Phần thưởng chính là món đồ mà hai cu cậu ao ước từ lâu và đã chờ được sử dụng món tiền mừng tuổi đầu năm mới để mua. Việc hoàn thành bài tập và thực hiện nghiêm chỉnh giờ giấc học hành của hai anh em rất tự giác và vui vẻ, bố mẹ không phải nhắc nhở thúc giục nhiều. “Tạo được động lực cho con sau kỳ nghỉ Tết dài ngày cũng không khó, chỉ cần bố mẹ lưu tâm và sáng tạo thì việc giữ được nề nếp sinh hoạt không để bị đảo lộn cũng không đến mức căng thẳng lắm…” - chị Hương chia sẻ.

Nhẹ nhàng và kiên định

Khi yêu cầu con cái thực hiện nề nếp trong sinh hoạt thì phụ huynh cần đưa ra những quy định rõ ràng. Thay vì nói “con hãy sử dụng tiền mừng tuổi cho hợp lý” thì phụ huynh nên nói “tiền mừng tuổi để sử dụng cho việc mua cái gì, làm gì….”, “con hãy dọn dẹp đồ chơi gọn gàng” thì nói “nhặt đồ chơi dưới đất và trên bàn cho vào túi”, con phải cố gắng đi học đúng giờ thay bằng “con cần dậy từ lúc 6 giờ 30 phút như mọi ngày”…

Theo lời khuyên chuyên gia giáo dục và tâm lý Đinh Đoàn thì trong việc rèn luyện những thói quen nề nếp sinh hoạt cho con, phụ huynh rất cần thay đổi thái độ với con. Nên cho con quyền lựa chọn chứ không nên ra lệnh con phải như thế nọ như thế kia. Để đạt được mục đích mà không gặp sự chống đối và thể hiện sự tôn trọng quyền tự do lựa chọn, khuyến khích sự độc lập tự quyết của con thì phụ huynh cần thay đổi trong tư duy và phương pháp giáo dục.

Mọi đứa trẻ đều cần được cha mẹ chỉ dẫn, uốn nắn thường xuyên để có được tác phong tốt, những hành vi đúng đắn. Tác phong là lề lối, cách thức, phong thái đã trở thành nề nếp ổn định, thể hiện trong tất cả các hoạt động như học tập, làm việc, lối sống tạo nên nét riêng biệt của từng cá nhân.

Phụ huynh càng hợp lý, khéo léo trong phương pháp giáo dục thì càng nhận được sự cộng tác dễ dàng, tự giác, tự nguyện của trẻ. Kết quả của sự nỗ lực đó là một bầu không khí thoải mái, dễ chịu cho tất cả mọi thành viên trong gia đình. Tránh để xảy ra tình trạng vừa bước sang năm mới, khi trở lại nhịp độ cuộc sống ngày thường cha mẹ đã phải tức giận, thực hiện những hình phạt nặng nề khiến trẻ bị tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần cho con.

Theo các chuyên gia đào tạo về kỹ năng sống thì cho dù trẻ có lỗi, vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đến đâu chăng nữa thì chúng ta vẫn cần nói rõ để trẻ hiểu rằng chúng ta không đồng ý với hành vi của chúng chứ không phải chúng ta ghét bỏ chúng. Điều này có vẻ như ai cũng biết nhưng khi bực mình, khi mất bình tĩnh, chúng ta lại không nhớ đến nguyên tắc quan trọng này.

Nguồn http://giaoducthoidai.vn