Những cột mốc khám thai định kỳ bà bầu không nên bỏ lỡ Khám thai định kỳ có vai trò rất quan trọng nên ngay khi đã xác định có thai, chị em phụ nữ nên đi thăm khám thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ hoặc ít nhất cũng không được bỏ qua các cột mốc khám thai dưới đây.
Các cột mốc khám thai định kỳ ở 3 tháng đầu Khám thai định kỳ là hành động thiết thực nhất thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm dành cho đứa con yêu của bạn. + Trễ kinh khoảng 1-2 tuần: Trong lần khám đầu tiên, người mẹ sẽ được siêu âm để xác định thai có nằm trong lòng tử cung hay hay không, em bé đã có tim thai chưa? Nếu như em bé nằm ngoài dạ con của mẹ thì cần được xử lý sớm - thường là kết thúc thai kỳ sớm bởi những cơ quan nằm bên ngoài dạ con của người mẹ không có chức năng nuôi em bé. Đến một thời điểm nào đó cái thai tự động lớn lên vỡ ra hoặc chạy lung tung trong bụng mẹ... có thể làm cho em bé hoặc người mẹ gặp nguy hiểm. + Từ 11 đến 13 tuần 6 ngày: Bác sĩ cho làm xét nghiệm siêu âm vết mờ ở đằng sau da gáy của em bé để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể nguy hiểm. Nếu vùng này dày vượt quá mức quy định, em bé có khả năng bị hội chứng down, dị dạng tim, chi bẩm sinh... Việc khám thai trong giai đoạn này cũng giúp chẩn đoán khá chính xác tuổi thai, dự đoán ngày sinh chuẩn hơn những tháng giữa và tháng cuối thai kỳ. Biết được khi sinh là thai đủ tháng hay non tháng, dự phòng được thai già tháng và sau này có thể phát hiện được thai suy dinh dưỡng trong tử cung. Bác sĩ cũng sẽ sớm phát hiện những bệnh lý của mẹ như tiểu đường, cao huyết áp, những bệnh lý phụ khoa như khối u buồng trứng, u xơ tử cung, ung thư cổ tử cung... từ đó tư vấn cho các bà mẹ nên tiếp tục hay chấm dứt sớm thai kỳ, cách điều trị, cách thức dưỡng thai và quyết định lịch khám thai tiếp theo. 3 tháng giữa
Những dị tật, dị dạng của thai nhi được chẩn đoán dễ dàng hơn từ tuần 15 đến tuần 19 của thai kỳ. Thời điểm 22 tuần là thời điểm nước ối nhiều nhất, em bé sẽ "bơi lội" trong buồng tử cung mẹ như một con cá nhỏ. Phần lớn các dị tật bác sĩ có thể nhìn thấy bằng siêu âm 3 chiều, 4 chiều. Trong giai đoạn này, dù hiếm nhưng cũng có trường hợp bác sĩ phát hiện em bé không có xương mũi, không có mắt, không có tai, có vấn đề đa dị tật trong tim, trong đường tiêu hóa... Nhờ khám thai đầy đủ, các bà mẹ sẽ được tư vấn để nếu cần thì phải chấm dứt sớm thai kỳ, tránh ảnh hưởng đến tâm sinh lý về sau. Bác sĩ cũng sẽ phát hiện được tình trạng rối loạn huyết áp do thai vào tuần lễ thứ 20, từ đó dự phòng tiền sản giật nặng và sản giật về sau. Ba tháng giữa là thời điểm lý tưởng để thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật sản phụ khoa thích hợp mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi hoặc không gây sinh non nên các mẹ đừng vì chủ quan mà trốn khám thai định kỳ ở giai đoạn này nhé! 3 tháng cuối thai kỳ mẹ bầu cần khám những gì?
Từ tuần thứ 32 đến 35, các mẹ nên đi khám thai định kỳ 2 tuần/luần. Thời điểm này, bác sĩ cũng sẽ chẩn đoán ngôi thai, sự tương xứng giữa cân nặng thai nhi và khung chậu người mẹ... từ đó có thể tiên lượng được cuộc sinh sắp tới là dễ hay khó, có những nguy cơ nào. Có thể phát hiện được những thai kỳ nguy cơ cao và từ đó cho nhập viện sớm trước ngày dự sinh (chẳng hạn). Bác sĩ cũng sẽ cho nhập viện, mổ chủ động khi thai đủ trưởng thành (38 tuần) đối với những trường hợp phải sinh mổ như: nhau tiền đạo, ngôi mông con to, khung chậu hẹp, vết mổ thai cũ... Từ tuần thai thứ 35 đến khi sinh: Mỗi tuần bà bầu nên đi khám một lần cho đến khi sinh. Đây cũng là giai đoạn mẹ bầu nên quan tâm và theo dõi cường độ máy của thai nhi theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, mẹ cần nhập viện thăm khám ngay. Khám thai định kỳ đem lại rất nhiều lợi ích cho cả hai mẹ con, giúp kỳ sinh nở diễn ra suôn sẻ, dễ dàng hơn. Đây cũng là hành động thiết thực nhất thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm dành cho đứa con yêu của bạn. Vì vậy, khi có thai, đừng quên những cột mốc thăm khám quan trọng trên mẹ nhé! Lợi ích của khám thai định kỳ - Khám thai định kỳ sẽ biết được sự phát triển của em bé, phát hiện sớm những bệnh lý liên quan đến thai. Các bác sĩ sẽ giúp người mẹ điều chỉnh kịp thời những rối loạn, điều bất thường có thể xảy ra. Ví dụ như tình trạng suy dinh dưỡng trong tử cung do người mẹ ăn uống không đúng cách, huyết áp của người mẹ tăng cao, mẹ tiểu ra đạm, xuất hiện những cơn co giật, có thể nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé... - Sàng lọc thai kì xem em bé có bất thường gì không để chấm dứt thai kì và đưa em bé ra ngoài sớm. - Để đảm bảo an toàn cho em bé, bác sĩ sẽ cho người mẹ chích ngừa, điều chỉnh thuốc cũng như chế độ ăn cho mẹ. Tiêm phòng uốn ván rốn cho em bé... Theo Phunu8
|