Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện của những thầy cô mầm non nhiều "sĩ" nhất đại ngàn


Nghề giáo viên cắm bản là nghề được đánh giá “nhiều sĩ” nhất trong các nghề. Từ bác sĩ, họa sĩ, ca sĩ… các thầy mầm non đều làm tốt hơn cả.

Vẫn trong hành trình của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đến với lớp học có nhiều Tiếng hát véo von giữa cao nguyên trắng của thầy Giàng Sep Phềnh.

Dường như, lạnh giá, hoang vu của đại ngàn luôn có những trái tim ấm nóng, yêu nghề của các thầy cô giáo mầm non

 Sắc mầu cao nguyên luôn mới lạ với những ai mới đến và sắc mầu cao nguyên ấy như càng thi vị với lớp học của những thầy cô giáo tự phong mình là những người "nhiều sĩ" nhất trong các nghề.

Trước khi vào lớp học, thầy Phềnh dặn chúng tôi ở lại trường chơi, thầy đi có chút việc, gặng hỏi thầy đi có việc gì, thầy chỉ cười, em đi sửa ống nước.

Mấy ngày mưa, trâu đi đạp hỏng ống nước giờ trường không có nước nấu nướng cho các con.

Không đồng ý ở lại, chúng tôi theo thầy Phềnh đến con nước sau khe để sửa nước, rất may có vị phụ huynh khác đã sửa hộ. Thầy Phềnh cũng đỡ bao nhiêu.

Các cô ở điểm trường cho biết, mọi việc nặng nhọc ở trường được giải quyết nhanh chóng nhờ có bàn tay người đàn ông như thầy Phềnh. Trăm việc nặng đều qua tay thầy. Ấy vậy mà thầy vẫn múa dẻo đâu kém các cô.

Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả với chúng tôi đó chính là là sự khéo tay như những nghệ sĩ thực thụ.

Không chỉ là múa hát, từng bữa cơm, giấc ngủ cho các con, thầy giáo mầm non cũng làm tốt chẳng kém các cô (Ảnh: Lại Cường)

Tại các điểm trường, các đồ chơi, đồ dùng học tập cho các trẻ vô cùng thiếu thốn. Các thầy đã làm ra những thiết bị học tập vô cùng sáng tạo. Nhìn những công trình vừa ngộ nghĩnh vừa sáng tạo của những bàn tay không chuyên của các thầy khiến chúng tôi vừa bật cười vừa cảm phục.

Những bồn hoa được làm từ lốp ô tô, những vòng chèo cho các con rèn thể lực được làm từ lốp xe máy, tuy chưa được hoàn hảo nhưng đó là sự kỳ công và trong đó là cả một tấm lòng vì con trẻ.

Để có được những tác phẩm này, các thầy đã phải “đặt hàng” trước từ những cửa hàng sửa chữa cơ khí hàng tháng trời.

Nghe chuyện thầy cô hào hứng trong việc trao đổi về “thiết kế” mẫu mới, nuối tiếc vì vườn cây cảnh bị dê ăn mất, bàn nhau tự đi học tập những cách trồng hoa mà chúng tôi vừa buồn cười vừa cảm phục.

Ở trường Thải Giàng Phố, những người thầy như thầy Giàng Seo Phềnh, Giàng Seo Lú không chỉ là những người thầy tay phấn, tay múa, ca sĩ nữa mà còn kiêm luôn là thợ mộc, thợ cắt kính, thợ trồng hoa và kiêm luôn y sĩ.

Những lớp học bên bếp lửa vẫn là những cảnh thường thấy của những điểm trường trên “cao nguyên trắng” này.

Trong lúc đến các điểm trường, một đồng nghiệp của chúng tôi bị cảm lạnh, thầy Phềnh sẵn tiện “khoe” luôn “tủ thuốc” thường trực trong cốp xe. Tủ thuốc của thầy là những dầu gió, thuốc cảm cúm, garo…

Theo thầy dưới cái lạnh heo hút trong thung lũng, đường xa, những đứa trẻ, học sinh của thầy có thể bị ngã chảy máu đầu trên đường đến trường hoặc cảm sốt ngay giữa lớp bất kỳ lúc nào.

Nhìn các thầy chăm sóc trẻ trong điểm trường sâu này mới thấy  nam giới đi dạy mầm non hầu hết biết những gì thuộc về “thiên chức của các cô”.

Từ khâu vá, cắt móng tay, móng chân, cầm kéo cắt tóc cho bọn nhỏ thì thầy giáo nào ở đây cũng làm được.

Lời thầy như tiếng hát, giọng thầy như bài thơ vẫn vang vọng mãi giữa đại ngàn (Ảnh: Lại Cường)

“Đã làm cái nghề này thì mình phải học cái “thiên chức” của các cô. Tuy hơi khó nhưng mà học được, làm được...

Việc may vá lúc đầu khó làm nhưng dần dần quen rồi đâu lại vào đấy. Nhiều em đến trường phải đi từ sớm bị ngã, rách hết cả áo, mùa này lại lạnh, mình không khâu thì ai khâu cho…” Thầy Phềnh ngượng ngùng chia sẻ.

Giữa cao nguyên, thầy Phềnh giang tay hô to: “Nào các con, chúng mình cùng giang tay biến thành những con chim tung bay nào”. Lũ trẻ mầm non lại ríu tít chạy theo con chim đầu đàn.

Đồng bào dân tộc thiểu số còn giữ nhiều hủ tục lạc hậu, thi thoảng lại có một ngày phải kiêng, không được ra đường, con em trong các xã không được đi học, những lúc đó thầy cô ở các điểm trường đến lại vận động người dân.

Không những thế việc giữ được sĩ số ở các lớp mầm non này nhiều lúc còn khó hơn tiểu học.

Nhiều phụ huynh đi lao động, di chuyển, nên nhiều lúc rất khó vận động con em họ đến trường.

 Muốn vận động người dân phải đến từng nhà và tất nhiên với người Mông không có rượu bất thành chuyện: “Tôi không uống được rượu, đến gặp phụ huynh, người ta không mời nước, chỉ mời rượu thôi.

Nhiều khi cứ chực nôn ra mà lại cố nhịn, vì dù sao đây cũng là sự hiếu khách theo phong tục người Mông.

Mình không uống vẫn phải nhắm mắt mà uống, uống xong phải vận động người ta cho con đến trường”, thầy Phềnh nói về cái khó trong việc vận động trẻ đi học.

Có lẽ chứng kiến từng cử chỉ ân cần âu yếm khi trẻ khóc, dù từng cử chỉ ân cần, âu yếm khi trẻ khóc, từng động tác múa khi dạy hát, hay bón từng thìa cơm, ngụm nước cho trẻ thơ ở đây vẫn còn đôi chút gượng gạo.

Và nhất là múa chưa được đẹp, hát chưa hay như cô giáo, song nó lại thể hiện được sự cố gắng, quyết tâm và có như thế mới thầm cảm phục cái tài “không thua ai” của các thầy giáo cắm bản nuôi dạy trẻ mầm non nơi những điểm trường vùng cao.

Không chỉ múa hay, hát giỏi, các cô bé, cậu bé được giảng dạy bởi các thầy cô ở điểm trường Nậm Thố, lại có tính độc lập rất cao.

Thời gian múa hát say sưa của các con cũng trôi rất nhanh, chẳng mấy chốc đã đến giờ cơm.

“Các con, lấy bàn ghế ra ăn cơm nào”, ngay lập tức, mỗi cô, mỗi cậu đội lên đầu mình chiếc ghế, xếp hàng ngăn lắp ngay cửa lớp học ngồi ăn cơm.

Các anh chị lớn 4 – 5 tuổi có nhiệm vụ bê cơm cho các em nhỏ 2 tuổi. Trong lớp học, như một gia đình thân thương.

“Lúc mới đi học, các con còn phải bắt các thầy cô xúc cho ăn. Sau theo chúng bạn, tất cả đều rất độc lập. Từ ăn uống đến giờ đi vệ sinh đều rất tự lập”. Các thầy cô hào hứng chia sẻ.

Nhìn sự ngăn lắp của trẻ nhỏ dù chỉ mới 2 - 3 tuổi mới thầy sự chăm sóc, rèn luyện của các thầy cô với các con lớn như thế nào.

Dù 20/11 không hoa, không quà, không lời tri ân từ học trò nhưng những nụ cười của con trẻ là sự động viên lớn nhất đối với các thầy, các cô cắm bản (Ảnh: Lại Cường)

Giữa khó khăn thiếu thốn trăm bề nhưng các con vẫn được ăn đủ chất, ngủ đủ giấc, được hát véo von, được cùng chúng bạn lên lớp hàng ngày, hạnh phúc của các thầy mầm non cũng chỉ cần có như thế.

Chúng tôi hỏi vui thầy, từ ngày đi dạy, các thầy cô có nhận được nhiều "quà" của học sinh không, cả 4 thầy cô đều ngượng nghịu thú thực: "Kể từ ngày đi dạy chúng em chưa từng nhận được bông hoa nào từ phía phụ huynh hay học trò của mình cả. Nghĩ cũng tủi, nhưng mà không sao, các con cứ khỏe mạnh, lên lớp đều là chúng em thấy vui rồi".

Chia sẻ về các thầy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thải Giàng Phố, chị Nguyễn Thị Duyên cho biết: “Từ trước đến giờ, nếu mà nam giới chọn ngành học mầm non để theo đuổi nghề nghiệp cho mình thì sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, với các thầy ở Thải Giàng Phố lại khác, các thầy có đam mê, có nhiệt huyết, nhiều cô giáo phải phát “ghen” với các thầy vì được học sinh yêu quý.

Các thầy không chỉ sống vì cái nghề, mà còn sống với sự đam mê, nhiệt huyết của mình đối với nghề nghiệp.

Dù bạn là ai hay làm bất cứ việc gì, nếu không có sự đam mê thì sẽ khó có được sự thành công.”

Theo http://giaoduc.net.vn