Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Coi chừng trẻ nhiễm độc khi chơi trò tô tượng


Trẻ em cả giới trẻ đam mê trò chơi này, nhưng rất có thể trong màu nước có chất độc nguy hiểm cho sức khỏe.


Trò sơn màu, tô tượng được nhiều trẻ yêu thích, giúp phát triển óc sáng tạo. Khi đưa con đi chơi, cha mẹ "khoái" trò này vì đỡ phải lo con chạy nhảy. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ hãy cẩn trọng bởi loại sơn tường nếu được dùng pha màu tô tượng có thể chứa chì, dễ làm trẻ nhiễm độc.

Theo ông Nguyễn Dũng - Trưởng phòng Thí nghiệm bộ môn Hóa hữu cơ, khoa Công nghệ Hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội ), nguyên tắc sơn màu vẽ dành cho trẻ em không được pha với sơn tường, bởi sơn tường có chứa nhiều oxit kim loại nặng và độc hại như chì, coban, niken, cadimi...

Sơn tường trắng có thể giảm các chất độc hại nhưng không phải là không có, nhất là các loại sơn không phải của hãng uy tín.

Theo các chuyên gia hóa học, khi tô tượng, da trẻ dễ tiếp xúc trực tiếp với sơn hoặc trẻ dễ nuốt phải sơn gây nên nguy cơ dị ứng, hoặc các chất độc tích tụ lâu dài trong cơ thể. Màu tô hầu hết là phẩm màu công nghiệp, thường được chế từ màu hữu cơ, không có rõ nguồn gốc rõ ràng.

Nếu là màu công nghiệp hay làm từ các oxit kim loại như oxit sắt, oxit crôm để tạo màu đỏ, nâu, xanh... và chưa xác định có được phép dùng cho đồ chơi cho trẻ em hay không. Có những loại màu được pha chế thêm các hợp chất chứa polyme có gốc benzen nên rất độc cho sức khoẻ con người, nhất là trẻ em vì có nguy cơ ung thư.


Mùi thối mà khứu giác ngửi được không phải là do dùng keo da trâu, mà do sơn tường để lâu bởi thùng sơn tường chỉ cần mở nắp và tiếp xúc không khí một thời gian, dùng không hết sẽ có mùi thối - mà cách pha chế sơn tô tượng là mở nắp và để lâu.

Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hít phải sẽ gây kích ứng đường hô hấp. Đặc biệt đe dọa sức khỏe của phụ nữ có thai, gây ảnh hưởng tới não bộ, hệ thần kinh, gây dị tật bẩm sinh... cho thai nhi.

Trẻ em hít phải dễ gây phản ứng viêm, kích thích gây co thắt, tăng tiết đàm nhớt... tổn thương phế nang, gây ho, khó thở, dẫn tới viêm phổi... nhất là khi hít phải những hạt sơn khi phun sơn.

Thành phần APEO là chất phụ gia duy trì chất lượng sơn, tuy có ít trong sơn, nhưng nguy hiểm nhất vì là chất gây ung thư không thể phân loại, có thể gây rối loạn sản xuất hoóc môn, ảnh hưởng đến nội tiết tố, khả năng sinh sản, làm gia tăng tế bào ung thư...

Mức nguy độ nguy hiểm của sơn tường với trẻ em cao gấp 10 lần người lớn, nếu cầm tay, cho vào miệng ngậm, hoặc hít phải bụi sơn... sẽ ảnh hưởng nặng tới hệ thần kinh, làm giảm trí thông minh, phát triển chậm về thể chất, có bất thường về hành vi và tổn thương thính lực của trẻ. Ở nồng độ cao trẻ có thể hôn mê, co giật và tử vong.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, không cho trẻ tô tượng bằng loại sơn tường vì dễ bị ngộ độc chì. Dấu hiệu ngộ độc chì cấp tính sẽ làm cho trẻ cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, đi không vững, sức khỏe kém, hệ thần kinh bị ảnh hưởng, suy thận...

Trường hợp mạn tính sẽ chậm phát triển trí tuệ, hay gây gổ, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận... có thể tử vong.

Lưu ý khi cho trẻ tô tượng:
- Khi ngửi thấy màu nước pha có mùi hôi thối thì không nên cho trẻ chơi trò này để đảm bảo sức khoẻ.
- Muốn cho con chơi tô tượng an toàn, nên dùng sơn có phẩm màu thực phẩm, cùng keo thân thiện môi trường như hồ từ bột nếp... Hoặc dùng các kit màu có nguồn gốc xuất xứ và kiểm định của cơ quan chức năng cho trẻ vẽ.
- Không cho trẻ vẽ lâu, xoa màu, ngửi hoặc cầm tượng màu. Không để da thịt trẻ chạm trực tiếp vào màu. Khi màu vẽ bị giây ra tay cần rửa sạch.

Theo Giadinh