Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khói thuốc lá đầu độc trẻ em như thế nào?


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói thuốc lá thụ động.

Đáng lưu ý những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con của những người không hút thuốc.

Không chỉ gây độc với người hút trực tiếp

Theo BS Phạm Thị Lệ Quyên - Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, trong khói thuốc chứa các chất ảnh hưởng tới sức khỏe. Trong đó bao gồm chất nhựa hắc ín, 7.000 chất độc hóa học như Formaldehyde, Toluene... trong đó nêu rõ 69 chất gây ung thư. Khi hút một điếu thuốc lá sẽ tạo ra 4 dòng khói thuốc chính (khói thuốc hút trực tiếp vào cơ thể - dòng khói chính, khói thuốc lan ra môi trường, khói thuốc hít vào rồi thở ra của người hút và tàn dư của khói thuốc lơ lửng trong môi trường sau khi hút).

Với 4 loại khói này, người hút thuốc lá chủ động sẽ hút vào dòng khói chính, còn người hút thuốc lá thụ động sẽ hít phải 3 loại khói còn lại (dòng khói phụ). Khói thuốc lá không chỉ có hại đối với sức khỏe người trực tiếp sử dụng nó mà còn ảnh hưởng đến con trẻ và những người xung quanh vì khói thuốc lan trong không khí khiến họ cũng phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Theo đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra ước tính có khoảng 50% số trẻ em trên thế giới bị hít khói thuốc lá thụ động. WHO cảnh báo, trẻ em hút thuốc thụ động có nguy cơ lớn bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới, bao gồm viêm phế quản và viêm phổi. Các chuyên gia ước tính mỗi năm có khoảng 150.000 - 300.000 trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến khói thuốc lá. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của những người hút thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những người không hút thuốc. Thêm vào đó, con của những người hút thuốc bị nặng hơn và thường phải nằm viện lâu hơn 20% thời gian so với con của những người không hút thuốc.

Tăng chi phí điều trị

Thuốc lá là thủ phạm khiến 7 triệu người tử vong mỗi năm do các căn bệnh liên quan. WHO cảnh báo con số này dự đoán sẽ tăng hơn 8 triệu người mỗi năm vào năm 2030 nếu các nước không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trong đó, khoảng 80% số ca tử vong do thuốc lá xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình. Việc sử dụng thuốc lá gây ra tổn thất kinh tế lên tới hơn 1.400 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, bao gồm chi phí điều trị bệnh và mất năng suất lao động vì ốm đau và tử vong sớm, qua đó làm tăng bất bình đẳng về sức khỏe và trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo.

Tại Việt Nam, theo số liệu điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành cho thấy, trung bình số tiền người Việt Nam chi mua thuốc lá là 31.000 tỷ đồng/năm. Sử dụng thuốc lá gây ra 25 nhóm bệnh dẫn đến tử vong sớm chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật tại nước ta. Tổng chi phí điều trị và tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm ở 5 nhóm bệnh thường gặp liên quan đến thuốc lá gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa - hô hấp trên, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và phổi tắc nghẽn mãn là hơn 23.000 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, WHO cũng đưa ra cảnh báo, người cha hút thuốc và đặc biệt là người mẹ hút thuốc cũng làm tăng tỉ lệ mắc và mức độ nặng của bệnh hen. Những đứa trẻ trong gia đình có người hút thuốc đòi hỏi nhiều chăm sóc y tế hơn, và nguy cơ bùng phát cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần, số lần phải nhập viện để điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc. Trên toàn thế giới có khoảng từ 200.000 - 1.000.000 trẻ em bị hen suyễn đang phải chịu những tác động xấu do cha mẹ chúng nghiện hút thuốc. Trẻ em hút thuốc lá thụ động sống chung nhà với một bệnh nhân lao có nguy cơ bị lây nhiễm lao với tỉ lệ cao gấp gần 5 lần so với đứa trẻ không bị hít khói thuốc lá thụ động.

HUYỀN ANH
Nguồn: nongnghiep.vn