Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tìm hiểu mối nguy mang tên nhau cài răng lược


Nhau cài răng lược là một dạng bất thường ở nhau thai, mặc dù rất hiếm khi xảy ra nhưng lại đe dọa đến tính mạng cũng như khả năng sinh sản của người mẹ sau này


Trong suốt thai kỳ, bà bầu có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm, đặc biệt nhất phải kể đến hiện tượng nhau cài răng lược. Bệnh thường không có những triệu chứng cụ thể và hầu hết chỉ được phát hiện khi sinh. Do đó, nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.
Nhau cài răng lược là gì?
Nhau thai là bộ phận quan trọng liên kết giữa mẹ và thai nhi, giúp cung cấp các chất dinh dưỡng và ôxy để bé phát triển. Thông thường, nhau thai phát triển tại phần trên của tử cung và ở đó cho đến khi bé chào đời. Trong quá trình sinh, nhau thai sẽ tự tách khỏi thành tử cung và được đẩy ra ngoài bằng những cơn co thắt.


Nhau cài răng lược chỉ được phát hiện trong quá trình sinh


Tuy nhiên, vì một lý do nào đó mà nhau thai phát triển một cách bất thường bám sâu một phần hoặc toàn phần vào thành tử cung và không thể đi ra ngoài, hiện tượng này được gọi là nhau cài răng lược.
Tùy thuộc khả năng xâm lấn của bánh nhau vào thành tử cung mà nhau cài răng lược được chia thành 3 hình thức tương ứng với 3 mức độ khác nhau:
Placenta Accreta: Đây là mức độ nhẹ nhất và chiếm khoảng 75% trong tổng số các trường hợp bị nhau cài răng lược. Điều này xảy ra khi nhau thai bám vào đến lớp niêm mạc bên ngoài của tử cung, chưa xâm nhập sâu bên trong.
Placenta Increta: Nhau thai đã bám vào đến lớp cơ tử cung, chiếm khoảng 15%.
Placenta Percreta: Là mức độ nặng nhất, nguy hiểm nhất của nhau cài răng lược. Bánh nhau bám sâu xuyên qua toàn bộ "bức tường" tử cung và có thể gắn vào các bộ phận lân cận khác như bàng quang, trực tràng.
Nguyên nhân gây nhau cài răng lược
Không có một nguyên nhân cụ thể để giải thích cho hiện tượng này nhưng nhau cài răng lược được cho là có liên quan đến những bất thường trong lớp niêm mạc tử cung. Ngoài ra, còn có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhau cài răng lược, bao gồm:
Nhau tiền đạo: Vị trí nhau phát triển bình thường là nằm ở mặt trước hoặc mặt sau đáy tử cung. Nhưng có trường hợp nhau thai nằm thấp che một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Đây là "thủ phạm" chủ yếu khiến khoảng từ 5-10% người bị nhau tiền đạo chuyển biến thành nhau cài răng lược.
Mổ lấy thai: Tỉ lệ biến chứng nhau cài răng lược sẽ tăng dần sau khi mổ lấy thai lần 2,3...
Tuổi mang thai: Người mẹ mang thai càng lớn tuổi càng làm tăng nguy cơ nhau cài răng lược, cụ thể là từ 35 tuổi trở lên.
Khiếm khuyết tử cung: Nguy cơ nhau cài răng lược sẽ cao hơn đối với phụ nữ có những bất thường hoặc sẹo do phẫu thuật ở các mô tuyến tử cung.
Tiền sử sinh non: Những ai đã phải sinh non sớm thì khả năng bị nhau cài răng lược ở lần mang thai sau sẽ cao hơn.

Những rủi ro có thể gặp phải
Nhau cài răng lược là một biến chứng sản khoa đặc biệt nguy hiểm, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với mẹ và bé.
Rủi ro đối với thai nhi
Trong 3 tháng cuối, nếu người mẹ bị nhau cài răng lược sẽ dẫn đến chảy máu nhiều và buộc phải sinh con sớm cho dù bé chưa đủ tuổi thai. Điều này nằm đảm bào an toàn cho cả mẹ và thai nhi trong bụng.
Rủi ro đối với mẹ
Nhau thai thường rất khó tách bóc ra khỏi thành tử cung trong quá trình sinh, dẫn đến xuất huyết có thể đe dọa tính mạng của mẹ. Ngoài ra, việc loại bỏ nhau thai còn có khả năng làm tổn thương đến tử cung hoặc các cơ quan khác khi mà nhau đã xâm lấn quá sâu.
Với tình trạng nghiêm trọng, bánh nhau bám sâu và chặt vào thành tử cung không thể tách bỏ. Các bác sĩ buộc phải cắt một phần hoặc toàn bộ tử cung nhằm tránh hiện tượng sót nhau sau sinh gây nhiễm trùng. Do đó, việc mang thai lần sau có thể gặp rất nhiều khó khăn.
Phương pháp phòng tránh
Hiện nay, chưa có một biện pháp chính xác nào có thể phòng ngừa được nhau cài răng lược. Chỉ có cách làm giảm và hạn chế tối đa những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp rủi ro cho nhau thai.
Đa phần, nhau cài răng lược chỉ được phát hiện khi sinh do đó, người mẹ cần thường xuyên khám thai định kỳ để theo dõi. Đặc biệt là những mẹ nằm trong nhóm có nguy cơ cao để chủ động hơn trong khi sinh, mẹ nhé!

Theo Marybaby