Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rỉ ối bao lâu thì sinh?


Khoảng 15% bà bầu rỉ ối ngay trước khi có dấu hiệu chuyển dạ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chính xác rỉ ối bao lâu thì sinh.


Rỉ ối bao lâu thì sinh là vấn đề quan trọng nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết. Bạn thì sao? Nếu cũng đang băn khoăn, cùng MarryBaby tìm hiểu ngay nhé!


Rỉ ối bao lâu thì sinh là thắc mắc chung của rất nhiều mẹ bầu

Nước ối cung cấp dinh dưỡng nuôi thai. Đồng thời cũng là "tường thành" bảo vệ thai nhi khỏi những tác động bên ngoài. Với những trường hợp bình thường, màng ối sẽ tự động vỡ khi chuyển dạ.
Chắn hẳn bạn sẽ không quá lạ lẫm với hình ảnh một bà bầu chuyển dạ ngay sau khi vỡ ối. Tuy nhiên, hình ảnh này chỉ xuất hiện trên phim. Thực tế, sau khi vỡ ối, bạn có thể phải chờ 12-24 giờ các cơn co thắt tử cung mới xuất hiện. Đây mới chính là dấu hiệu báo động đỏ.
Chỉ 10-15% phụ nữ sinh con ngay sau khi vỡ ối. Với những trường hợp này, các cơn co thắt tử cung sẽ xuất hiện từ rất sớm, nhưng lại dễ bị nhầm lẫn với cơn co thắt sinh lý Braxton-Hicks.
Dấu hiệu vỡ ối, rỉ ối
Có 2 trường hợp: Bạn có thể cảm giác như bịch nước bị vỡ òa hoặc từng giọt dịch lỏng chảy ra. Cảm giác khá giống việc bị són tiểu nên nhiều mẹ bầu dễ bị nhầm lẫn. Khác với nước tiểu, nước ối không màu và cũng không có mùi đặc trưng. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng quỳ tím để kiểm tra độ pH. Giấy quỳ chuyển màu có nghĩa bạn đang bị rỉ ối.

Rỉ ối khi mang thai - Khi nào cần lo?
Rỉ ối ở tuần 38 hoặc 39 của thai kỳ là dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh. Tuy nhiên, nếu rỉ ối xảy ra trước tuần 37, bạn có nguy cơ đối mặt với việc sinh non và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Với thai nhi, rỉ ối có thể ảnh huởng nghiêm trọng đến sự phát triển của bé, gây suy thai hoặc dị tật bẩm sinh. Thậm chí một số trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Với mẹ bầu, rỉ ối tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo, dẫn đến viêm nhiễm tử cung, nhiễm khuẩn máu...
Trường hợp rỉ ối ở những tuần cuối thai kỳ nhưng nước ối có màu bất thường như nâu, xanh lá, mẹ bầu cũng nên nhập viện ngay. Đây có thể là dấu hiệu thai nhi đang gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Lưu ý: Tuyệt đối không dùng băng vệ sinh hay tampon để tránh nhiễm trùng.

Xử sao khi bị vỡ ối
Khi phát hiện tình trạng vỡ ối hoặc rỉ ối, bình tĩnh là điều đầu tiên mẹ bầu cần nhớ. Sau đó, bạn nên đến bệnh viện để được kiểm tra và theo dõi. Những trường hợp rỉ ối sớm trước 37 tuần, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng ối và thuốc chống co bóp tử cung để ổn định.
Trường hợp vỡ ối sau 37 tuần hoặc gần đến ngày dự sinh, bác sĩ có thể áp dụng các phương pháp giục sinh để kích thích việc "vượt cạn" diễn ra nhanh hơn.
Rỉ ối bao lâu thì sinh là vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, điều mẹ cần quan tâm trên hết là màu sắc, đặc điểm, lượng nước ối bị rỉ và thời gian bị rỉ ối. Tốt nhất, khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường, mẹ bầu nên đến bệnh viện để được kiểm tra ngay.
Những dấu hiệu chuyển dạ sớm mẹ bầu cần biết
Để chuẩn bị sẵn tinh thần chào đón con yêu, bên cạnh vỡ ối, rỉ ối, mẹ bầu cũng nên tìm hiểu những dấu hiệu chuyển dạ sớm sau đây.
Bụng bầu tụt xuống: Vài tuần trước khi chào đời, thai nhi sẽ dịch chuyển về phía cuối khung xương chậu làm mẹ bầu gặp khó khăn hơn khi đi lại.
Nút nhầy tử cung bị bong ra theo mảng hoặc tiết ra theo dịch âm đạo. Thỉnh thoảng sẽ kèm theo máu.
Cơn đau lưng ngày một tăng: Đây là dấu hiệu cho thấy các cơ bắp và xương được kéo dãn chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
Tần suất đi tiểu tăng: Thai nhi di chuyển về phía xương chậu sẽ gây chèn ép bàng quang nên mẹ bầu sẽ đi tiểu nhiều lần hơn, trung bình 1 giờ/lần vào 2 tuần cuối trước sinh.
Các cơn co thắt xuất hiện đều đặn: Khác với những cơn co thắt sinh lý, cơn co chuyển dạ xuất hiện với cường độ mạnh và tần suất đều đặn, đồng thời không có dấu hiệu giảm khi thay đổi tư thế.

Theo Marrybaby