Kỹ năng xã hội không phải là những kiến thức cơ bản có thể học được ngày một ngày hai. Vì vậy, đừng đợi đến khi quá muộn mà hãy bắt đầu dạy con những kỹ năng xã hội cần thiết nhất khi bé bước qua năm đầu đời, mẹ nhé!
Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có tính cách khác nhau. Nếu muốn con trở thành một người có nhân phẩm tốt thì mẹ không nên bỏ qua 10 kỹ năng xã hội mà phải học từ lúc 1 tuổi dưới đây.
1. Chia sẻ đồ chơi với bạn
Ngay từ khi còn nhỏ trẻ đã muốn sỡ hữu những gì mà mình muốn hoặc cố gắng dành lấy đồ chơi từ tay bạn mặc dù món đồ đó trẻ không hề thích. Đây là tính cách "xấu" mà hầu như bé nào cũng có và bé sẽ dùng "vũ lực", sự khóc lóc thảm thiết để có được điều mình muốn.
Chia sẻ đồ chơi là kỹ năng cần thiết phải dạy trẻ khi được 1 tuổi
Để giải quyết mẹ nên chủ động cho con chơi chung với nhiều bạn bè hơn, đưa cho bé một số đồ chơi và dạy con cách chia sẻ đồ chơi ấy với bạn. "Con cho bạn mượn chiếc xe này đi, lát bạn sẽ trả lại cho con", "con chơi cái này còn cái kia để bạn chơi nha, một lát thì đổi lại được không?"... Bạn có thể dùng những câu nói tương tự để giúp bé rèn luyện kỹ năng này.
2. Cùng ăn uống chung
Ngoài việc chia sẻ đồ chơi, bạn nên dạy bé biết cách chia sẻ những gì mà mình có chẳng hạn như đồ ăn, thức uống...
Trẻ nhỏ sẽ không bao giờ sẵn sàng cho hết những gì mà mình có trong tay vì vậy khi dạy trẻ kỹ năng này mẹ cũng nên thật khéo léo. Hãy nói với bé rằng " Con đã có một viên kẹo vậy thì hãy cho bạn một viên nha", hay khi bé đang uống gì đó bạn cũng có thể nói "cho mẹ (bố) uống với"... Nên thực hiện liên tục để giúp bé nhận thức được rằng mọi thứ đều có thể chia sẻ. Và sẽ thật hãnh diện biết bao khi con bạn được khen là "thảo ăn" phải không nào.
3. Dạy trẻ biết yêu thương
Đây không chỉ là một kỹ năng mà còn là một đức tính quan trọng của con người. Mẹ nên dạy con cách yêu thương bản thân mình và yêu thương tất cả những người xung quanh. Hành động cụ thể hằng ngày của bố mẹ giúp trẻ noi gương theo.
4. Biết nói lời cảm ơn
Lời cảm ơn thể hiện mình là con người văn minh, hiểu biết và đây cũng là quy tắc cơ bản của ứng xử lịch sự. Ngoài ra, nó còn thể hiện sự biết ơn của bản thân khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác. Sau khi sinh, ngay khi mới bập bẹ biết nói mẹ có thể dạy bé nhận thức được điều này bằng cách "nói ạ". Sau đó dần thay thế bằng từ cảm ơn.
Lời cảm ơn không hề khó nói, bé nên biết kỹ năng càng sớm càng tốt
Để giúp con hiểu và học hỏi được nhanh hơn cha mẹ nên chủ động đưa lời cảm ơn vào những tình huống cụ thể. Nhờ con lấy một cái gì đó, mẹ cũng đừng ngần ngại thể hiện lời cảm ơn với con, mẹ nhé!
5. Tự chủ động khi ăn
Ăn uống là hoạt động cá nhân do đó mẹ cần cho trẻ học cách tự ăn ngay từ sớm. Đừng tạo cho bé thói quen ỷ lại khi đã 4-5 tuổi hoặc thậm chí có thể hơn mà vẫn đợi người khác đút ăn từng thìa.
Tập cho con cách tự chủ khi ăn, tự biết xúc cơm cũng là cách rèn luyện tính tự lập cho trẻ. Ngoài ra, mẹ nên dạy cho bé thêm những phép lịch sự tối thiểu trên bàn ăn. Bởi đây cũng là một trong những yếu tố để đánh giá tính cách của một người.
6. Biết lắng nghe người khác
Lắng nghe người khác là một kỹ năng xã hội quan trọng không thể thiếu. Mẹ sẽ thường thấy hầu hết mọi trẻ đều quay mặt đi khi không hài lòng về những gì mà người đối diện đang nói.
Để dạy trẻ kỹ năng này cha mẹ nên giải thích cho bé hiểu rằng có người đang nói chuyện với con. Tìm nhiều cách thu hút sự chú ý của trẻ, hoặc có thể dùng biện pháp "rắn" hơn đối với bé quá cứng đầu cứ quay ngoắt đi khi người khác đang nói.
7. Hỏi trước ý kiến người khác
Trẻ nhỏ thường hành động theo bản năng và sẽ tự ý lấy tất cả mọi thứ mình muốn mà không cần phải xin phép hỏi ý kiến người khác. Đây là một thói quen xấu mà mẹ cần chỉnh sữa ngay cho bé.
Mẹ nên dạy con biết khi muốn có thứ gì đó thì hãy xin phép trước, đây cũng là cách bày tỏ sự tôn trọng với người khác. Ngược lại, người lớn cũng cần tôn trọng bé để bé có thể nhận thức sâu sắc về vấn đề này mà không phải thực hiện một cách thụ động.
8. Học cách nói lời xin lỗi
Khi làm sai phải biết xin lỗi để nhận sự tha thứ của người khác và lời xin lỗi cũng dùng để thể hiện nét văn minh lịch sự. Vì vậy, hãy dạy bé học cách nói lời xin lỗi khi phạm sai lầm, ngoài ra đây cũng là cách thức rèn luyện lòng dũng cảm khi đối mặt với lỗi lầm của mình.
Không chỉ trẻ mà ngay cả bản thân người lớn cũng cần phải "xin lỗi" với bé khi đã làm sai việc gì đó. Để bé có thể hiểu cảm giác khi nhận được lời xin lỗi từ người khác.
9. Cư xử dịu dàng với người khác
Trẻ nhỏ thường cảm thấy sợ hãi và lo lắng khi người khác có thái độ la mắng, cư xử không hoà nhã. Vì vậy, khi tiếp cận với trẻ người lớn hãy dùng tình cảm yêu thương, hành động nhẹ nhàng để tạo cho bé cảm giác an toàn, thoải mái. Và đây cũng là điều giúp trẻ học được cách cư xử dịu dàng khi tiếp xúc với người khác.
10. Dùng lời nói thay vì nắm đấm
Ai cũng biết rằng trẻ nhỏ rất dễ bực tức và nổi cáu, hậu quả của cảm xúc này chính là phản xạ đưa tay lên đánh trả. Đây là cách giải quyết hoàn toàn sai trái mà mẹ cần chỉnh ngay và luôn cho con, mẹ nhé! Ngay cả bố mẹ cũng vậy, không nên dùng hành động để "dạy bảo" trẻ vì trẻ sẽ học theo cách ứng xử đó.
Hy vọng với 10 kỹ năng xã hội trên bạn có thể áp dụng và dạy bảo trẻ một cách thành công để giúp con lớn lên trở thành người có ích cho xã hội.
Theo Marybaby