Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Suy dinh dưỡng trẻ em – nỗi lo của mẹ


Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng thiếu hụt năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết làm ảnh huởng đến quá trình sống, hoạt động và tăng trưởng bình thường của trẻ.

Làm thế nào nhận biết trẻ suy dinh dưỡng

Để xác định tình trạng suy dinh dưỡng, đơn giản nhất là dùng biểu đồ tăng trưởng theo dõi cân nặng của trẻ. Hàng tháng trẻ sẽ được cân tại cơ sở y tế địa phương, ghi nhận cân nặng vào biểu đồ và vẽ đường phát triển cân nặng theo tháng tuổi:

Trẻ được xem là có nguy cơ suy dinh dưỡng khi đứng cân hoặc sụt cân liên tục trong 3 tháng, cụ thể là đường biểu diễn sự tăng cân của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống.

Trẻ suy dinh dưỡng nếu điểm chấm cân nặng theo tháng tuổi của trẻ trên biểu đồ nằm trong kênh B.

Để đánh giá một cách toàn diện nên theo dõi cả 2 chỉ số cân nặng và chiều cao, sau đó tra bảng để biết tình trạng dinh dưỡng của trẻ.

Các thể loại suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng được chia làm 3 thể loại:

Suy dinh dưỡng cấp tính: Chiều cao của trẻ vẫn bình thường, nhưng cân nặng dưới chuẩn trung bình.

Suy dinh dưỡng mạn tính: Chiều cao và cân nặng của trẻ đều dưới chuẩn trung bình, thể hiện tình trạng thiếu dinh dưỡng đã xảy ra một thời gian dài trong quá khứ và hiện tại có thể vẫn đang tiếp diễn.

Suy dinh dưỡng bào thai: Được xác định khi cân nặng lúc sinh của trẻ < 2.500g, chiều dài < 48cm và vòng đầu < 35cm.

Chỉ có SDD cấp tính là dễ phục hồi và ít để lại di chứng; Suy dinh dưỡng mạn tính làm cho trẻ có vóc dáng nhỏ bé trong tương lai, giảm khả năng đề kháng với bệnh tật, chỉ số thông minh không thể đạt đến mức tối ưu. Đối với SDD bào thai, cân nặng lúc sinh của trẻ càng nhỏ trẻ càng khó nuôi và có rất nhiều hậu quả trên sự phát triển thể lực lẫn trí lực.

Hình minh họa.

Nguyên nhân trẻ bị suy dinh dưỡng

Trẻ dưới 6 tháng tuổi ít bị SDD do được bú mẹ hoàn toàn, khi bước vào tuổi ăn dặm (tròn 6 tháng) cho đến 5 tuổi, trẻ dễ bị SDD do những nguyên nhân thường gặp sau đây:

Chế độ ăn không phù hợp với lứa tuổi, thực phẩm không đa dạng.

Trẻ không được cung cấp đủ nhu cầu năng lượng trong ngày (do bệnh, do biếng ăn, do chất lượng bữa ăn chưa được kiểm soát …)

Trẻ thường xuyên mắc các bệnh lý nhiễm trùng (viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản, nhiễm trùng đường ruột…).

Trẻ chưa kịp thích nghi với những thay đổi môi trường sống (đi nhà trẻ, thay đổi người chăm sóc…).

Đừng để con bạn suy dinh dưỡng.

Hãy cho trẻ cân và đo chiều cao mỗi tháng, sau đó chấm lên biểu đồ hoặc tra vào bảng, khi thấy trẻ chậm tăng cân hoặc chậm tăng chiều cao liên tục trong 2 tháng hãy đưa trẻ đi khám - tư vấn dinh dưỡng ngay bạn nhé!

BSCK1. Nguyễn Thị Ngọc Hương - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu dinh dưỡng NutiFood (Nguyên trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM).

Theo http://danviet.vn