Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Giúp trẻ thích khám phá


Trong thực tế, không một đứa trẻ bình thường nào lại không thích khám phá thế giới xung quanh. Tuy nhiên, để chúng biết khám phá có mục đích và hiệu quả thì là một việc không hề đơn giản. Trẻ sống rất cảm tính, suy nghĩ giản đơn nên lúc thì thích cái này, lúc lại hứng thú với cái kia. Kết quả là, dù khám phá rất nhiều nhưng những gì đọng lại trong tâm hồn trẻ thì lại rất hời hợt, đơn điệu.

Làm cha mẹ ai cũng muốn làm giàu hiểu biết và vốn sống cho trẻ. Tuy nhiên, không phải cứ đi nhiều là sẽ hiểu nhiều vấn đề. Quan trọng là cha mẹ giúp con lưu giữ lại những gì sau mỗi chuyến đi. Một trong những cách đó chính là kích thích trẻ khám phá thế giới xung quanh một cách khoa học và có hiệu quả.

Khám phá thế giới xung quanh là quá trình giúp trẻ nhận thức về sự vật hiện tượng. Nếu trẻ suy nghĩ cứng nhắc, khả năng tìm tòi thiếu linh hoạt, tầm nhìn hạn chế thì khó thể nói đến sự thông minh, lanh lợi. Ngược lại, nếu trẻ biết cách khám phá thế giới, trẻ sẽ có cơ hội nhận thức vấn đề chính xác, khách quan, tinh tế và sắc sảo. Để tập cho trẻ có thói quen khám phá, cha mẹ nên tận dụng mọi cơ hội để khuyến khích trẻ hòa mình vào thiên nhiên, hướng dẫn trẻ tiếp xúc với cây cối, đất đai, hướng dẫn trẻ khám phá và đặt ra những yêu cầu cụ thể

Như vậy, để trẻ biết thích khám phá thế giới một cách hiệu quả thì các bậc cha mẹ cần lưu ý mấy vấn đề sau:

Xác định rõ mục đích khám phá. Trong thế giới xung quanh muôn màu muôn vẻ có hàng loạt điều hấp dẫn trẻ. Nếu là người thích tìm tòi, khám phá thế giới sẽ không hướng vào tất cả những đối tượng đó mà tập trung vào những chủ đề theo sự quan tâm (mục đích) của mình, đồng thời biết gạt bỏ những chi tiết, vấn đề không liên quan. Như vậy, nếu vạch ra mục đích tìm hiểu càng rõ ràng, trẻ càng tập trung chú ý, sự tìm tòi càng tỉ mỉ, tinh tế, hiệu quả khám phá càng cao. Do đó, trước khi đi đến khu vực cần tìm hiểu, cha mẹ phải định hướng giúp trẻ xác định rõ mục đích đi tham quan là đạt những điều gì, thậm chí yêu cầu trẻ phải theo dõi, lắng nghe một cách tỉ mỉ, chi tiết một sự vật cụ thể nào đó mà trẻ thích rồi mô tả lại cho mọi người nghe, thì như thế trẻ sẽ thu hoạch những điều bổ ích.

Kích thích trí tò mò, ham khám phá của trẻ. Cần kích thích lòng mong muốn hiểu biết, bồi dưỡng hứng thú tìm tòi giúp trẻ thấy được ý nghĩa, lợi ích của việc khám phá có hiệu quả. Cha mẹ chỉ dẫn cho con nghiên cứu kỹ lưỡng những điều mà mình quan tâm, biết cách phân biệt và so sánh các sự vật một cách rõ ràng, khuyến khích trẻ khám phá một cách tích cực. Biện pháp kích thích khéo nhất chính là đặt câu hỏi. Việc đặt câu hỏi vừa gợi mở, vừa củng cố lại những kinh nghiệm trẻ đã từng lĩnh hội, giúp chúng thấy việc tìm hiểu thế giới thật là thú vị, có ý nghĩa thiết thực và là cách học tập chủ động, không áp lực. Đặt câu hỏi để trao đổi thêm thông tin, giúp khẳng định lại vững chắc hơn những gì trẻ tìm hiểu, khơi gợi cho trẻ hứng thú khám phá nhiều hơn.

Dạy trẻ biết kết hợp khám phá thế giới với suy nghĩ tích cực. Nếu trẻ chỉ biết theo đuổi thu thập thông tin một cách đơn thuần mà không suy ngẫm để hiểu thì rất khó vận dụng và sáng tạo trước các tình huống bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Vì vậy, cha mẹ vừa bồi dưỡng cho con thói quen khám phá thế giới vừa phải chỉ dẫn các cháu biết cách tích cực suy nghĩ những vấn đề mà chúng tìm hiểu được. Cha mẹ cần thường xuyên kiểm tra và định đướng năng lực khám phá của trẻ. Không chỉ dừng lại khám phá các biểu hiện bề ngoài, hình thức của sự vật mà quan trọng hơn, hãy giúp trẻ dần dần đi sâu vào tìm tòi, khá phá bản chất bên trong, biết rút ra một số quy luật theo cách hiểu của trẻ. Chỉ có như thế, năng lực khám phá của trẻ mới ngày càng sâu sắc, hiệu quả.

Lê Phạm Phương Lan

(Giảng viên tâm lý học)

Theo www.giaoduc.edu.vn