Bà bầu không nên chủ quan khi bị đau rát cổ họng Bệnh viêm họng rất dễ xảy ra trong ba tháng đầu thai kỳ, có thể dẫn đến viêm tai giữa, đau tức ngực.
Ba tháng đầu thai kỳ là giai đoạn phụ nữ dễ bị viêm họng nhất. Nguyên nhân chủ yếu do có sự thay đổi lớn về nội tiết tố khi mang thai. Lúc này sức đề kháng của cơ thể giảm, tác nhân gây bệnh dễ xâm nhập vào niêm mạc mũi họng gây viêm họng có đờm. Triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng là ho nhiều, có thể kèm theo sốt, đau đầu. Tình trạng tăng tiết màng nhầy còn khiến bà bầu bị nghẹt mũi, ho khan hoặc ho có đờm, gây cảm giác khó chịu. Bác sĩ Tú khuyến cáo hiện nay có nhiều loại thuốc dạng viên hoặc siro chữa đau rát cổ họng có đờm, dùng được cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Tuy nhiên người bệnh không nên tự ý mua nhóm thuốc này về uống, vì nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây ảnh hưởng xấu tới niêm mạc dạ dày. Với phụ nữ mang thai, chỉ nên dùng thuốc khi có sự tư vấn của bác sĩ và tuyệt đối không nên dùng trong thời gian dài. Tốt nhất, bà bầu nên đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn chỉ định điều trị phù hợp. Bên cạnh việc dùng thuốc, bác sĩ Tú khuyên các thai phụ nên uống nhiều nước, súc miệng bằng nước muối sáng và tối, bổ sung nước ép trái cây nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, có thể áp dụng một số mẹo dân gian như ăn trái cam nướng, uống gừng tươi, mật ong, chanh... cũng giúp giảm đau họng, tăng cường sức đề kháng. Để phòng bệnh viêm họng, phụ nữ mang thai vào mùa lạnh nên chú ý giữ ấm cơ thể. Những lúc trời trở gió cũng cần mặc ấm. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, hút sạch bụi bẩn và vi khuẩn bởi đây là những nguyên nhân khiến bạn bị dị ứng và ho. Sử dụng khẩu trang khi dọn dẹp nhà hay đi ra ngoài đường. Tránh tiếp xúc với những người bị cảm, viêm mũi cấp tính. Hạn chế ăn đồ lạnh, tắm nước lạnh. Nếu thấy những dấu hiệu bất thường như sốt cao hay ho khan, nên đi khám và điều trị kịp thời. Theo VNE |