Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những cách làm sáng tạo giúp nâng cao chất lượng giáo dục mầm non tại Điện Biên


Thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học", giáo dục mầm non tỉnh Điện Biên đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả tích cực.

Bà Trần Thị Tố Uyên- Trưởng phòng GD Mầm non Sở GD&ĐT Điện Biên- cho biết: Thực hiện phong trào thi đua Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020, cấp học Mầm non tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện hiệu quả, sáng tạo và phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương.

Những năm học vừa qua, Sở GD&ĐT Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm học thực hiện một số giải pháp nhằm phát triển cơ sở GDMN ngoài công lập, phối hợp chỉ đạo đảm bảo chỉ tiêu huy động trẻ nhà trẻ ra lớp.

Các cơ sở GDMN đã tích cực tham mưu với các cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, mở rộng quỹ đất xây dựng trường, lớp mầm non.

Trong điều kiện nguồn lực đầu tư hạn chế, tỷ lệ phòng học kiên cố chưa nhiều, công tác xã hội hóa giáo dục đã xây dựng được nhiều phòng học, nhà vệ sinh theo mô hình “ba cứng” với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Khi điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng đủ nhu cầu, ngành đã chủ động sắp xếp tăng số trẻ/lớp một cách hợp lý để tiết kiệm biên chế, tiết kiệm cơ sở vật chất, quan tâm phát triển loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập.

Các nhà trường tăng cường việc tuyên truyền, vận động để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường dưới nhiều hình thức nhằm tăng tỷ lệ trẻ đi học chuyên cần và giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng.

Các cô giáo tổ chức nấu ăn cho trẻ ở các trường/điểm trường, cho trẻ mang cơm đến lớp. Cô nấu thêm thức ăn, cắt cử phụ huynh đến cùng nấu ăn cho các cháu.

Ngoài ra, các trường còn tích cực phối hợp với các cơ quan y tế tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trẻ; thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo mùa cho trẻ; phối hợp liên ngành kiểm tra vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận “Đảm bảo vệ sinh, an toàn” cho các bếp ăn đủ điều kiện.

Nhiều trường mầm non trong tỉnh có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn.

Đối với vùng khó khăn nhưng trẻ không có chế độ hỗ trợ ăn trưa, khuyến khích phụ huynh đóng góp thóc từ đầu vụ thu hoạch để trường chủ động gạo nấu cơm cho trẻ ăn bán trú tại trường.

Nhờ đó, trong năm học phụ huynh chỉ phải đóng góp thêm thực phẩm hoặc chút ít kinh phí, cùng cô giáo trồng thêm rau để tổ chức cho trẻ ăn trưa tại trường.

Cô giáo cùng phụ huynh vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ trước khi vào lớp, hướng dẫn để phụ huynh có thói quen cùng cô chăm sóc trẻ.

Thực tế là tại các điểm trường vùng khó khăn, các phụ huynh chưa có ý thức giữ gìn, vệ sinh quần áo cho trẻ. Các trường đã xin hỗ trợ quần áo cấp phát cho trẻ đồng thời chủ động để 1-2 bộ tại trường.

Khi trẻ đến lớp được cô hướng dẫn thay quần áo sạch sẽ, đảm bảo đông ấm, hè mát, được thay giặt bảo quản tại trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ và tăng giá trị sử dụng.

Ngoài ra, các nhà trường còn đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động phụ huynh tích cực ủng hộ các nguyên vật liệu, ngày công để cùng giáo viên làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ.

Theo Giáo Dục & Thời Đại