Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Ngày 20.11 của những cô giáo đặc biệt: Dạy con mà trào nước mắt


Có những trẻ ngày đầu đến lớp chỉ nhìn lên trần và cười hềnh hệch, có trẻ thì gào thét cả ngày không ngớt, có trẻ tự dưng xông vào cô cào cấu, dứt tóc, đấm thùm thụp… cô đau đớn nhưng chỉ dám gạt nước mắt để rồi lại ân cần, nhẹ nhàng với các con.

Mừng rơi nước mắt khi trò đòi… đi tè

Trong tiếng nhạc rộn ràng, giờ học vận động của học sinh tại lớp học Tương Lai Mới (Vĩnh Ngọc, Đông Anh, Hà Nội) diễn ra khá vất. Tiết học chỉ với 7 – 8 bạn nhỏ có đến 3 cô giáo quay như chong chóng vừa hướng dẫn con múa, vừa xếp lại hàng ngũ, vừa dỗ dành, thay quần áo cho các con.

Có bạn đứng đung đưa theo nhạc được vài giây thì lại quay ra chạy quanh lớp 1 vòng, có bé chừng 6 - 7 tuổi rất cao lớn, bụ hẫm nhưng chỉ đứng im cười ngô nghê, cô phải đến cầm tay đưa theo điệu nhạc. Bé khác vác ghế ngồi quay ngược lại với lớp nhìn ra ngoài đường, có bạn đang múa bất thình lình khóc ré lên không ngớt, một bạn nữ chừng 5 tuổi đang lắc lư theo nhạc tự dưng đứng khựng lại mặt đần ra ngơ ngác vì vừa ị đùn…

Một tiết học vận động tại Lớp học Tương Lai Mới (ảnh: Tùng Anh)

Đó là những cung bậc cảm xúc diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại lớp học can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ của cô giáo Lương Thị Bích Hạnh.

Lớp có hơn chục bé nhưng đủ các độ tuổi, mỗi bé một cá tính, một biểu hiện đặc biệt, trẻ thì tăng động nói cười không ngớt, trẻ thì thờ ơ, vô cảm không thèm để ý đến bất kỳ điều gì. Đối với mỗi trẻ, cô Hạnh lại phải có một bộ giáo án riêng cùng một sổ theo dõi dày cộp được ghi chép tỉ mỉ mỗi ngày. Cô Hạnh thường đùa, mỗi bạn sau khi “tốt nghiệp” thì hồ sơ dày như... đề án nghiên cứu của giáo sư, tiến sĩ.

Cô Bích Hạnh trong một tiết học giúp trẻ cầm bút đúng cách (ảnh: Tùng Anh)

Cô Hạnh cho biết, dạy trẻ độ tuổi mầm non bình thường đã vất vả, dạy trẻ đặc biệt vất vả và áp lực gấp trăm, gấp nghìn lần. Không chỉ chăm sóc các con từng bữa ăn, giấc ngủ, việc vệ sinh cá nhân của nhiều bé cũng không tự ý thức được mặc dù tuổi đã lớn. “Có bạn 5 – 6 tuổi mà một ngày đẹp trời bỗng dưng gọi cô đòi đi tè, đi ị là cô đã mừng rơi nước mắt rồi” – cô Hạnh chia sẻ.

Theo cô Hạnh, chỉ một động tác nhỏ như dạy cho con biết đây là quyển sách, con lấy cho cô quyển sách có khi các cô cũng mất cả tuần hay dạy các con biết rửa tay cũng phải mất cả tháng, mà bắt đầu từ việc nhỏ nhất là biết… vặn vòi nước.

“Các con không chỉ có biểu hiện đặc biệt về mặt nhận thức, hành vi cũng thường rất nhạy cảm với thời tiết (cô Hạnh rất ít sử dụng từ tự kỷ - PV). Chỉ cần chuyển mùa, thay đổi thời tiết là các con khó ăn, khó ngủ, quấy khóc, có bé bứt rứt cứ đập đầu vào tường. Các cô thường phải xoa lưng, vỗ về và chiều chuộng hơn để các con bớt căng thẳng” – cô Hạnh chia sẻ.

Đồ ăn của học sinh cũng được cô Hạnh tự tay đi chợ và lựa chọn mỗi ngày. Những bé có biểu hiện tăng động thì hạn chế cho con ăn các chất có nhiều đường, mỡ và những thực phẩm dễ gây thừa năng lượng. Có bé tiêu hóa kém thì tăng khẩu phần rau xanh cho các con.

“Tự kỷ không phải là chấm hết”

Đó là suy nghĩ và cũng là động lực thôi thúc cô Bích Hạnh thành lập lớp học Tương Lai Mới ở huyện ngoại thành xa trung tâm và gắn bó với công việc can thiệp cho trẻ tự kỷ hơn 10 năm nay ở đây.

Chỉ cách nội thành Hà Nội có… một cây cầu nhưng phần nhiều phụ huynh trong lớp học Tương Lai Mới đều có hoàn cảnh khó khăn. Bố mẹ các con thường là công nhân trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, họ phải làm tăng ca ngày đêm với mức lương ba cọc ba đồng, hoặc chạy chợ buôn bán, hoặc làm thuê bữa đực bữa cái…

Cô Hạnh nhớ mãi trường hợp của bé N. ở Từ Sơn (Bắc Ninh), gia đình bé N rất khó khăn, khi biết cháu mắc bệnh, ông bà nội lại thờ ơ ruồng rẫy, bố mẹ N. phải bỏ sang ở nhờ bà ngoại ở Đông Anh để xin làm công nhân trong khu công nghiệp.

Khi bố mẹ đưa N. đến lớp, con không có bất kỳ một phản ứng gì, nghe không nói, gọi không thưa. Sau một thời gian được can thiệp con tiến bộ rất nhanh. Mặc dù được hỗ trợ giảm học phí nhưng do công việc không ổn định, bố mẹ N. buộc phải nghỉ việc về quê, việc học của con bị gián đoạn rất đáng tiếc.

Cô Hạnh cho biết, đối với những gia đình giàu có, có con mang biểu hiện bất thường đã là bi kịch, với gia đình nghèo thì càng khó khăn hơn. Chi phí đi học của trẻ ở các trường chuyên biệt trong nội thành phải từ 7 đến hơn 10 triệu đồng/ tháng, thuê cô dạy tại nhà mức tiền cũng phải từ 170.000 – 250.000 đồng/ giờ. Trong nhiều năm, với mức chi phí như vậy nhiều phụ huynh không thể theo được.

Không chỉ can thiệp về hành vi, những buổi tập yoga giúp các con tăng cường thể chất (ảnh: Tùng Anh)

Đó cũng là lý do, mặc dù như cô Hạnh nói “mở trường không có lãi” chỉ đủ trả lương giáo viên và mua dụng cụ học tập. Hiện học phí của lớp chỉ duy trì ở mức tối thiểu, chưa bằng 1/3 các trường trong nội thành để tạo cơ hội nhiều hơn cho những gia đình nghèo không may mắn được đưa con đến can thiệp sớm.

Mặc dù công việc mệt mỏi, căng thẳng, áp lực và mức lương thấp nhưng với cô Hạnh và những giáo viên tại lớp học Tương Lai Mới vẫn có rất nhiều niềm vui không cứ phải vào những ngày kỷ niệm như 20.11.

Theo cô Hạnh, mỗi ngày được thấy các con một tiến bộ dù… những biểu hiện chỉ rất nhỏ, được phụ huynh tin tưởng, đồng hành cùng trong việc dạy dỗ các con, thấy danh sách các bạn được hòa nhập ngày một nhiều như bạn Hưng vừa vào lớp 1, bạn Thành đã lên lớp 3, bạn Quang đã học lớp 4…

Điều trăn trở nhất của cô Hạnh là hiện nay việc tạo điều kiện cho trẻ tự kỷ hòa nhập tại các trường bình thường rất khó khăn. Nhiều bé đã được can thiệp, cơ bản bình thường rồi nhưng vẫn bị các trường từ chối, bị bạn bè xa lánh, phụ huynh khác dè chừng.

“Mong rằng xã hội sẽ có những cái nhìn thân thiện và bớt kỳ thị đối với những trẻ đặc biệt. Tự kỷ không phải là chấm hết, nếu các con có môi trường, được chăm sóc, được hỗ trợ thì vẫn có rất nhiều cơ hội trong tương lai” – cô Hạnh nói.

Theo http://danviet.vn