60 năm ngành học giáo dục mầm non Hà Nội: Một chặng đường nhìn lại Cũng những ngày thu này cách đây 60 năm, trước yêu cầu cấp thiết của kháng chiến, nhiều lớp mẫu giáo tư thục, nhà trẻ ra đời- tiền đề của ngành học mầm non Hà Nội hiện nay. 60 năm thăng trầm cùng lịch sử, giáo dục mầm non (GDMN) Hà Nội đã từng bước khẳng định mình bằng những thành tích đáng tự hào, xứng đáng với sự tin cậy của người dân Thủ đô. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, trước nhiệm vụ của cách mạng, ở Hà Nội đã xuất hiện một số lớp mẫu giáo tư thục và nhóm, lớp nhà trẻ - khi ấy đơn thuần chỉ là nơi nhận trông giữ các cháu có bố mẹ đi công tác dài ngày. Dần dần, tùy thuộc vào tình thực thực tế công việc, có thêm rất nhiều các nhóm, lớp nhà trẻ, mẫu giáo do nhiều đơn vị tổ chức, quản lý. Ban nữ công của các cơ quan, xí nghiệp; Hội Phụ nữ ; Ban chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp đều tổ chức các lớp, nhóm trẻ đáp ứng nhu cầu gửi con của lao động nữ trong đơn vị. Rồi một số trường, lớp mẫu giáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã ra đời, đầu tiên là Mẫu giáo Mầm non A Hà Nội. Tuy hình thành từ rất sớm, nhưng chỉ dừng lại ở mức trông, giữ trẻ là chính, còn việc dạy chỉ là tự phát và chưa có một ngành nào quản lý thống nhất. Trải qua 2 cuộc kháng chiến gian khổ, có khi cả cô và trò đều phải đi sơ tán, tổ chức nuôi và dạy trong hầm tối, thậm chí có lúc nguy hiểm đến tính mạng... song những cô giáo mầm non vẫn kiên trì với nghề, gắn bó với trẻ để bố mẹ các cháu yên tâm làm nhiệm vụ. Từ những ngày đầu ấy, công tác vận động trẻ ra lớp, tập trung nâng cao chất lượng nuôi dưỡng trẻ cũng đã được đặc biệt quan tâm. Các phong trào “2 cây, 1 con”, “ly sữa - quả chuối”..., những tấm gương tiêu biểu như Hoàng Lan Dung, Bùi Thị Nghĩa, Trần Thị Dung, NGND. Anh hùng Lao động Phi Vân Khanh, những cái tên như nhà trẻ 27 Hàng Điếu, nhà trẻ Nhà máy Dệt 8-3, nhà trẻ Đình Quán Từ Liêm, Mầm non Yên Sở, Mầm non Phù Đổng ... đã dần trở nên quen thuộc, là niềm tự hào của GDMN. Vị thế và vai trò của GDMN Hà Nội được khẳng định rõ hơn vào năm 1987, khi ngành học Mẫu giáo và Nhà trẻ sáp nhập, và được sự quản lý chung, thống nhất của Sở GD-ĐT, trở thành một bộ phận trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhiệm vụ của GDMN lúc này không chỉ là quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mà còn là giáo dục, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng học tập, làm việc, tạo tiền đề cho trẻ chuẩn bị bước vào những năm đầu của bậc học phổ thông. Những thế mạnh của từng ngành như nuôi dưỡng, chăm sóc (của nhà trẻ), dạy (của mẫu giáo) được chú ý lồng ghép, phát huy. Tinh thần chủ động, sáng tạo trong việc tự mày mò, tìm hiểu, tổ chức những hoạt động phục vụ cho công việc đã được các cô giáo thể hiện qua nhiều sáng kiến kinh nghiệm (SKKN): “Xây dựng nhóm, lớp đủ điều kiện”, “Phong trào xây dựng lá cờ đầu, xây dựng, trường, nhóm lớp điểm”, “Xây dựng khu vui chơi ngoài trời”, “Hội thi bé khéo tay”, “Một số “sách” chuẩn bị cho trẻ 5 tuổi vào lớp 1”… ở thời kỳ này, so với cả nước, Hà Nội đã đi sâu vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ một cách toàn diện bằng những đột phá, sáng tạo về các sản phẩm cho bé, chuyên đề, cuộc thi của cô và cháu. Kết quả của những nỗ lực ấy là sự khẳng định, sự ghi nhận của xã hội với sự cần thiết của ngành học GDMN, và việc đưa con đến trường đã dần trở thành nhu cầu và trách nhiệm của mỗi người dân. Với sự quan tâm ngày càng thiết thực của các cấp lãnh đạo, sự nghiệp GDMN Hà Nội trong 5, 6 năm trở lại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quyết định 161 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển GDMN, Kế hoạch 55 của UBND thành phố, và gần đây nhất là đề án phát triển GDMN giai đoạn 2006-2015 đã tạo thêm tiền đề, động lực để các cô giáo mầm non yên tâm góp sức. Những nỗ lực ấy đã góp phần đáng kể tạo nên kết quả: Quy mô phát triển luôn ổn định và phát triển; các loại hình trường, lớp ngày càng đa dạng, mỗi phường, xã đều đã có ít nhất từ 1 đến 2 cơ sở GDMN, nhu cầu gửi con của phụ huynh đã cơ bản được đáp ứng đủ. Việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp đã góp phần đáng kể vào việc thu hút ngày càng nhiều trẻ đến trường. 2 nhiệm vụ được xác định quan trọng hàng đầu là chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ được quán triệt tới từng cô nuôi, cô dạy. 100% các trường, nhóm lớp thực hiện theo quy chế chăm sóc trẻ. Chế độ, khẩu phần ăn của trẻ, tỷ lệ các chất dinh dưỡng, định lượng ca lo cho từng độ tuổi... trong từng bữa ăn, từng ngày ăn được tính toán, bảo đảm khoa học và đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. 5 năm qua, Hà Nội đã thực hiện tốt chương trình đổi mới hình thức tổ chức GDMN; xây dựng, tạo môi trường học tập cho trẻ, phát huy tính chủ động, tích cực, đem lại hứng thú cho trẻ qua mỗi giờ học. Suốt chặng đường 60 năm qua, trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, cả những khi đứng trước không ít khó khăn, thử thách, song những nhà giáo Mầm non Hà Nội vẫn luôn tự hào về thành tích, truyền thống tốt đẹp mà các thế hệ trước đã dày công xây dựng, song lại càng thấy trách nhiệm nặng nề của mình: Giữ gìn, phát huy những gì đã đạt được, và để mỗi ngày với bé - khi bước chân đến trường - thực sự là một ngày vui, bổ ích.
- 1 Nhà giáo nhân dân – Anh hùng lao động, 12 nhà giáo ưu tú; 2 đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. - 100% giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó khoảng 35% trên chuẩn - Tổng kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư cho GDMN khối trực thuộc và các quận, huyện 5 năm gần đây là 496,7 tỷ đồng. - 35 trường, 714 phòng học mầm non được xây mới. - Xây dựng mới 38 bếp ăn 1 chiều, cải tạo 154 bếp ăn - Xóa gần 500 phòng học cấp 4. - Có 22 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. - 756/1.167 trẻ khuyết tật được học hòa nhập, đạt 64,8%. - Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm khoảng từ 1,5% đến 2% so với năm học trước. |