Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chiếc lồng đèn đêm trung thu miền sơn cước


LTS: Mỗi người lớn lên ai cũng có ký ức tuổi thơ. Nhưng cuộc sống đương đại tất bật, đôi khi nó xóa “mờ phông” đi hình ảnh quá khứ để làm “rõ nét” hoặc tôn vinh cuộc sống cá nhân hiện tại. Dẫu thế nào khi Tết Trung thu về, đây cũng là dịp mỗi người dành một khoảng lặng giữa những công việc hằng ngày để hoài niệm về ký ức tuổi thơ - nơi nó vừa đi qua hoặc có thể là đã lùi sâu vào quá khứ. Giữa phồn hoa đô hội, hay ánh đèn đô thị rực rỡ…, bất chợt vẫn thèm ngắm một ánh trăng thanh bình treo lơ lửng trên đỉnh đồi nơi miền sơn cước… Có thể nhiều trong số chúng ta, chưa từng và chưa bao giờ được hòa quyện, nhưng hình ảnh cái lồng đèn cháy sém được lũ trẻ miền sơn cước mang đi đón tết mỗi khi mùa trăng tháng tám trở về, ắt hẵn sẽ dâng lên nỗi hoài niệm xốn xang…


Trẻ em vùng cao rước đèn trung thu. Ảnh: I.T

1. Hồi nhỏ, nơi xóm nghèo của tôi, chỉ đến tết, trẻ con mới được cho quần áo mới hay quà bánh. Còn đồ chơi là thứ gì đó xa xỉ mà chưa có đứa trẻ nào trong xóm may mắn có được. Chúng tôi đứa nào cũng biết tự làm đồ chơi cho mình. Bao nhiêu thứ toàn làm từ lá hoa, cây cỏ. Mỗi đứa thích thứ gì thì làm thứ đó, rồi đem ra chơi chung.

Nhớ lần đầu tiên tôi biết đến một Tết Trung thu ý nghĩa nhất là khi cha tôi nói sẽ làm một chiếc đèn kéo quân. Vốn là một người thợ, cha làm công phu, tỉ mỉ lắm, suốt nhiều ngày trời, trong sự háo hức đợi chờ của cả lũ trẻ trong xóm. Mỗi chiều muộn, khi kết thúc một ngày làm việc vất vả, dưới ánh sáng nhập nhoạng lúc mặt trời khuất núi, cha tôi lại lấy lồng đèn ra làm. Suốt cả ngày, lũ trẻ chỉ đợi mỗi giây phút này. Chúng tôi ngồi xếp bằng vây quanh, lặng thinh, chăm chú dõi theo từng cử chỉ khéo léo của đôi tay cha tôi. Cha giảng giải vì sao người ta gọi là đèn kéo quân và khi làm xong thì trông nó sẽ như thế nào bằng giọng trầm ấm, chúng tôi lắng nghe như nuốt từng lời.

Rồi ngày rằm cũng đến, cũng là lúc cái đèn vừa xong. Nó to lắm, cao bằng đứa em út của tôi. Nó đẹp đến nỗi chúng tôi chưa bao giờ thấy thứ gì như thế. Cha quyết định thắp đèn, giây phút chúng tôi chờ đợi bấy lâu. Lũ trẻ dường như nín thở, mắt mở to dán vào chiếc đèn lồng. Nhìn mặt cha, thấy như cha cũng hồi hộp lắm, chẳng khác gì cảm giác của tôi lúc này. Bỗng, cả bọn kêu lên ngạc nhiên, thích thú. Lồng đèn xoay tròn, trong ánh sáng mờ ảo, sáu mặt xung quanh hiện lên những hình ảnh thân thuộc, cây dừa, mấy đứa trẻ, con trâu, con gà… Tất cả như đang nhảy múa. Kỳ diệu vô cùng!

Em út tôi được ưu tiên cầm đèn trước, cả bọn rồng rắn theo sau nhảy múa, hò reo. Đi hết một vòng từ đầu tới cuối xóm, chiếc đèn sẽ được trao cho đứa khác. Khi trăng lên cao đến ngọn dừa, soi tỏ từng gương mặt hân hoan thì mười mấy đứa trẻ con trong xóm, đứa nào cũng được cầm đèn đi đầu một lần. Tôi thấy cha đứng nơi đầu ngõ, mỉm cười hài lòng lắm.

Hết đêm rằm, tôi đem chiếc đèn lồng vào bao cất đi cẩn thận. Trung thu năm sau lấy ra, có hư hỏng gì, cha sẽ sửa sang lại. Lũ trẻ xóm tôi cùng nhau chơi chiếc đèn kéo quân ấy suốt mấy mùa trăng rằm tháng tám…

2. Rồi chúng tôi lớn lên, đi xa. Cha đem đèn lồng treo lên cây xà nhà trước hàng ba. Để mỗi khi chiều muộn, cha như nguôi vơi phần trống trải. Và thi thoảng, mỗi lúc về nhà, ngước lên chiếc đèn, tuổi thơ chị em tôi như dài ra mãi…

Một năm, nhà tôi bị hỏa hoạn. Ngọn lửa thiêu rụi gần nửa ngôi nhà. Mất mát nhiều thứ. Chẳng hiểu sao, cha xót xa nhất chiếc đèn kéo quân của ngày xưa, theo năm tháng, nó đã trở nên cũ kỹ. Và giờ bị lửa liếm, chỉ còn trơ cái khung gỗ cháy sém. Cha cứ đứng đó, tần ngần…

Rồi cái lồng đèn xưa cũ chỉ còn trơ khung gỗ nhọ nhem cũng được cha hì hụi sửa xong. Khi trẻ con chuẩn bị đón Tết Trung thu, cũng là lúc xóm tôi hứng lụt sớm.

Quê tôi là một vùng đất bán sơn địa, nhà tôi ở ngay dưới thung, sát mé rìa con sông Pajê (xã An Trung, huyện An Lão, tỉnh Bình Định). Nước lụt vẫn thường dâng lên mỗi mùa mưa đến. Dù có đề phòng thế nào thì trận lụt hằng năm vẫn lấy đi nhiều thứ. Sau khi nước rút, người lớn, trẻ con trong xóm lũ lượt đi tìm đồ, hy vọng mong manh sẽ nhặt nhạnh được vài thứ của nhà mình may mắn còn vương lại đâu đó.

Rồi tôi cũng tìm thấy được cái cần tìm. Chiếc đèn kéo quân của cha rách tươm, vướng lủng lẳng trên ngọn bụi rù rì bên mép sông, cách nhà hơn cây số. Cầm chiếc lồng đèn trong tay như một báu vật đã đánh mất nhiều năm tìm lại được. Tôi bỗng thấy dòng Pajê sao chiều nay trôi êm ả, hiền hòa đến lạ kỳ… và quên mất rằng chỉ mới ít ngày trước thôi, nó lồng lộn dữ dội khiến người ta phải khiếp sợ.

Cha tôi nhìn cái đèn lồng lấm lem bùn đất trong thắc thỏm: “Chỉ là cái lồng đèn thôi mà, sao số phận con kỳ lạ quá!”. 

Cha lại cắm cúi sửa sang cái lồng đèn có số phận đặc biệt này, vừa kịp trước lúc cha đi xa chuyến cuối cùng. Đó là một ngày cuối thu năm 2010. Trông chiếc đèn vẫn đẹp như lần đầu tiên cha làm cách đây mười mấy năm.

3. Mùa Trung thu năm sau, trong thôn tổ chức hội thi lồng đèn tự làm. Bọn trẻ con nhà tôi nằng nặc muốn đem cái đèn lồng của ông ngoại ra tỉ thí. Dưới ánh trăng, trong tiếng trống lân rộn ràng, người ta mang đến bao nhiêu lồng đèn rực rỡ sắc màu, với đủ mọi hình thù, dáng vẻ, cái đèn kéo quân của cha tôi trở nên thật đặc biệt. Khi nến được thắp lên, ánh sáng mờ ảo tỏa ra, lồng đèn xoay tròn, trẻ con, cây dừa, con trâu, bầy gà hiện ra như đang nhảy múa… Cùng với số phận kỳ lạ của nó, ai cũng nói cái lồng đèn như có hồn. Lũ trẻ nhà tôi cầm chiếc đèn của ông, đứng giữa mọi người, với niềm kiêu hãnh không kìm nén được, ánh lên trong từng khóe mắt.

Mẹ tôi lại treo đèn lồng của cha lên cây xà trước hàng ba…

Bao thứ đồ chơi hiện đại, trong đó cũng không thiếu những chiếc lồng đèn điện tử từ miền xuôi, chốn thị thành đã ùa về đến tận cái cô thôn bé nhỏ của tôi. Nhưng mỗi mùa Trung thu về, trăng rằm treo lơ lửng trên đỉnh đồi nơi miền sơn cước, tỏa ánh sáng yên bình trên từng lá cây, ngọn cỏ, chiếc đèn kéo quân ông để lại vẫn luôn trở thành niềm hãnh diện của tụi nhóc nhà tôi, khi chúng đem ra chơi với đám trẻ trong làng.

Bút ký của Nguyễn Thị Mỹ Hạnh

Theo Giáo Dục Việt Nam