Chấm điểm mức độ tôn trọng con của cha mẹ
Ảnh minh họa Cha mẹ đã thực sự tôn trọng con? - Đó là câu hỏi mà nhiều bố mẹ cho rằng hiển nhiên có câu trả lời là “không mấy cần thiết”. Bố mẹ thường nghĩ con mình chưa đủ hiểu biết và khôn ngoan trong mọi tình huống. Câu nói “Trứng khôn hơn vịt” đã tồn tại bao đời nay là một áp đặt như vậy. Bàn về vấn đề này, TS. Vũ Thu Hương - Giảng viên Khoa GD Tiểu học (ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: Bọn trẻ mới lớn, chắc chắn còn thiếu nhiều kiến thức và kĩ năng. Cách xử lý tình huống của trẻ cũng không thể nào nhanh nhạy như cha mẹ nhưng bạn hãy nhớ rằng, trẻ em rồi sẽ trưởng thành. Các em sẽ biết phải xử trí ra sao trong từng tình huống, sẽ có kiến thức và kĩ năng như người lớn. Đó là chưa kể đến một tỉ lệ khá cao các em sẽ vượt xa cha mẹ sau khi đã trưởng thành. Vì thế, không có lý do gì mà không tôn trọng trẻ em!. Ngoài ra, khi chúng ta đã thống nhất rằng: Trẻ em không phải là tài sản của cha mẹ, các em là những con người đang chuẩn bị trưởng thành, thì việc tôn trọng các em chắc chắn phải được thực hiện. Nếu trẻ em là tài sản, chúng ta có thể có ý nghĩ coi thường. Nhưng các em là những cá thể người đang trong quá trình hoàn thiện, các em cũng sẽ tạo ra các thành tựu cho nhân loại sau này. Vì thế, các em rất cần được tôn trọng và phải được tôn trọng. Các cha mẹ đã thực sự tôn trọng con cái? Để cùng cha mẹ kiểm chứng điều này, TS. Vũ Thu Hương đề xuất các bậc phụ huynh hãy trả lời một số câu hỏi như một cách tự “chấm điểm” về sự tôn trọng của mình giành cho các con: - Các bố mẹ còn nhớ được đã bao nhiêu lần cho con được quyền quyết định những việc liên quan đến cá nhân con? - Đã bao giờ các cha mẹ cho con được phép tham dự và có ý kiến trong những công việc lớn của gia đình? - Lần gần đây nhất con được lựa chọn các cách xử lý vấn đề của mình và cha mẹ đồng ý theo phương án đó là khi nào? Nếu với câu hỏi 1 và 3, các cha mẹ chỉ nhớ được 1 đến 5 lần còn câu hỏi 2 là chưa bao giờ thì các cha mẹ nhất thiết phải xem lại cách thức giáo dục con. Chắc chắn, các phụ huynh đã bỏ qua nhiều cơ hội để thể hiện sự tôn trọng con cái. TS. Vũ Thu Hương cũng hi vọng với các câu hỏi sau đây thì câu trả lời của bố mẹ sẽ là “Không”: - Bố mẹ có mở nhật kí của con ra xem trộm không? - Bố mẹ có thản nhiên vứt đi những thứ đồ đạc riêng tư của con mà không hỏi ý kiến của con hay không? - Bố mẹ có tự ý cho người khác những món đồ thuộc quyền sở hữu của con hay không? - Bố mẹ có gọi điện cho bạn của con đề nghị không mời con đến chơi vì con đã phạm lỗi này lỗi kia hay không? - Các bố mẹ có cấm con chơi với bạn này bạn khác hay không? - Bố mẹ có ép buộc con làm một việc gì đó mà tuyệt đối không giải thích gì cả hay không? Nếu với phần lớn những câu trả lời “Có” trong các câu hỏi trên là sự thể hiện thái độ thiếu tôn trọng con cái của các phụ huynh. Mặc dù, trong chừng mực nào đó, có thể việc đó sẽ tốt cho con nhưng nếu không được sự cho phép, đồng ý của con, những quyết định đó rõ ràng là không ổn và cha mẹ nên sớm tìm cách để điều chỉnh trước khi quá muộn. Theo Giáo dục & Thời đại |