Những lưu ý khi cho trẻ ngủ riêng
Theo kết quả nghiên cứu điều tra tại phương Tây, chỉ có khoảng 6% trẻ em ngủ chung cùng bố mẹ, Nhật Bản là 26%, còn tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em ngủ chung với bố mẹ chiếm đa số. Thậm chí, có nhiều trường hợp gia đình cho con ngủ cùng đến tận 6 - 9 tuổi. Nhưng theo các chuyên gia, trẻ trên 3 tuổi thì không nên ngủ cùng cha mẹ. Tùy vào từng điều kiện cụ thể, cha mẹ nên tập cho bé ngủ riêng. Tác hại khi để trẻ ngủ chung Trên thực tế, bé ngủ chung lâu với cha mẹ cũng có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Trong một nghiên cứu gần đây tại Anh về những ca đột tử ở trẻ sơ sinh, phát hiện gần 2/3 các trường hợp không giải thích được đã xảy ra khi trẻ ngủ chung với mẹ và phần lớn có thể rơi vào trường hợp bé bị mẹ đè lên gây ngạt thở. Khi nào và vì sao trẻ nên ngủ riêng? Theo các chuyên gia, để có sự phát triển toàn diện nhất và trẻ sơ sinh mạnh khỏe thì nên để bé ngủ trong lòng mẹ trong 3 tuần đầu tiên mới chào đời. Sau đó, khoảng thời gian hợp lý nhất để dạy trẻ ngủ riêng là từ khi bé được 4 - 6 tuần tuổi. Cha mẹ nên tập cho bé làm quen với việc ngủ một mình ở trong nôi để bé có thể tự lập sớm. Lưu ý là nôi cần phải đặt ở nơi bạn cảm thấy an toàn, nằm trong vòng kiểm soát của mình. Cho trẻ ngủ riêng sẽ giúp cả mẹ và bé có được giấc ngủ sâu hơn. Điều này có lợi cho sự phát triển của bé, là nhân tố giúp trẻ hình thành tính cách tự lập ngay từ khi còn nhỏ, không phụ thuộc và dựa dẫm vào bố mẹ. Ngủ riêng sớm sẽ làm tăng tính tự lập và tự tin cho trẻ, đồng thời còn giúp cha mẹ có đời sống riêng, duy trì hạnh phúc gia đình. Cũng theo nhiều nhà nghiên cứu, cha mẹ không nên cho bé từ 3 tuổi trở đi nằm chung giường. Bởi vì lúc này bé đã có khả năng nhận biết giới tính, trẻ sẽ thích gần gũi với người khác giới hơn. Do vậy, việc cho bé nằm chung có thể tác động tới tâm lý tình cảm của bé khi cha mẹ có hành động thân mật. Bên cạnh đó, bé sẽ thiếu sự độc lập khi bước vào độ tuổi đi học. Giúp con ngủ riêng Trẻ em Á Đông hầu hết đều quấn cha mẹ, vì vậy việc tập cho bé ngủ riêng ban đầu có thể gặp không ít khó khăn. Tuy vậy, bạn đừng quá lo lắng mà tạo áp lực cho bé. Hãy kiên trì giúp bé thích nghi dần dần để bé có thể tự lập hơn. Khi cho bé ngủ riêng, cha mẹ cần lưu ý sử dụng các loại chăn và đệm có chất liệu mềm mại, để bé không bị nghẹt thở khi bị chăn đệm đè vào người. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần trang bị các tấm chắn quanh giường đảm bảo an toàn cho bé khi ngủ, nhất là đối với các bé từ 3 tuổi trở xuống. Đặc biệt, bạn không nên quên kiểm tra giấc ngủ của bé vào đêm để đảm bảo bé ngủ ngon, an toàn và không có bất cứ điều gì xảy ra. Hãy để bé cùng lựa chọn và trang trí phòng riêng theo ý thích: sơn tường, treo ảnh bé hay đơn giản là trang trí những hình dán nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh… Điều này vừa giúp cho cha mẹ và bé gần gũi lại vừa làm bé thấy yêu thích căn phòng hơn. Khi chuẩn bị phòng ngủ cho bé, bạn cũng nên chú ý tạo một môi trường thuận lợi cho giấc ngủ, tránh để quá nhiều thiết bị điện tử. Nếu bé sợ bóng tối, hãy để một chiếc đèn ngủ nhỏ trong phòng: ánh sáng nhẹ nhàng sẽ khiến bé an tâm và ngủ ngon hơn. Cha mẹ nên rời khỏi phòng trước khi bé ngủ thiếp đi để giảm dần sự phụ thuộc của bé. Tạo cho bé suy nghĩ rằng bé đang lớn lên và tự lập hơn. Nếu bé lo sợ khi bạn rời đi, có thể giải thích với bé: “Bố mẹ ở ngay phòng bên cạnh thôi, nếu cần con có thể gọi mẹ”. Bạn cũng có thể mua cho bé một chiệc gối ôm hoặc gấu bông để bé có cảm giác có bạn chơi cùng, ngủ cùng. Với tâm lí thương con, các bậc cha mẹ thường rất dễ mủi lòng khi thấy bé ôm gối sang phòng mình xin ngủ cùng. Tuy vậy, bạn cần dứt khoát giải thích với bé: “Giờ con đã lớn rồi, con cần học cách ngủ một mình”. Sau đó, bạn có thể đưa bé về phòng, nán lại một chút để dỗ bé ngủ nhưng không nên để bé ngủ cùng. Nếu bạn dễ dàng “thỏa hiệp” với bé, việc rèn cho bé thói quen ngủ riêng sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Nếu bé làm tốt, ngủ ngoan, bạn hãy khen ngợi kịp thời hoặc là thưởng cho bé một món đồ chơi nhỏ xinh hay một món ăn mà bé yêu thích. Bé sẽ cảm thấy được động viên và có động lực ngủ riêng hơn. Chú ý những trường hợp đặc biệt Nếu đứa trẻ sinh ra đã có thể trạng yếu ớt, có thể mang một số bệnh nguy hiểm, đòi hỏi cần có sự chăm sóc toàn diện của cha mẹ theo yêu cầu của bác sĩ thì bạn không nên để trẻ ngủ riêng quá sớm. Muốn tập cho trẻ ngủ riêng, trước hết cần xem xét điều kiện sức khỏe của bé có thể đảm bảo để tự lập ngay từ nhỏ được không. Điều kiện ngủ riêng chưa phù hợp: Nhiều gia đình vì nhiều lý do khác nhau mà không đảm bảo được một không gian thực sự thoải mái, an toàn và hữu dụng cho việc trẻ có thể ngủ riêng. Nếu bạn nhận thấy chưa đủ các điều kiện thích hợp thì tránh việc cho bé ngủ riêng sớm. Theo http://giaoducthoidai.vn |