Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Cho trẻ làm quen với tiếng Anh: Sẽ hiệu quả hơn khi có Chương trình khung


Sau 3 năm triển khai chương trình thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh (LQTA), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định việc cho trẻ mầm non LQTA là rất thiết thực, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng Chương trình khung và bổ sung nội dung cho trẻ LQTA vào Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 như một chương trình chính thống.

Nỗ lực từ phía các trường công

Những năm qua, việc tổ chức cho trẻ LQTA trong trường mầm non công lập trên địa bàn TPHCM là do nhà trường hoàn toàn chủ động. Ban Giám hiệu các trường tự hợp đồng với các đơn vị thực hiện, cùng họ ký kết, thỏa thuận nội dung chương trình, học phí, người dạy… Vì chỉ dừng lại ở cấp độ LQTA nên kiến thức được lồng ghép vào các trò chơi, bài hát, truyện kể.

Hiện tại, các trường mầm non tổ chức liên kết với 4 chương trình: Phonics - LBUK (Công ty Cổ phần Phát triển Giáo dục Việt Nam - VPBOX), Poly Phonics (Korea POLY School), Happy Hearts (Đại Trường Phát Kindergarten JSC), My Adventure (Chương trình do Sở GD&ĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Pearson).

Trường Mầm non 19/5 là trường mầm non điển hình của TPHCM tổ chức thành công chương trình ngoại khoá cho trẻ LQTA theo hình thức tự nguyện, áp dụng cho trẻ từ 3-5 tuổi. Nhà trường lựa chọn chương trình Poly Phonics đã được Sở thẩm định. Chương trình này được triển khai theo 3 phần.

Phần Spot on dành cho trẻ 3 tuổi, kết hợp quá trình phát triển năng lực tự học và khả năng nâng cao nhận thức, thể chất, cảm xúc, ngôn ngữ ở trẻ.

Phần Poly Phonics level 1 dành cho trẻ 4 tuổi, giúp cho trẻ nắm bắt và sử dụng hệ thống chữ cái, âm tiết.

Phần Poly Phonics level 2 là chương trình nâng cao dành cho trẻ 5 tuổi, hướng dẫn trẻ học từ vựng bắt đầu từ âm đầu của nguyên âm và phụ âm (A-Z), rèn luyện kỹ năng giao tiếp thường ngày trên lớp.

Chương trình của Trường Mầm non 19/5 có sự đầu tư tốt về nội dung và hình ảnh, có đĩa CD để trẻ có thể ôn luyện thêm tại nhà. Theo nhà trường, trẻ mầm non rất thích và hứng thú tham gia, số lượng trẻ tham gia đã tăng lên 60% trong năm học 2017.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc cho trẻ LQTA, Trường Mầm non thực hành Hoa Sen (thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) xây dựng mô hình cho trẻ LQTA có tên “Học tiếng Anh thật vui”. Chương trình nay được thực hiện trong mối liên hệ với việc triển khai Chương trình Giáo dục mầm non.

Nội dung chương trình LQTA tập trung vào các chủ điểm Chào hỏi giao tiếp (Greetings), Nhà trường (At my school), Bản thân (Myself), Gia đình (My family), Thế giới xung quanh (My little world),…

“Trong quá trình tổ chức hoạt động cho trẻ LQTA, giáo viên luôn hướng đến tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tạo hứng thú cho trẻ. Trẻ học mà chơi, chơi mà học. Giáo viên tiến hành thiết kế và tổ chức bài học có hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin và giáo cụ trực quan, hướng tới mục tiêu giúp trẻ nghe - nói tiếng Anh một cách tự nhiên nhất” - TS Nguyễn Thị Thanh (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) chia sẻ.

Việc triển khai cho trẻ mầm non LQTA không chỉ gói gọn trong phạm vi của những thành phố lớn mà còn được các trường mầm non ở một số tỉnh miền núi, xa trung tâm như Lào Cai, Bắc Ninh, Sơn La, Hải Dương… quan tâm thực hiện.

Tại Lào Cai, các cơ sở giáo dục mầm non đã bắt đầu áp dụng tài liệu LQTA của những chương trình Dremsky, PopoDoo Smart, Clever Land. Cả tỉnh có 22 trường mầm non công lập với 3159 trẻ tham gia LQTA (đạt trên 9%). Đối với tỉnh Bắc Ninh, tính đến cuối năm học 2016 - 2017, có 57 trường với 9812 trẻ LQTA theo giáo trình Fingerprint, thời lượng học tập đều đặn 60 phút/buổi/tuần.

Chương trình đa dạng của các tổ chức giáo dục tư

Những tổ chức giáo dục tư nói chung và trường mầm non tư thục nói riêng có nhiều lợi thế về nguồn vốn, đội ngũ nhân sự, hệ thống tổ chức. Các cơ sở của họ thường đặt tại vị trí thuận lợi, khu vực dân trí cao và có phụ huynh rất quan tâm đến sự phát triển của trẻ.

Những tổ chức này đang liên tục mở rộng chi nhánh, nâng cấp cơ sở, trang bị đồng loạt giáo cụ hiện đại, đổi mới về giáo trình, phương pháp, từng bước tiếp cận và phối hợp nguồn lực với các trường mầm non công lập trong việc xây dựng chương trình cho trẻ LQTA.

Trường Mẫu giáo Việt Triều Hữu Nghị là trường mẫu giáo tư thục chất lượng cao, đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 2, hiện đang hợp tác cùng Tổ chức GD&ĐT Apolo áp dụng nhiều phương pháp LQTA theo hướng tương tác, kết hợp với các hoạt động ngoại khóa theo chủ điểm như “Noel ấm áp”, “Hội sách song ngữ”,”Ngày hội tiếng Anh của bé”. Ba phương pháp được nhà trường chú trọng là TPR - Total Physical Response (trả lời các câu hỏi để tổng hợp kiến thức và sử dụng ngôn ngữ), Alpha-mime (sử dụng âm thanh, chữ cái, tranh ảnh chuyển động nhằm xây dựng thông tin vững chắc ở não), 4C - Trao đổi, Phối hợp, Sáng tạo, Tư duy.

Ngoài ra, Tổ chức Apolo còn phối hợp với nhà trường đánh giá, kiểm soát chất lượng; tài trợ cho nhà trường những chuyến tham quan dã ngoại học tiếng Anh, liên hoan cùng các bé làm Poster, Pano nhân các dịp lễ hội.

Theo bà Lê Thị Yên Bình, Tổng Giám đốc VPBOX, đơn vị này hưởng ứng Chương trình Giáo dục Mầm non của Bộ GD&ĐT đã phát triển thành công phần mềm Phonics-Smart Preschool English.

Đây là ứng dụng tái hiện các hình ảnh, kiến thức trong giáo trình cùng tên một cách sinh động bằng “kênh hình” và “kênh tiếng”. Các hoạt động học tập do Phonics-Smart Preschool English chuyển tải rất phong phú, hình ảnh được thiết kế tinh xảo, dễ thương. VPBOX cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu cho trẻ LQTA bằng đội ngũ giáo viên bản ngữ có đầy đủ năng lực và hồ sơ theo quy định của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Nghị định số 11/2016/NĐ-CP và Thông tư số 40/2016/TT-BLĐTBXH.

Xét ở phương diện cung cấp giải pháp giáo dục và học liệu LQTA, Tập đoàn Giáo dục Đại Trường Phát đang liên kết chặt chẽ với các NXB danh tiếng trên thế giới để thiết kế, khảo nghiệm và cập nhật Sách giáo khoa.

Điển hình như NXB Cambridge University Press (thành lập năm 1534, có 2.200 nhân viên), NXB Oxford University Press (thành lập năm 1586, có 6.000 nhân viên). Đại Trường Phát còn hỗ trợ việc xây dựng bộ nguyên tắc và phương pháp giảng dạy chi tiết, hướng tới một môi trường - điều kiện học tập LQTA tối ưu cho trẻ.

Riêng Tổ chức Nation Geographic Learning đã đưa ra các khuyến nghị về “Cách thức sử dụng các bài hát kèm động tác với các học viên Anh ngữ nhỏ tuổi (Young Learners - Yls)” của Việt Nam.

Tổ chức này cho rằng: “…Một sự thấu hiểu kỹ lưỡng về tầm quan trọng của âm nhạc trong cuộc sống và quá trình học tập của trẻ em sẽ giúp các giáo viên sử dụng các bài hát kèm động tác hiệu quả hơn…”. Nation Geographic Learning hướng dẫn rất chi tiết về cách lựa chọn bài hát ca khúc nhạc Jazz, nhạc Thiếu nhi, các trò chơi dân gian, trò chơi tiết tấu và âm lượng… khi cho trẻ LQTA.

Dự kiến chương trình khung

Qua thực tế trên cho thấy nhu cầu cho trẻ LQTA là có thật và ngày càng lớn. Tuy nhiên, để hoạt động này phát huy hiệu quả, đội ngũ giáo viên thừa hành cần nhận được sự quan tâm đúng mực.

Với những đặc thù của trẻ, giáo viên dạy tiếng Anh ở bậc học mầm non phải trải được qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lẫn kỹ năng sư phạm tương ứng với lứa tuổi. Xét ở khía cạnh chuyên môn, đội ngũ này cần được chuẩn hóa: ngoài bằng cấp theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, họ còn phải có những hiểu biết nhất định về văn hóa, tâm lý và có khả năng tiếp cận, triển khai nhanh chóng những giáo trình đã được thẩm định.

Trong quá trình dạy, nên đa dạng hóa các phương pháp kết nối việc học tiếng Anh sao cho phù hợp với những cảm xúc lứa tuổi và kinh nghiệm sống của trẻ, như tổ chức nhiều trò chơi, đọc chuyện tiếng Anh, xếp chữ, đoán hình, xem phim, hoạt động trải nghiệm…

Hiện các chuyên gia giáo dục, đại diện các tổ chức giáo dục và trường học mầm non đang chủ động đề xuất với Bộ GD&ĐT giải pháp hướng dẫn cụ thể quá trình tổ chức thực hiện, thống nhất tất cả hoạt động giúp trẻ mầm non LQTA thành một Chương trình khung, đồng thời nghiên cứu đưa nội dung này vào chương trình học tập chính khóa và tổ chức biên soạn nhiều tài liệu, học liệu để các trường lựa chọn và áp dụng vào thực tế giảng dạy.

Chương trình khung cần được xây dựng thống nhất nhưng linh hoạt, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và giáo viên chủ động về phương pháp giảng dạy.

Nguồn http://giaoducthoidai.vn