Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ủng hộ quy định về lương giáo viên và miễn học phí trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi


Đóng góp ý kiến cho Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, nhiều cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên cho rằng: nhìn chung hiện nay lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc mầm non, phổ thông, vì vậy cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ điều hành hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục

Tăng lương tạo động lực cho giáo viên yên tâm công tác

Tại hội thảo góp ý Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 30/11, nhiều đại biểu bày tỏ ý kiến đồng tình với nội dung về lương nhà giáo trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (Điều 81) quy định: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

Vấn đề chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo cũng được nhiều giáo viên, cán bộ quản lý cho rằng cần đề cập sửa đổi, bổ sung trong luật Giáo dục sửa đổi; trong đó, nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng để chuẩn hóa đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ hoàn toàn nhất trí với nội dung dự thảo luật, phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay. Về nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng là phù hợp.

Bà cho rằng trong năm học 2016 - 2017, tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn đã là 86,7%. Như vậy, nếu để trình độ trung cấp khó đáp ứng yêu cầu của thực tế giáo dục. Chính vì vậy cần tạo điều kiện cho giáo viên đi học tiếp, nâng chuẩn trình độ.

Thứ hai, về chính sách tiền lương, theo điều 81 của dự luật, chắc chắn nhận được sự đồng thuận cao. Tinh thần Nghị quyết số 29 của BCHT.Ư thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách nhà giáo nên cần phải cụ thể vào Luật giáo dục sửa đổi lần này. Việc tăng lương sẽ tạo động lực cho giáo viên, thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm. Như vậy, nâng cao được chất lượng đầu vào, đội ngũ.

Đại diện Sở GD&ĐT Tuyên Quang, ông Bùi Hải Âu cho rằng: vấn đề tiền lương theo dự thảo được xếp cao nhất trong bảng lương, đây là điều đáng mừng cho đội ngũ giáo viên. Đề nghị Bộ sớm có hướng dẫn thi hành luật Giáo dục khi được thông qua để Luật sớm đi vào cuộc sống, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế giáo dục hiện nay.

Ông Nguyễn Thế Bình – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính, sự nghiệp và cho rằng dự thảo luật Giáo dục phải cụ thể hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29.

Trên thực tế các ngành quân đội, công an cũng có thang bậc lương cao nhất hiện nay. Tuy nhiên ở Hà Giang, địa bàn công tác của giáo viên còn xa và khó khăn hơn cả cán bộ hai ngành này. Chính vì vậy quan điểm cần phải xếp lương giáo viên cao nhất trong thang bảng lương đã nhận được sự đồng tình ủng hộ rất lớn của đội ngũ giáo viên trong tỉnh.

Miễn học phí tạo thuận lợi rất lớn để các địa phương hoàn thành PCGD

Bà Nguyễn Thị Thu Huyền phát biểu ý kiến đóng góp cho dự thảo luật Giáo dục sửa đổi

Theo ông Bình việc nâng chuẩn đào tạo giáo viên bậc Tiểu học là rất cần thiết đáp ứng thực tế giáo dục hiện nay.

Ở địa phương miền núi khó khăn như Hà Giang, đã có 70% giáo viên đạt chuẩn trình độ. Tuy nhiên, việc đáp ứng chuẩn trình độ của giáo viên tại địa phương có nhiều khó khăn so với các địa phương khác trên cả nước do điều kiện công tác, học tập nâng cao trình độ.

Do vậy ông Bình đề nghị Bộ có lộ trình thực hiện, có thông tư hướng dẫn dưới Luật khi được thông qua, đặc biệt là điểm này để những địa phương khó khăn như Hà Giang có thời gian bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên, đáp ứng việc đưa Luật Giáo dục sớm đi vào cuộc sống khi được thông qua.

Ông Bình cũng cho rằng việc miễn học phí đối với học sinh đến bậc THCS thể hiện sự ưu việt đối với chính sách giáo dục, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho các vùng khó khăn đạt chuẩn PCGD.

Tuy nhiên đề nghị Chính phủ sớm có chính sách đồng bộ bù thu, chi cho các nhà trường, nhất là trường vùng khó khăn để có kinh phí hoạt động khi thiếu hụt nguồn thu học phí.

Đóng góp ý kiến về vấn đề miền học phí đến THCS, cô Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Lâm, Sơn Dương (Tuyên Quang) cho biết: ý kiến giáo viên thực sự rất vui mừng khi dự thảo luật Giáo dục được đưa ra.

Là trường vùng khó khăn nên hàng năm, nhà trường gặp khó khăn khi huy động trẻ đến trường do những trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Có năm nhà trường phải miền giảm thu học phí đến 100 trẻ có hoàn cảnh khó khăn, có nguy cơ bỏ học.

Do vậy khi dự thảo luật đưa ra nội dung miễn học phí nên các nhà giáo rất vui mừng. Các điểm về trung tâm hoạt động cộng đồng, trung tâm dạy nghề cũng được nhiều giáo viên đón nhận theo tinh thần dự thảo luật.

 

Ông Đặng Hồng Cường - Trưởng phòng GD Trung học - Sở GD&ĐT Lạng Sơn bày tỏ nhất trí, đồng tình dự thảo luật Giáo dục. Việc nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học từ cao đẳng lên cao đẳng là cần thiết, phù hợp bối cảnh đổi mới giáo dục. Về tiền lương, cán bộ, giáo viên trong ngành mong chờ từ lâu, việc sửa đổi luật Giáo dục lần này đã đi đúng nguyện vọng của giáo viên.

Ông Mạc Đức Hạnh – Thanh tra Sở GD&ĐT Cao Bằng cho rằng: về giáo dục mầm non, điều 25, luật giáo dục 2005, trường lớp mẫu giáo nhận trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi, trong dự thảo luật Giáo dục sửa đổi nên có quy định việc các cơ sở giáo dục mầm non công lập phải có lớp nhận trẻ từ 3 tháng tuổi.

Ông Hạnh cho biết: Đi thanh tra nhiều cơ sở GD mầm non thấy phần lớn chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên gây khó khăn cho cha mẹ học sinh. Vì vậy, điều này phải quy định vào luật, vì khi phụ nữ hết sáu tháng thai sản trở lại làm việc rất khó khăn trong việc chăm sóc trẻ mới sinh, phải thuê người trông con.

 

Nguồn http://giaoducthoidai.vn