Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Vợ có bầu, chồng cũng nên biết những kiến thức về sức khỏe sinh sản


Khi có đầy đủ kiến thức, thì cả vợ chồng đều tự tin hơn trong việc mang thai và sinh con. Khi cơ thể người mẹ có những biến chuyển bất ngờ cũng không quá hoảng hốt, lo sợ.

Câu chuyện một ông chồng ở Nghệ An trở thành "bà đỡ" bất đắc dĩ cho vợ mình được nhiều chị em hội bỉm sữa chia sẻ rất nhiều mấy ngày hôm nay. Hầu như ai cũng muốn "chồng mình được như anh ấy".

Thật ra, các ông chồng đều có thể xử lý được tình huống tương tự nếu họ có sẵn các kiến thức về sức khỏe sinh sản, quá trình sinh nở và cách chăm sóc mẹ và con trước, trong và sau khi sinh. Bất kỳ kiến thức nào cũng không hề thừa và vô ích. Bởi cuộc sống, luôn diễn ra những tình huống bất ngờ. Nếu gặp ngay lúc vợ đau đẻ, không có ai bên cạnh mà chồng lúc này mới lập cập mở google để tra cách đỡ đẻ thì cả mẹ và con có nguy cơ gặp nguy hiểm.

Vì thế, các ông chồng à, đừng quá chủ quan hoặc ỷ lại rằng việc mang thai, sinh con và chăm con là của đàn bà, vai trò của đàn ông cũng rất quan trọng đấy.

Vợ mang thai nhưng chồng cũng nên học cách trở thành "bà mẹ thứ hai". Ảnh minh họa

Ngoài việc tra cứu các thông tin trên mạng, các bố mẹ có thể tìm mua các cẩm nang, sách về mang thai, sự phát triển của thai nhi, cách chăm sóc, ăn uống phù hợp tốt cho cả mẹ và con trong và sau khi mang thai. Hoặc cũng có thể tham gia các lớp học, khóa huấn luyện, hội thảo... về chăm sóc sức khỏe bà bầu, mẹ và bé của các trung tâm về sức khỏe, bệnh viện thường hay tổ chức.

Có kiến thức về sức khỏe sinh sản sẽ giúp các cặp vợ chồng, đặc biệt là vợ chồng trẻ, mang thai lần đầu tránh được những thắc mắc, hiểu lầm không đáng có.

Chẳng hạn, có rất nhiều người chồng trẻ ngơ ngác khi vợ đưa phiếu khám thai ghi 8 tuần nhưng ngày quan hệ mới cách có 6 tuần. Thế là chồng nghi vợ không chung thủy, vợ thì không biết giải thích làm sao sinh ra trầm cảm, sợ hãi, lo lắng. Có trường hợp còn ly thân, ly hôn. Nghe thì giống chuyện hài nhưng thực tế rất nhiều trường hợp rơi vào tình huống trên chỉ vì không biết cách tính ngày thụ thai. Nếu có kiến thức về mang thai, điều này chẳng có gì là to tát. Vì hầu hết bác sĩ đều tính tuổi thai từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối ở người mẹ nên việc chênh lệch tuổi thai là hợp lý.

Có nhiều ông chồng, biết tin vợ có bầu vừa mừng vừa lo. Thế là mua bao nhiêu là đồ bổ về cho vợ dưỡng thai. Vợ vì cảm động sự quan tâm của chồng nên mua bao nhiêu ăn cũng hết. Rồi sau đó, bị chảy máu, đau bụng, động thai... đi khám mới tá hỏa là do tẩm bổ không đúng cách. Khi có bầu không phải cứ ăn nhiều đồ bổ, ăn liên tục là tốt vì dễ gây táo bón, khó tiêu. Thêm nữa, không phải cứ thèm gì cũng nên ăn mà có nhiều thức ăn, đồ uống cần kiêng theo từng giai đoạn để tránh gây hại cho mẹ và con.

Có nhiều ông bố, chở vợ đi khám thai, thấy bác sĩ làm bao nhiêu xét nghiệm như máu, nước tiểu, huyết trắng, tiểu đường, dị tật thai nhi... thì hoảng hốt. Sợ vợ và con có chuyện gì. Thực ra đây là những xét nghiệm, kiểm tra định kỳ thông thường để xác định sức khỏe của mẹ và con cũng như có những tiên lượng về sự phát triển của em bé. Nếu có những dị tật không mong muốn, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ sau này, bác sĩ và người nhà có thể bàn bạc xem xét việc nên giữ hay bỏ thai.

Đừng bao giờ để vợ một mình đối phó với quá trình mang thai và sinh nở... Ảnh minh họa


Đặc biệt, khi có kiến thức về sức khỏe sinh sản, người chồng sẽ biết trong quá trình mang thai và sau khi sinh nở, tâm lý và cảm xúc của người mẹ thay đổi rất nhiều. Chính vì thế rất cần sự thấu hiểu, sẻ chia và quan tâm đúng lúc của người chồng, người thân. Tránh để người mẹ thường xuyên lo lắng, bất an, căng thẳng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Sau khi sinh nở, nếu tiếp tục kéo dài tình trạng tâm lý không thoải mái, không có sự chăm sóc chu đáo từ phía gia đình, người thân thì dễ dẫn đến tình trạng trầm cảm, stress.

Người chồng cần nắm rõ, giai đoạn nào trong thời kỳ mang thai người mẹ thường xuyên mệt mỏi nhất cả về thể chất, tinh thần để ở bên nâng đỡ, xoa bóp và động viên. Những thời điểm vợ ốm nghén, lo lắng, bất an thì chồng cũng nên biết cách quan tâm đúng lúc, đúng cách.

Có không ít ông chồng, sau khi sinh, con thường xuyên bị sổ mũi, ho, sốt, đi ngoài... thì trách vợ không biết chăm con. Lại mắng chửi, chì chiết vợ, người vợ lại lo lắng, tủi thân mà con thì vẫn bệnh liên tục. Thực tế, tùy theo sức đề kháng của trẻ mà khả năng mắc bệnh và tự miễn dịch của mỗi trẻ là khác nhau. Có trẻ bệnh thường xuyên nhưng có trẻ lại khỏe mạnh, ít bệnh tật. Bố mẹ cần cho trẻ đi khám, chăm sóc trẻ đúng cách để giúp trẻ khỏe mạnh, an toàn.

Với rất nhiều lý do như trên, các ông bố hãy dành chút thời gian tìm hiểu về sức khỏe sinh sản để có thể trở thành "ông bố của năm", hay "ông chồng chăm vợ giỏi nhất" mà các mẹ bỉm sữa mong muốn.

Khi có đầy đủ kiến thức thì cả vợ chồng đều tự tin hơn trong việc mang thai và sinh con. Khi cơ thể người mẹ có những biến chuyển bất ngờ cũng không quá hoảng hốt, lo sợ. Hoặc nếu mẹ chẳng may sinh sớm, bất ngờ như trường hợp người vợ ở Nghệ An thì các ông bố cũng biết cách xoay trở để mẹ tròn con vuông.

Vì thế, ngay từ khi vợ có bầu, mỗi ông chồng cũng nên biết cách sắm vai "bà mẹ thứ hai".

TheoPhunu8