Sữa tươi hay sữa hoàn nguyên tốt cho sức khỏe? Nhiều người tiêu dùng, khi đi mua sữa thường mặc định rằng các loại sữa tiệt trùng là sữa tươi và sữa tươi chắc hẳn sẽ tốt hơn cho sức khỏe. Quan điểm này liệu có hoàn toàn đúng?
Sẽ rành ròi trong cách đặt tên sữa Hiện nay, trên thị trường Việt Nam có 3 loại sữa chính bị hiểu nhầm là "sữa tươi", bao gồm: sữa tươi 100%, sữa tươi pha với sữa bột và sữa bột pha hoàn toàn. Ở các nước trên thế giới, loại thứ 2 và thứ 3 được gọi là sữa hoàn nguyên. Nhưng ở Việt Nam rất ít người tiêu dùng phân biệt được sữa tươi và sữa hoàn nguyên bởi lẽ nhà sản xuất thường chỉ ghi chung chung là "sữa tiệt trùng". Và cũng rất ít người tiêu dùng hiểu được rằng tiệt trùng hay thanh trùng chỉ là tên của 2 công nghệ diệt khuẩn khi sản xuất sữa chứ không phải tên của một loại sữa. Theo đó, thanh trùng là quá trình sữa tươi được xử lý ở nhiệt độ từ 75 đến 90 độ C trong khoảng thời gian từ 30 giây đến 1 phút rồi được làm lạnh đột ngột xuống 2 đến 4 độ C. Tiệt trùng là quá trình sữa tươi được xử lý ở nhiệt độ cao hơn, từ 140 đến 150 độ C trong khoảng thời gian ngắn (dưới 30 giây), sau đó sữa được làm lạnh và đóng gói. Khi được hỏi, đại bộ phận người tiêu dùng đều nói họ rất khó trong việc phân biệt các loại sữa. Còn những nhà sản xuất vì lợi nhuận cũng nhập nhèm trong việc đặt tên các loại sữa. Tuy nhiên, tới đây, khi Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia sữa dạng lỏng QCVN 5:1-2017/BYT của Bộ Y tế ban hành và có hiệu lực với đầy đủ tên gọi của từng loại sản phẩm sữa đi kèm thì các doanh nghiệp sẽ phải rạch ròi trong cách đặt tên sữa, người tiêu dùng cũng sẽ dễ dàng hơn trong việc phân biệt các loại sữa. Theo đó, Thông tư quy định rõ các loại sữa sẽ được phân chia thành 3 nhóm rõ ràng: Sữa tươi, sữa hoàn nguyên và sữa hỗn hợp, sữa cô đặc và cô đặc có đường. Thông tư sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/03/2018. Quy chuẩn Quốc gia QCVN 5-1:2017/BYT đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng giải thích rõ khái niệm của từng loại sữa. Theo đó, sữa tươi thanh trùng/tiệt trùng là sản phẩm được chế biến chủ yếu từ sữa tươi nguyên liệu (sữa tươi nguyên liệu chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng). Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa, đã qua thanh trùng/tiệt trùng. Sữa hoàn nguyên là sản phẩm dạng lỏng thu được bằng cách bổ sung một lượng nước cần thiết vào sữa bột hoặc sữa cô đặc để tái lập tỷ lệ nước và chất khô thích hợp của sữa hoặc thu được bằng cách kết hợp chất béo sữa và chất khô không béo của sữa, có thể bổ sung nước để thu được thành phần thích hợp của sữa. Sản phẩm này có thể bổ sung các thành phần khác nhưng không nhằm mục đích thay thế các thành phần của sữa, đã qua thanh trùng/tiệt trùng. Thành phần sữa hoàn nguyên chiếm tối thiểu 90% tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng. Đủ thông tin để chọn đúng nhu cầu Theo chị Nguyễn Thu Hồng (phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: "Nếu chọn giữa sữa tươi với sữa hoàn nguyên thì chắc chắn tôi sẽ chọn sữa tươi cho cả gia đình bởi lẽ sữa tươi chắc chắn sẽ tốt hơn, vì thực tế thực phẩm tươi giữ được nhiều vitamine và dinh dưỡng hơn". Cùng quan điểm, chị Bùi Thị Ly (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Sữa hoàn nguyên được xử lý dưới nhiệt độ cao hơn thì các chất dinh dưỡng nó cũng mất đi nhiều. Và loại sữa bột người ta đem ra pha lại chúng tôi cũng không biết được nó là loại sữa gì, có đảm bảo hay không?". Quan niệm của chị Hồng và chị Ly cũng là quan điểm chung của rất nhiều người tiêu dùng khi lựa chọn sữa cho gia đình. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, điều đó chứng tỏ người tiêu dùng đã rất quan tâm tìm hiểu thông tin về sản phẩm sữa để lựa chọn loại sữa phù hợp. Với QCVN sửa đổi, người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt nguyên liệu sản xuất sữa là sữa tươi hay sữa bột để lựa chọn PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: "Về mặt dinh dưỡng, các loại sữa tươi được xử lý ở nhiệt độ thấp nên vẫn giữ được những chất dinh dưỡng cần thiết nhưng cũng đòi hỏi sự bảo quản nghiêm ngặt hơn. Còn sữa hoàn nguyên do bị xử lý ở nhiệt độ cao 2 lần, khiến hàm lượng vitamin mất đi rất nhiều. Để bù đắp, nhà sản xuất phải bổ sung thêm lượng vitamin và khoáng chất". Thực tế, nếu sữa hoàn nguyên được sản xuất theo những quy chuẩn rõ ràng đúng như định nghĩa của QCVN 5:1-2017/BYT (tức là hoàn lại 100% lượng nước thiết yếu bị rút đi, giữ nguyên chất lượng ban đầu, trong đó có chất béo sữa) đi kèm với đó là công nghệ có kiểm soát thì có thể đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay nhiều loại sữa có nhãn mác là sưa tiệt trùng (sẽ được sửa thành tên gọi Sữa hoàn nguyên theo QCVN 2017) thì rất khó hoàn lại nguyên trạng. Lúc này, chất lượng sữa hoàn nguyên thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào phẩm cấp của các loại nguyên liệu mà nhà sản xuất bổ sung vào sữa bột để pha lại, sau đó bổ sung thêm một số dưỡng chất, DHA, hương vị trái cây, hương vị dâu... vào sữa hoàn nguyên giúp dễ uống. Chuyên gia này cũng cho biết thêm, sữa tươi thanh trùng hoặc tiệt trùng nên sử dụng đối với trẻ trên 18 tháng tuổi để giảm nguy cơ dị ứng. Còn trẻ dưới 18 tháng tuổi, loại sữa tốt nhất với trẻ chính là sữa mẹ. Và sữa bột hoàn nguyên chỉ là giải pháp thay thế, với điều kiện chất lượng được kiểm soát chặt "Trong trường hợp đặc biệt như chú trọng đến một giai đoạn sức khỏe nào đó, điều trị chẳng hạn, hoặc tình trạng cơ thể hấp thu loại sữa, cần lấy tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng" PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra lời khuyên đến người tiêu dùng. Cách đơn giản để nhận biết giữa sữa tươi và sữa hoàn nguyên là khi tìm mua sữa, người tiêu dùng hãy đọc kỹ bảng mô tả thành phần sản phẩm. Trong bảng thành phần sản phẩm của sữa tươi có ghi rõ loại nguyên liệu sữa được sử dụng là: Sữa bò tươi, sữa tươi, sữa tươi nguyên kem hoặc sữa tươi tách béo... Còn trong bảng thành phần của sữa hoàn nguyên, sữa hỗn hợp có ghi rõ loại nguyên liệu được sử dụng là: Nước, sữa bột, sữa bột tách béo... Ngoài ra, bạn cũng nên chọn sữa của những thương hiệu uy tín được nhiều người tin dùng sẽ đảm bảo chất lượng sữa mình mua hơn. Theo Giadinh.net |