Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giáo viên mầm non: Áp lực ít được thấu hiểu


"Ngoài việc phải căng mình trông nom các con từ sáng đến chiều thì mỗi tối về nhà phải sau 10 giờ đêm không có cha mẹ cháu nào gọi điện phản ánh hay góp ý gì về một ngày các con ở trường thì tôi mới gọi là xong việc. Ngày nào cũng vậy, tưởng như công việc của giáo viên mầm non là nhàn nhưng thực tế là hết sức căng thẳng"- cô Đàm Thị Hiên, giáo viên một trường mầm non tại huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc chia sẻ.

Trung bình mỗi giáo viên mầm non cần 10 giờ/ngày để thực hiện được các yêu cầu của việc chăm sóc, giáo dục trẻ và nhiệm vụ quản lý nhóm, lớp. Ảnh: ST.

Ngày làm việc nhiều hơn 10 tiếng

Đúng 6 giờ 30 phút sáng cô Chu Thị Khanh, giáo viên mầm non một trường ở ngoại thành Hà Nội phải có mặt ở trường để lau dọn lớp học và đón trẻ vào lớp, sau đó cho trẻ ăn sáng và tập thể dục. Sau khi đã hoàn tất công việc đầu tiên của buổi sáng, cô Khanh và đồng nghiệp phụ trách chung lớp chuẩn bị những đồ dùng học tập phù hợp với buổi học. Đến 11 giờ, các cô lại tiếp tục cho trẻ ăn bữa trưa và ngủ trưa. “Buổi trưa nếu mệt quá, tôi có chợp mắt cũng chập chờn vì sợ các cháu bị lạnh, ho sốt hay nôn trớ… Nếu có phụ huynh gửi thuốc, sữa bột, tôi cũng phải ghi nhớ để cho con uống đúng giờ. Mà việc cho các con uống thuốc thì đó là một sự vất vả vô cùng vì cháu nào cũng sợ thuốc. Có cháu mười lần uống thì 9 lần nôn trớ, cháu nào mà uống bị nôn hoặc uống không hết lại phải thông báo thật chi tiết để phụ huynh biết được lượng thuốc các con uống để có hướng bổ sung”, cô Khanh tâm sự.

Buổi chiều, với các tiết học như buổi sáng và bữa ăn phụ không kém phần vất vả so với bữa trưa. Nếu như 17 giờ hàng ngày, các cán bộ công nhân viên chức hết giờ làm thì cô Khanh vẫn phải ở lại lớp để chờ phụ huynh đến đón con. “Sau khi phụ huynh đến đón con, tôi cũng phải sắp xếp lại lớp học để hôm sau lại tiếp tục với công việc của mình đến 17 giờ 30, có hôm 18 giờ mới có thể ra về. Nhiều người thường nghĩ công việc của giáo viên mầm non nhàn, nhưng chỉ có những người trong trong nghề mới hiểu hết được những vất vả của nghề này”, cô Khanh cho biết.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Liên, một giáo viên mầm non ở huyện Thanh Trì- Hà Nội thường xuyên phải đến trường sớm để vệ sinh lớp học và đón trẻ. Thực tế, nhiều phụ huynh đi làm sớm nên cũng thường xuyên gửi trẻ trước giờ quy định của nhà trường, do đó, các cô cũng phải sắp xếp thời gian đến đón trẻ sớm. Còn chiều muộn, quy định là 17 giờ hết giờ đón con nhưng nhiều cha mẹ bận về muộn 20 - 30 phút là thường, cô lại phải chờ trả con tận tay cha mẹ.

Cô Liên kể, một ngày làm việc, giáo viên mầm non luôn phải xử lý các tình huống phát sinh như: Trẻ ốm, trẻ xô xát,… “Lớp đông, các cháu lại đang tuổi ăn tuổi lớn, chưa biết kiềm chế cảm xúc, nên các cô càng vất vả. Ở nhà chỉ có 1-2 cháu mà bố mẹ đã "kêu trời". Trên lớp các cô phải xoay xở với vài chục cháu, cộng thêm nhiều việc khác nữa nên chỉ cần sao nhãng một phút, lỡ một con bị làm sao thì phụ huynh lại trách, thực sự rất áp lực”, cô Liên chia sẻ.

Mặc dù, công việc đã kết thúc ở trên lớp lúc 17 giờ, nhưng điện thoại của nhiều giáo viên mầm non luôn trong tình trạng chờ cuộc gọi. Cô Đàm Thị Hiên, tâm sự: Ngoài việc phải căng mình trông nom các con từ sáng đến chiều thì mỗi tối về nhà phải sau 10 giờ đêm không có cha mẹ cháu nào gọi điện phản ánh hay góp ý gì về một ngày các con ở trường thì tôi mới gọi là xong việc. Ngày nào cũng vậy, tưởng như công việc của giáo viên mầm non là nhàn nhưng thực tế là hết sức căng thẳng.

Áp lực từ phụ huynh và xã hội

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một lớp có 35 trẻ sẽ có 2 giáo viên phụ trách, tuy nhiên, với lượng công việc quá lớn nên có lúc xảy ra việc trẻ ngã, trẻ đánh nhau... Nhưng giáo viên mầm non lại ít nhận được sự thông cảm của phụ huynh. Cô Chu Thị Khanh kể lại: “Trong một lần đang dạy trên lớp thì có một cháu đứng lên đi lại vấp vào ghế nên bị ngã và trầy xước da chân, ngay sau đó, tôi cũng đã làm vệ sinh vết thương cẩn thận. Đến chiều gia đình có đến đón trẻ, tôi cũng đã giải thích nguyên nhân vì sao trẻ bị trầy xước ở chân để mong nhận được sự thông cảm và chia sẻ. Nhưng ngay hôm sau, gia đình trẻ đã đến trách móc việc này với mẹ tôi, khiến cho bà phiền lòng”. Cô Khanh cũng tâm sự: “Giáo viên mầm non luôn đặt sự an toàn của trẻ lên hàng đầu. Tuy nhiên, hai giáo viên phụ trách một lớp từ 35-40 trẻ, công việc một ngày nhiều đôi khi cũng không thể quán xuyến được hết, cũng mong nhận được sự chia sẻ của phụ huynh và xã hội”.

Cũng có nhiều phụ huynh thấy con đi học về bị trầy xước da hay có vết bầm tím liền đăng tải thông tin lên các trang mạng xã hội nên đã đẩy sự việc đi theo một chiều hướng khác, thậm chí khi dư luận xã hội bị mạng xã hội dẫn dắt quá xa những thực tế vốn có thì không ít giáo viên mầm non đã phải bỏ nghề hoặc bị nhà trường xử lý để làm yên dư luận. “Trong khi đó, giáo viên chỉ có thể nói chuyện và giải thích cho phụ huynh hiểu nguyên nhân sự việc. Việc trông trẻ có lúc nọ lúc kia nên giáo viên chỉ có thể làm công tác tuyên truyền cho phụ huynh hiểu được những vất vả của giáo viên mầm non”, cô Hiên cho biết.

Ông Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, hiện ngành Giáo dục chưa có cơ chế, chính sách để bảo vệ giáo viên trước những dư luận của xã hội. “Theo tôi, nếu giáo viên sai trong phương pháp giáo dục cần phải xin lỗi phụ huynh và học sinh, nhưng khi thông tin về giáo viên được đưa thiếu trung thực trên các trang mạng xã hội ngành Giáo dục cần phải có cơ chế để bảo vệ giáo viên, đặc biệt giáo viên nữ. Bởi hiện, giáo viên đang phải chịu áp lực quá lớn từ phía nhà trường, xã hội và phụ huynh”, ông Lâm nhận định.

Công việc áp lực, thời gian làm việc kéo dài nhưng hiện đồng lương của giáo viên mầm non cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống hàng ngày. Cô Đàm Thị Liên mong muốn: “Hiện lương giáo viên mầm non đều được chi trả theo quy định của nhà nước, với đồng lương đó cũng đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống nhưng chưa thể bù đắp với công sức mà giáo viên mầm non bỏ ra. Trong thời gian tới, mong ngành Giáo dục quan tâm hơn nữa tới giáo viên mầm non để động viên, khuyến khích tạo động lực để các cô giảm bớt gánh nặng trong công việc”.

Theo http://www.baohaiquan.vn