Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập


Cùng với sự ra đời của các trường mầm non công lập thì loại hình ngoài công lập tại TP Đà Nẵng đang phát triển nhanh và mạnh. 

Sự phát triển cả về số lượng và chất lượng của giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập đã góp phần vào việc tăng tỷ lệ huy động trẻ ở các độ tuổi ra lớp ổn định, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ rất lớn của nhân dân địa phương; tạo việc làm cho một bộ phận giáo viên mầm non và người lao động, giải quyết một phần ngân sách rất lớn của Nhà nước về đầu tư cho GDMN.

Tuy nhiên, công tác quản lý, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ tại các cơ sở GDMN ngoài công lập tại Đà Nẵng cũng đang còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn.

Quy mô, mạng lưới phát triển nhanh

Theo bà Đặng Thị Cẩm Tú - Trưởng phòng GDMN (Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng), trong khoảng 10 năm qua, loại hình GDMN ngoài công lập hình thành và phát triển đã nhanh chóng khẳng định được thế mạnh của loại hình tư thục, số lượng huy động trẻ ngày càng tăng và đã có nhiều biện pháp tích cực, chủ động để nâng cao chất lượng và từng bước khẳng định vị trí của mình trong tình hình hiện nay, góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả GDMN trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Nhất là từ khi Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ra đời, Đà Nẵng luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiến hành đầu tư thành lập cơ sở GDMN ngoài công lập, đặc biệt là chủ trương xã hội hóa giáo dục nói chung cũng như GDMN tại TP Đà Nẵng nói riêng đã tạo điều kiện cho mạng lưới các loại hình GDMN trên địa bàn thành phố được mở rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển tốt của các trường ngoài công lập và một số nhóm, lớp độc lập tư thục thành lập từ năm 2010 trở lại đây, thì các cơ sở được cấp phép từ năm 2000 còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Việc các cơ sở GDMN ngoài công lập ngày càng tăng là do mức thu học phí, tiền ăn thấp và thời gian giữ trẻ linh hoạt đáp ứng được nhu cầu bức thiết của cha mẹ trẻ.

Vì vậy, sự tồn tại và phát triển nhanh về quy mô các nhóm, lớp này là một thực tế khách quan. Đây cũng là sức ép về quản lý, chỉ đạó thực hiện chất lượng cơ sở giáo dục trẻ ở các loại hình GDMN ngoài công lập tại TP Đà Nẵng.

Nói về quy mô, mạng lưới GDMN ngoài công lập, bà Đặng Thị Cẩm Tú cho biết: Hiện nay, tổng số trường mầm non trên địa bàn Đà Nẵng có 205 trường, trong đó trường công lập có 69, dân lập 1 và tư thục 135 trường. Loại hình GDMN ngoài công lập chiếm tỷ lệ 65,3%.

Tổng số nhóm lóp độc lập tư thục trên địa bàn TP Đà Nẵng là 1.017 nhóm. Trong đó, số lượng nhóm lớp độc lập tư thục có quy mô từ 8 - 50 trẻ đã được cấp phép thành lập phát triển mạnh với 705 nhóm. Số lượng nhóm dưới 7 trẻ có 407 nhóm.

Trường mầm non ngoài công lập đạt chuẩn quốc gia 8/49 trường chiếm tỉ lệ 16,3%. 136/136 trường mầm non tư thục và hơn 105 nhóm, lớp mầm non tư thục đã trang bị hệ thống camera tại các nhóm, lớp và bếp ăn, giúp phụ huynh có thể thường xuyên mở trực tuyến theo dõi, giám sát các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ tại các nhóm, lớp một cách công khai. Trên địa bàn thành phố hiện có 5 trường mầm non tư thục có yếu tố nước ngoài chiếm tỷ lệ 2,4%.

Vẫn còn những khó khăn, bất cập

Bên cạnh các nhóm trẻ độc lập tư thục mới xây dựng và phát triển, thì hầu hết các nhóm trẻ độc lập tư thục về chất lượng chăm sóc sức khỏe, ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng tránh tai nạn cho trẻ còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc giáo dục và sự an toàn của trẻ, nhất là tại các nhóm trẻ độc lập tư thục chưa được cấp phép.

Ở một số nhóm trẻ độc lập tư thục chất lượng bữa ăn của trẻ còn thấp, việc tổ chức khẩu phần ăn cho trẻ chưa cân đối với tiền phụ huynh đóng góp. Một số nhóm trẻ độc lập tư thục dạy chữ cho trẻ 5 tuổi theo chương trình lớp Một.

Chỉ rõ những khó khăn, bất cấp trong hệ thống GDMN ngoài công lập hiện nay, bà Đặng Thị Cẩm Tú cho biết thêm: Các nhóm trẻ độc lập tư thục chưa được cấp phép chỉ thực hiện việc trông giữ trẻ, chưa tổ chức hoạt động giáo dục phù hợp với độ tuổi.

Một số nhóm, lớp chưa đảm bảo được các yêu cầu về cơ sở vật chất như: Diện tích phòng hoạt động chung chưa đảm bảo, còn một vài cơ sở tận dụng nhà ở, không có sân chơi, công trình vệ sinh của người lớn và còn dùng chung với gia đình nên chưa đảm bảo an toàn cho trẻ.

Việc đầu tư trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu để tham khảo ở một số nhóm còn hạn chế, đặc biệt là các lớp có trẻ mẫu giáo 5 tuổi. Một số chủ nhóm lớp và cô nuôi chỉ qua đào tạo ngắn ngày, kiến thức chuyên môn còn hạn chế, chất lượng giáo dục chưa cao, thực hiện nhiệm vụ chăm sóc nuôi dưỡng là chủ yếu.

Chất lượng đào tạo tại một số cơ sở đào tạo chưa đạt yêu cầu. Đội ngũ cán bộ, giáo viên các trường tư thục không ổn định, thay đổi thường xuyên nên ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ…

 

“Hệ thống các trường mầm non tư thục trên địa bàn thành phố ngày càng được đầu tư với cơ sở hạ tầng kiên cố, hiện đại với các trang thiết bị tiên tiến, nhằm đảm bảo tốt nhất về chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo nhu cầu của phụ huynh học sinh và năng lực từng cá nhân trẻ. Hằng năm, chủ đầu tư các trường mầm non tư thục thường tạo cơ hội cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tham quan học tập trong và ngoài nước về các mô hình tiên tiến của Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand. Các trường mầm non tư thục thực hiện tốt chế độ chính sách đãi ngộ cho người lao động theo quy định hiện hành. 100% trường ngoài công lập thực hiện tự đánh giá trường mầm non, 20/136 trường mầm non đã đánh giá ngoài” - cô Đặng Thị Cẩm Tú cho hay.

Theo http://giaoducthoidai.vn