Phát triển nhóm trẻ gia đình: Để chất và lượng song hành. Thành phố Cần Thơ hiện có 91 trường mẫu giáo, mầm non với trên 35 ngàn trẻ theo học. So với dân số trong độ tuổi, tỷ lệ vận động trẻ ra lớp đối với nhà trẻ là gần 8%, mẫu giáo là gần 60%. Góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp có vai trò không nhỏ của các trường mầm non, mẫu giáo ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình (NTGĐ). Tuy nhiên, để NTGĐ phát huy hiệu quả, cần có những chính sách hỗ trợ và quản lý chặt chẽ hơn… Đáp ứng nhu cầu thiết thực Sau khi nghỉ hậu sản 4 tháng, chị Nguyễn Thu Hiền, nhân viên một công ty trong khu công nghiệp Trà Nóc, lại tiếp tục xin nghỉ không ăn lương 2 tháng nữa. Chị nói: “Hoàn cảnh gia đình neo đơn quá, chưa tìm được chỗ gởi bé nên đành nghỉ ở nhà trông con vậy”. Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Tùng, nhà ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, cũng loay hoay tìm chỗ gởi đứa con gái vừa tròn 1 tuổi khi bà nội của bé về quê. Ở nhà trọ chật hẹp nên anh không thể và cũng không đủ khả năng thuê người trông con tại nhà. Gởi con vào các trường mầm non trên địa bàn thì không đủ điều kiện. Cuối cùng, sau khi tìm kiếm, thăm hỏi vợ chồng anh Tùng quyết định gởi bé vào NTGĐ Khánh Vân. Anh nói: “Tôi thấy NTGĐ rất phù hợp với hoàn cảnh của nhiều gia đình bởi nó không đòi hỏi nhiều lắm các điều kiện khi gởi con, giá cả cũng vừa phải”. Khi chúng tôi đến NTGĐ Mai Hoa, hẻm 6, đường Mậu Thân, quận Ninh Kiều, các bé ở đây đang tắm và chuẩn bị ăn xế. NTGĐ Mai Hoa có 3 phòng, có nhà ăn riêng. Mỗi phòng học đều trên 22m2, thoáng mát, có đầy đủ đèn, quạt, tủ đựng đồ chơi... Phía trước các phòng là một khoảng sân rộng được lót gạch sạch sẽ, có ghế xích đu, bàn trượt... Cô Lương Tuyết Liên, Trưởng NTGĐ Mai Hoa, cho biết: “Toàn nhóm có 60 cháu, được chia ra làm 3 nhóm lớp khác nhau với 2 giáo viên chính, 1 nhóm trưởng, 1 bảo mẫu và 1 bảo vệ. Chúng tôi chăm sóc và dạy trẻ theo chương trình giáo dục hiện hành. Các cháu được ăn theo thực đơn và học theo chương trình của các trường mầm non”. NTGĐ Mai Hoa được thành lập từ năm 1998. Trước đó, cô Liên chỉ giữ một vài trẻ; dần dần, thấy cô nuôi dạy trẻ chu đáo, cẩn thận, phụ huynh tìm đến ngày một nhiều, số lượng trẻ ngày càng tăng lên. Theo đánh giá của cô Lâm Thị Việt Ánh, chuyên viên phụ trách bậc học Mầm non, phòng Giáo dục quận Ninh Kiều, NTGĐ Mai Hoa là một trong những nhóm trẻ thực hiện đầy đủ các loại hồ sơ sổ sách và có chất lượng chăm sóc trẻ tốt. Hiện nay, quận Ninh Kiều có 22 NTGĐ đang được cấp phép hoạt động, góp phần hỗ trợ rất lớn cho công tác vận động trẻ ra lớp. Trong những năm qua, NTGĐ cũng phát triển khá mạnh trên địa bàn quận Bình Thủy. Năm học 2006-2007, toàn quận vận động được 3.408 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp. Trong đó, trường tư thục và NTGĐ đã vận động được 1.699 cháu, đạt gần một nửa tổng số trẻ ra lớp mẫu giáo, nhà trẻ. Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Trưởng Phòng Giáo dục quận Bình Thủy, cho biết: “Ngoài trường Mầm non Phong Lan tương đối khang trang, trường mầm non Bình Thủy và Hoa Hồng vừa mới được nâng cấp, xây dựng mới, hầu hết trường mầm non, mẫu giáo của quận Bình Thủy rất nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của phụ huynh. Vì vậy, ngành giáo dục quận Bình Thủy tập trung hỗ trợ phát triển NTGĐ để nâng tỷ lệ trẻ trong độ tuổi ra lớp”. Quận Bình Thủy hiện có 11 NTGĐ, phần lớn tập trung gần khu công nghiệp Trà Nóc, đáp ứng nhu cầu gởi con của cán bộ, công nhân nơi đây. Nỗi lo chất lượng chuyên môn Sự ra đời và phát triển của các NTGĐ vừa góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ ra lớp ở ngành học mầm non vừa tạo thêm việc làm cho không ít cá nhân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, do tự phát nên cơ sở vật chất của một số NTGĐ chưa đảm bảo, trình độ chuyên môn của các cô nuôi dạy trẻ ở NTGĐ còn hạn chế. “Quy định về các điều kiện tối thiểu cho các lớp mầm non, lớp mẫu giáo và nhóm trẻ độc lập có nhiều khó khăn ở những nơi không có đủ điều kiện thành lập trường mầm non” do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 20-10-2005, nêu rõ: giáo viên, người nuôi dạy trẻ phải được bồi dưỡng chuyên môn tối thiểu 3 tháng theo chương trình của ngành giáo dục. Về cơ sở vật chất, diện tích phòng học đảm bảo ít nhất 1-1,5m2/ trẻ, có chỗ chơi, có hàng rào hoặc cổng bảo vệ an toàn cho trẻ... Tuy nhiên, hầu như các NTGĐ ở quận Ninh Kiều và Bình Thủy đều thiếu sân chơi. Từ ngoài nhìn vào NTGĐ Hoa Hồng, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, chúng tôi đã cảm thấy ngột ngạt. Trong căn nhà cấp 4, bề ngang chỉ hơn 3m, hàng chục trẻ đang nô đùa. Chỉ có một hàng rào nhỏ ngăn giữa nhà với đường đi của con hẻm. Cô Lâm Thị Việt Ánh, chuyên viên phụ trách bậc học Mầm non, phòng Giáo dục quận Ninh Kiều, nói: “Giấy phép NTGĐ Hoa Hồng đã hết hạn từ tháng 6-2006 nhưng do nhóm không đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, ngành đã đề nghị không cho đổi giấy phép hoạt động. Thế nhưng, thực tế, NTGĐ này vẫn nhận giữ trẻ”. Cách NTGĐ Hoa Hồng vài chục mét, cũng có một NTGĐ đang hoạt động với qui mô nhỏ hơn. Chị phụ trách nhóm thuyết phục chúng tôi gởi trẻ tại đây vì nhóm của chị thoáng hơn nhưng khi chúng tôi xin cho con vào học, chị bảo: “Ngày 13-10-2006, em hãy mang cháu đến vì sắp có đợt kiểm tra của quận và phường”... Theo bà Phạm Thị Thiện, Phó Trưởng Phòng Giáo dục quận Ninh Kiều, vấn đề ngành quan tâm hiện nay chính là chất lượng giảng dạy của các NTGĐ bởi hầu hết giáo viên của các nhóm trẻ chưa qua đào tạo chuyên môn. Các cán bộ phụ trách mầm non lo lắng, cô Lê Thị Mỹ Dung, chuyên viên phụ trách bậc học Mầm non, phòng Giáo dục quận Bình Thủy, cũng lo lắng: “Do học sinh và giáo viên luôn biến động, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu nên chất lượng giáo dục trẻ ở các NTGĐ không được đảm bảo, ổn định. NTGĐ chủ yếu tập trung chăm sóc, giữ trẻ, còn phần dạy trẻ thì gần như chưa đảm bảo”. Thêm vào đó, những điểm nhỏ lẻ, tự phát chỉ có 5-7 trẻ thì khó có thể quản lý. Hiện nay, hai quận có nhiều NTGĐ là Ninh Kiều và Bình Thủy đang chuẩn bị các thủ tục mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên NTGĐ chưa được đào tạo chuyên môn. Sẽ có trên 160 giáo viên được bồi dưỡng. Thực hiện theo chỉ đạo của UBND quận Ninh Kiều, ngành giáo dục quận kết hợp cùng các đơn vị liên quan đang tiến hành kiểm tra chất lượng chăm sóc nuôi dạy trẻ ở các NTGĐ, trường, lớp mầm non dân lập, tư thục trên địa bàn. Kết quả kiểm tra là cơ sở để ngành giáo dục hỗ trợ tích cực hơn về chuyên môn, đồng thời giúp các địa phương quản lý địa bàn tốt hơn nữa. Những biện pháp giúp đỡ và chế tài thích hợp sẽ là điều kiện để các NTGĐ hoạt động chất lượng hơn. Báo Cần Thơ |