Hai dấu hiệu trẻ bị rối loạn hormone tăng trưởng cần chữa ngay Nếu chiều cao của bé thấp hơn chuẩn độ tuổi hay suốt 6 tháng liền không cao thêm một cm thì nên đến gặp bác sĩ.
Thực tế nhiều người thường nghĩ rằng khả năng cao lớn của một đứa trẻ phụ thuộc phần lớn vào di truyền và chiều cao của con cái được quyết định bởi tầm vóc của cha mẹ. Tuy nhiên các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra yếu tố di truyền chỉ đóng góp 30% sự phát triển chiều cao của một đứa trẻ, 70% còn lại phụ thuộc vào dinh dưỡng, vitamin D, vận động thể chất, ngủ đủ, nội tiết tố tăng trưởng (growth hormone - GH)... Thực tế, hầu hết phụ huynh Việt Nam thường không để ý đến chiều cao của con mình. Đến khi bé đi học, thấy con thấp còi hơn các bạn đồng trang lứa, bố mẹ mới nghĩ đến nguy cơ con bị suy dinh dưỡng và đưa đến gặp bác sĩ. Trong số đó có nhiều trẻ thấp còi bị bệnh lý thiếu hụt hormone tăng trưởng nhưng bác sĩ dinh dưỡng chỉ khuyên về nhà bồi bổ, ăn nhiều hơn mà vẫn không thể cải thiện tầm vóc, bỏ lỡ quãng thời gian vàng để điều trị bổ sung hormone. Theo tiến sĩ Loan, những trường hợp trẻ bị thiếu nội tiết tố tăng trưởng cần phải điều trị bằng cách bổ sung hormone tăng trưởng thì mới giúp bé đạt được chiều cao tối đa. Để biết một đứa trẻ có bị thiếu hormone tăng trưởng không, bác sĩ Loan khuyên phụ huynh nên để ý đến hai dấu hiệu. Thứ nhất, chiều cao của bé thấp hơn chuẩn trung bình căn cứ vào biểu đồ tăng trưởng theo độ tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (ảnh dưới). Thứ hai, nếu thấy trong 6 tháng liền trẻ không tăng thêm đến một cm thì nên nghĩ đến khả năng bị thiếu hormone tăng trưởng. Biểu đồ tăng trường chiều cao trung bình theo chuẩn độ tuổi của WHO. Ví dụ nếu con bạn hai tuổi thì theo biểu đồ này chiều cao trung bình của bé gái cần đạt là 79 đến 92 cm, bé trai từ 81 đến 93 cm. Tiến sĩ Loan giải thích: Nội tiết tố tăng trưởng là một hormone được tiết ra từ tuyến yên của não. Nội tiết tố này giúp các đầu xương ở trẻ dài ra, đồng thời có chức năng chuyển hóa. Trẻ thiếu hormone tăng trưởng sẽ dẫn đến thấp còi, suy dinh dưỡng. Người lớn thiếu nội tiết tố tăng trưởng sẽ bị nhão cơ, mỡ tích đọng nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nội tiết tố tăng trưởng. Chẳng hạn như người không có tuyến yên hoặc tuyến yên không tiết đủ hormone tăng trưởng. Ngoài ra, một số bệnh lý bẩm sinh cũng gây ra tình trạng này, khiến đứa trẻ sinh ra nhỏ so với tuổi thai, còi trong bụng mẹ, gọi là SGA. Tiến sĩ Loan khuyến cáo phụ huynh có con nghi ngờ bị thấp còi do thiếu hụt nội tiết tố tăng trưởng không nên tự ý bổ sung hormone này mà cần được sự tư vấn và điều trị của bác sĩ chuyên khoa Nội tiết. Phương pháp này chỉ áp dụng cho những trường hợp bị cạn kiệt nội tiết tố tăng trưởng. Bệnh nhân cần trải qua quá trình kiểm tra nghiêm ngặt tại bệnh viện để xác định liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh lý nhằm giúp trẻ phát triển chiều cao tối đa mà không bị tác dụng phụ. Theo khuyến cáo, việc điều trị hormone cho trẻ cần được áp dụng càng sớm càng tốt và kéo dài đến 12 tuổi. Sau 12 tuổi, các đầu xương đã đóng lại nên việc việc điều trị không còn hiệu quả. Quá trình điều trị nội tiết tố cần kết hợp tăng cường vận động, ngủ đủ giấc, ăn uống đủ chất để giúp trẻ đạt được chiều cao tối đa. Theo VNE |