8 bí quyết chọn nhà trẻ an toàn, tin cậy các cha mẹ cần biết
Dù cha mẹ chọn nhà trẻ công, tư hay bảo mẫu trong nhà thì có một số điều cha mẹ cần biết và dựa vào đó để đánh giá độ tin cậy, an toàn của nơi mình định gửi gắm con cái.
Để giúp các bậc cha mẹ đưa ra lựa chọn quan trọng này, Gia Đình Mới sẽ đưa ra 8 bí quyết để lựa chọn nhà trẻ hoặc bảo mẫu cho con theo lời khuyên của các chuyên gia, theo Theo Parents.com. 1. Quan sát Khi cha mẹ đến xem thử một nơi nhận nuôi trẻ thì hãy chú ý quan sát cách các cô trông trẻ tương tác với trẻ em. Lý tưởng nhất là cô trông trẻ cũng ngồi trên sàn để chơi cùng các bé hay ôm bé ngồi trong lòng. Trong những năm đầu đời, trẻ cần được tương tác thân mật, yêu thương với người lớn. Vì vậy người trông trẻ cần có những cử chỉ quan tâm ấm áp với trẻ, nếu là một nhóm trẻ thì có thể bế, ẵm lần lượt từng bé. Tỷ lệ người trông trẻ trên số trẻ rơi vào khoảng một người lớn trên 3 trẻ em dưới 2 tuổi.
2. Ký hợp đồng, cam kết Trẻ em thích sự nhất quán, ít thay đổi. Điều này sẽ giúp trẻ có cảm giác an toàn hơn. Vì vậy, nếu cha mẹ định thuê bảo mẫu tại nhà, hãy tìm một người có thể gắn bó lâu dài với công việc (khoảng một năm). Nếu cha mẹ định gửi con ở nhà trẻ, hãy xác định xem các cô trông trẻ đã làm việc ở đây được bao lâu, nhân sự có thường xuyên thay đổi hay không. 3. Kiểm tra các quy định trong nhà trẻ Xác định cách dạy con trẻ của cô trông giữ trẻ có cùng hệ tư tưởng với cha mẹ hay không, ví dụ cô kỷ luật con trẻ bằng hình thức nào (quát mắng, phạt đứng góc?); xem ti-vi (các cô có mở ti-vi cả ngày hay chỉ một thời gian nhất định?); cho ăn (đồ ăn nhẹ hay đồ uống cho bé là gì?); ngủ nghỉ (quy định nghỉ trưa như thế nào? bé không chịu ngủ thì các cô sẽ làm gì?),... Ngoài ra cũng phải hỏi xem nếu bảo mẫu ốm hay cô ở nhà trẻ có việc bận thì ai sẽ là người thay thế. Bạn càng đặt nhiều câu hỏi thì càng lường trước mọi tình huống và bớt sự không hài lòng về sau. 4. Bất chợt ghé thăm, theo dõi Ngoài việc hỏi ý kiến các bậc cha mẹ khác hay các nguồn khác về độ đáng tin cậy của nhà trẻ hay người trông trẻ thì cha mẹ vẫn cần tự đánh giá chất lượng. Nếu được, thi thoảng cha mẹ hãy ghé qua nhà trẻ vào những thời gian khác nhau trong ngày để quan sát cách các cô tương tác với trẻ, giờ giấc sinh hoạt, môi trường, vệ sinh ở nhà trẻ,... Một số nhà trẻ có lắp đặt camera giám sát giúp cha mẹ dễ dàng theo dõi con cái hơn. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp người trông trẻ bạo hành trẻ ở góc khuất camera. Vì vậy những cuộc ghé thăm bất chợt vẫn là cần thiết. 5. Thường xuyên trao đổi với người trông trẻ
Khi con bạn vẫn chưa biết nói thì cha mẹ cần phải lắng nghe từ phía người trông trẻ về một ngày của con. Hãy trao đổi với các cô thật thoải mái, thân thiện. Buổi sáng khi gửi con cho nhà trẻ, hãy cho các cô biết đêm qua con ngủ nhiều hay ít, sáng nay con đã ăn gì. Cuối ngày cha mẹ cũng nên nhận được thông tin tương tự như con ngủ trưa ra sao, con ở lớp có vui hay không. Tốt nhất là nên nói chuyện trực tiếp với cô trông trẻ, nếu không được thì cha mẹ có thể hỏi thời điểm thích hợp để gọi điện cho các cô. 6. Giải quyết mâu thuẫn Đôi khi cha mẹ sẽ không tránh khỏi có mâu thuẫn với người trông trẻ, có thể là mâu thuẫn lớn, hoặ có thể là vấn đề nhỏ. Đừng lơ là những mâu thuẫn nhỏ để nó lớn dần theo thời gian, hãy giải quyết ngay tức khắc. Một số vấn đề có thể được giải quyết nhanh chóng, một số thì cần trao đổi nhiều hơn giữa hai bên. Cho dù có tranh cãi gì thì bạn cũng cần đối xử với người trông trẻ một cách tôn trọng, nhưng đừng ngại nói thẳng. Khi gặp vấn đề khó khăn, hãy hỏi ý kiến người trông trẻ và lắng nghe từ phía cô ấy. Để cô ấy biết rằng mình được lắng nghe thì việc hợp tác giữa hai bên cũng dễ dàng hòa hợp hơn. Ví dụ, bạn muốn con nghỉ trưa sớm hơn để đến tối con dễ đi ngủ hơn thì hãy hỏi cô trông trẻ, xem cô có thể điều chỉnh thời gian nghỉ trưa của con để tối con không thức quá muộn.
7. Tin tưởng vào cảm nhận của mình Làm cha mẹ, bạn sẽ có 'giác quan thứ 6' nhận biết có điều không ổn. Có thể một nhà trẻ nào đó được mọi người tin tưởng, ngợi ca, nhưng nếu bản thân bạn thấy không tin tưởng nơi đó thì hãy lắng nghe trái tim mình và thử tìm kiếm lựa chọn khác. 8. Không ngại thay đổi Nếu cảm thấy người trông trẻ làm việc không hiệu quả bạn hoàn toàn có thể thay đổi. Đúng là trẻ thích sự nhất quán, ít thay đổi, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không thể thay đổi, miễn là mang đến cho con bạn trải nghiệm tích cực với người trông trẻ mới thì chúng sẽ thích nghi được thôi. Cuối cùng, cho dù bạn phải làm việc bao tiếng một ngày, thì bạn vẫn là người quan trọng nhất với con - là nơi mang đến tình yêu thương và sự ủng hộ suốt đời cho con bạn. Dưới sự chăm sóc, chỉ dẫn của bạn và sự giúp đỡ của người trông trẻ được bạn lựa chọn kỹ càng, con bạn sẽ trưởng thành, phát triển khỏe mạnh và hạnh phúc. Theo http://www.giadinhmoi.vn |