“Trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh là rất thiết thực”
Một buổi học tiếng Anh của học sinh mầm non tại TPHCM Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại Hội thảo “Đánh giá 03 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh” diễn ra sáng nay (14/11) tại TPHCM. Hội thảo “Đánh giá 03 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tham dự và điều hành hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh, cùng với sự góp mặt của nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục và chuyên gia ngôn ngữ…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội thảo Trong báo cáo đánh giá 03 năm triển khai thí điểm cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh khẳng định chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 03 năm thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải đánh giá khách quan và đề xuất giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục triển khai có hiệu quả, nâng cao chất lượng cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục và chuyên gia ngôn ngữ… Cụ thể, đến thời điểm năm học 2016-2017, việc triển khai cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh đã được thực hiện không chỉ tại các thành phố lớn mà còn được tổ chức thực hiện ở một số tỉnh miền núi, giáp biên giới… Cả nước có 41/63 tỉnh, thành phố tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh (tăng 20 tỉnh so với năm học 2013-2014). Một số tỉnh, thành phố có đông trẻ làm quen tiếng Anh như: TPHCM có trên 96.000 trẻ, chiếm 58% tổng số trẻ đến trường; Hà Nội có gần 30.000 trẻ, chiếm 10%; Đà Nẵng có 13.473 trẻ, chiếm 19,2%; Vĩnh Phúc có 7.343 trẻ, chiếm 7,2%.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa (giữa) và Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non Nguyễn Bá Minh điều hành hội thảo Khi phỏng vấn các phụ huynh có con đang làm quen với tiếng Anh tại 3 thành phố lớn (Đà Nẵng, Hà Nội và TPHCM) thì 100% cho rằng con em họ tự tin hơn trong giao tiếp, có khả năng nói tiếng Anh tự nhiên, phát âm giọng chuẩn…
Đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại hội thảo Tuy nhiên, trình độ tiếng Anh của đội ngũ cán bộ quản lý hiện nay còn hạn chế nên gặp nhiều khó khăn. Cán bộ quản lý chủ yếu căn cứ vào kỹ năng làm việc, cách thức tổ chức hoạt động của giáo viên trên lớp để đánh giá, chưa đánh giá được năng lực tiếng Anh của giáo viên. Hiện tại, việc đáp ứng các yêu cầu về năng lực chuyên môn, năng lực tiếng Anh theo quy định tại Công văn số 1303 vẫn còn một số hạn chế. Nhiều đại biểu đề xuất cần xây dựng Chương trình khung thống nhất nhưng linh hoạt, tùy thuộc vào đặc điểm tình hình địa phương, tạo điều kiện tốt nhất cho địa phương chủ động lựa chọn cách thức thực hiện và giáo viên chủ động về phương pháp. Phát biểu tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, đồng thời khẳng định việc triển khai cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh là rất thiết thực. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nghĩa đề nghị các địa phương chưa triển khai thí điểm chương trình nên tham khảo kinh nghiệm tổ chức thực hiện được chia sẻ tại buổi hội thảo. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, ban hành chương trình khung thống nhất, tổ chức biên soạn nhiều tài liệu,học liệu để các trường lựa chọn và áp dụng vào thực tế giảng dạy. Theo http://giaoducthoidai.vn |