Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Từ vụ bé gái bị mảnh sành đâm vào cổ: Phụ huynh cần xử lý thế nào?


Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố vừa cấp cứu thành công bé gái bị mảnh sành đâm vào cổ khi đang ăn cơm. Tuy tính mạng của bé không còn nguy hiểm, nhưng di chứng để lại là không tránh khỏi. Theo ý kiến của nhiều bác sĩ, khâu sơ cứu tại nhà rất quan trọng, giúp bệnh nhi tránh được tình huống nguy hiểm, nhất là đối với tính mạng.


Tối ngày 3-1-2018, bé N.T.T, 30 tháng, ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do tai nạn vấp ngã khi đang ăn cơm làm vỡ chén và mảnh sành cắm sâu vào cổ bé.

Kết quả kiểm tra lâm sàng cho thấy, bé gái bị mảnh sành đâm vào cổ với độ sâu khoảng 3 cm làm đứt động mạch, tĩnh mạch và nguy hiểm hơn là cả dây thần kinh cổ từ cột sống đi ra. Ca phẫu thuật khẩn cấp được tiến hành để khâu nối các mạch máu bị đứt. Bệnh nhi được truyền đến 1,2 lít máu để bù lại lượng máu đã mất.

Sau 5 giờ phẫu thuật, bệnh nhi đã thoát khỏi nguy cơ tử vong. Bé đã có dấu hiệu hồi sinh vào sáng ngày 4-1 với mạch và huyết áp ổn định, mở được mắt, cử động được tay chân... Tuy nhiên, điều các bác sĩ cần phải theo dõi sát sao là những di chứng tổn thương não do ngưng tim, ngưng thở kéo dài.

Vụ tai nạn của bệnh nhi ở huyện Bình Chánh là hồi chuông cảnh báo với nhiều bậc cha mẹ

Từ vụ việc của bé gái bị mảnh sành đâm vào cổ, bác sĩ Trần Đắc Nguyên Anh, Phó trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết, đây là một tai nạn khá hiếm gặp và xếp vào nhóm báo động đỏ. Nếu không xử lý kịp thời và đúng cách, bệnh nhi rất dễ tử vong do mất nhiều máu.

Lời khuyên cho các bật phụ huynh nếu chẳng may rơi vào tình huống này là tìm cách bịt miệng vết thương để cho máu không chảy ra. Nếu trẻ bị thương ở bên phải, người nhà giơ tay trái của bé thẳng lên cao qua đầu, dùng nhiều bông kẹp vào vết thương rồi quấn băng choàng qua cổ và cánh tay đó.

Cách làm này giúp cầm máu tạm thời mà vẫn đảm bảo là không gây khó khăn cho quá trình hô hấp của trẻ. Sau đó, bệnh nhân phải nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ có biện pháp xử lý.

Liên quan đến trường hợp bé gái bị mảnh sành đâm vào cổ, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn đến việc bảo đảm an toàn cho bé trong gia đình.

- Khi ăn, tuyệt đối không cho bé chạy nhảy, leo trèo.

- Tốt nhất là dùng chén, muỗng nhựa an toàn để cho bé ăn.

- Các vật dụng gia đình dễ vỡ, dễ gây thương tích cho trẻ cần được cất ở nơi an toàn, không cho bé sử dụng để làm đồ chơi.

Theo Phunu8