Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ vừa mới sinh đã mọc răng có đáng lo?


Thông thường trẻ mọc răng khi khoảng 6 tháng tuổi, vậy nhưng có những trường hợp mọc răng ngay khi vừa mới chào đời khiến những ông bố, bà mẹ vô cùng lo lắng về điều này. Liệu việc vừa mới sinh đã mọc răng có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của trẻ không?

 


Cha mẹ không nên quá lo lắng khi trẻ mới sinh mọc răng. Ảnh: T.G


Vừa mới lọt lòng đã mọc răng

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã tiếp nhận sản phụ Đinh Thị Thảo (trú tại Quảng Bình) đến khám thai. Sau khi mổ đẻ, bác sĩ và người nhà sản phụ rất bất ngờ khi thấy bé vừa sinh đã nhú một chiếc răng cửa.

Trước đó, một sản phụ ở TPHCM sinh con đầu lòng tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương và vô cùng ngạc nhiên khi thấy con gái vừa chào đời đã mọc hai răng cửa hàm dưới.

Theo gia đình, ngay từ khi biết mang thai, vợ chồng chị đã chủ động đi khám và dưỡng thai định kỳ. Trong quá trình mang thai chị được bác sĩ chẩn đoán bị giảm tiểu cầu, có nguy cơ dẫn đến băng huyết khi sinh, cần theo dõi sát. May mắn khi sinh cả chị và con đều không nguy hiểm gì. Nhưng có điều khiến gia đình chị và bác sĩ ngạc nhiên là bé vừa sinh ra đã mọc nhú hai răng cửa hàm dưới.

Đa phần các bậc cha mẹ có trẻ mới sinh mọc răng như trường hợp hai sản phụ trên thường có tâm lý lo lắng, sợ con có vấn đề sức khỏe.

Về vấn đề này, ThS.BS Lương Minh Hằng (Giảng viên Bộ môn răng trẻ em - Viện Đào tạo Răng Hàm Mặt) cho biết, hiện tượng trẻ mới lọt lòng đã mọc răng là hiện tượng hiếm gặp nhưng biết cách xử lý sẽ không có vấn đề gì.

Bình thường trẻ sinh ra thì chưa có răng, song có một số ít trường hợp trẻ mới sinh ra đã có răng (tên khoa học là natal teeth) hoặc mọc lên trong tháng đầu tiên sau khi sinh (neonatal teeth) được gọi là răng sơ sinh. Thường gặp răng sơ sinh ở vị trí răng cửa giữa HD, thỉnh thoảng ở răng cửa giữa HT hoặc răng hàm thứ nhất.

Thực tế, sự phát triển răng của trẻ được bắt đầu từ giai đoạn phôi thai nhưng khi đó là ở mức độ là mầm răng chứ chưa phát triển thành răng hoàn chỉnh. Sau khi sinh và phát triển, bé mới bắt đầu quá trình mọc răng. Nguyên nhân khiến trẻ ngay khi sinh đã mọc răng có thể là do sự lạc chỗ của mầm răng từ giai đoạn bào thai. Răng sơ sinh còn có thể gặp trong một số hội chứng liên quan đến bệnh toàn thân.

Thường những răng sơ sinh có hình dáng bất thường, men răng mỏng hơn bình thường hoặc bất thường và gây ra các ảnh hưởng như: Răng bị lung lay do chân răng ngắn có nguy cơ rơi vào đường thở gây dị vật đường thở; do lung lay gây viêm lợi xung quanh răng hoặc những chiếc răng mọc sớm cũng khiến trẻ bị ngứa, cắn qua cắn lại gây loét dưới lưỡi khó lành, gây khó khăn và đau cho mẹ khi cho trẻ bú.

TS Nguyễn Phú Hòa (Viện Răng Hàm Mặt Trung ương) cho biết, nguyên nhân mọc răng sớm ở trẻ có thể do yếu tố di truyền hoặc trong quá trình mang thai, bà mẹ bổ sung lượng lớn canxi, vitamin D, fluor, dẫn tới quá trình hình thành răng của trẻ diễn ra nhanh hơn.

Mầm răng là cấu trúc phát triển từ nguyên mầm răng hình thành từ giai đoạn phôi thai được 4 tuần. Mầm răng hoàn thiện và cấu trúc men răng phát triển và đạt được kích thước thân răng tương lai trước khi sinh.

Trường hợp trẻ sinh ra đã có răng trong miệng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám và kiểm tra. Các bé có răng trong giai đoạn này thường ảnh hưởng tới động tác bú, răng sẽ có nguy cơ gây tổn thương môi, má. Trong một số trường hợp chân răng phát triển không hoàn thiện, răng có thể bị lung lay, chúng ta cần nhổ bỏ để tránh khi trẻ bú nuốt răng bị rơi gây nguy hiểm.

Hiện có nhiều người vì lo lắng chuyện trẻ sơ sinh mọc răng nên suy nghĩ, quan niệm trẻ mọc răng sớm có thể làm bố mẹ làm ăn không tốt. Các bác sĩ cho rằng, đây là một quan niệm cực kì sai lầm. Việc bố mẹ làm ăn thất bại và việc trẻ mọc răng sớm hay muộn hoàn toàn không liên quan gì đến nhau nên bố mẹ chớ mê tín mà đổ lỗi cho em bé của mình.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

ThS.BS Lương Minh Hằng cho biết, những gia đình có con mọc răng sớm không nên lo lắng, hoang mang. Để điều trị cần chụp phim để xác định là răng sơ sinh hay răng sữa. Răng sơ sinh nhổ bỏ, trẻ hoàn toàn phát triển về hệ răng bình thường như bao trẻ khác. Răng sữa thì giữ lại và vệ sinh răng miệng cho bé như bình thường.

Việc vệ sinh răng miệng đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng giúp bé giữ được hàm răng đẹp và khỏe mạnh. Với những bé lớn, mẹ có thể rèn cho bé thói quen tự đánh răng một cách dễ dàng, nhưng với những trẻ nhỏ tuổi (đặc biệt là trẻ sơ sinh), cha mẹ cần chú ý điều sau:

+ Rửa sạch tay, bế trẻ trên tay.

+ Quấn gạc quanh ngón trỏ hoặc đeo gạc tưa lưỡi hình ống, nhúng vào dung dịch Nacl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội.

+ Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng.

+ Nhẹ nhàng lau vòm miệng và massage lợi của hàm trên và hàm dưới, ngoài tác dụng vệ sinh còn giúp kích thích sự phát triển mầm răng bên dưới.

+ Việc vệ sinh miệng thực hiện đều đặn ngày 2 lần sau bữa ăn và trước khi đi ngủ.

"Việc vệ sinh răng miệng sẽ giúp miệng bé luôn sạch sẽ, tránh được "nanh sữa" và tạo thói quen thường xuyên vệ sinh răng miệng cho trẻ khi lớn lên. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ chú ý không nên đưa ngón tay quá sâu vào trong miệng trẻ vì có thể khiến trẻ nôn trớ, không vệ sinh răng miệng khi trẻ vừa mới ăn no xong", ThS.BS Lương Minh Hằng khuyên.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, trẻ mọc răng sớm hay muộn đều là chuyện bình thường không đáng lo ngại. Tùy theo sự phát triển của từng đứa trẻ mà thời gian mọc răng sẽ có sự chênh lệch. Thời gian mọc răng của trẻ phụ thuộc vào yếu tố di truyền từ bố và mẹ, dinh dưỡng, thể trạng của trẻ... Thường trẻ mọc răng sữa từ tháng thứ 6 đến tháng 30.

Chu trình mọc răng của bé theo từng giai đoạn sau: Khoảng tháng thứ 6 thì mọc răng cửa, tháng 11 mọc đủ 4 răng cửa; tháng 15 mọc đủ 8 răng cửa; tháng 19 mọc thêm 4 răng hàm nhỏ; tháng 23 mọc thêm 4 răng nanh; tháng 27 mọc thêm 4 răng số 5. Các răng vĩnh viễn bắt đầu mọc từ 6 đến 12 tuổi, trừ răng khôn thì mọc muộn hơn khoảng sau 17 tuổi.

Trẻ khi mọc răng thường có một số rối loạn trong cơ thể khiến trẻ mệt mỏi, quấy khóc... Nếu trong thời gian mọc răng sữa, trẻ sốt cao 38,50C trở lên và đau nhiều, có thể cho uống paracetamol để hạ sốt và giảm đau. Cha mẹ không được để trẻ sốt quá cao. Nếu trẻ sốt nhẹ hơn thì không cần uống thuốc hạ sốt, chỉ cần cho trẻ bú nhiều hơn.

Trường hợp trẻ sinh ra đã có răng trong miệng, gia đình nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để khám và kiểm tra. Các bé có răng trong giai đoạn này thường ảnh hưởng tới động tác bú, răng sẽ có nguy cơ gây tổn thương môi, má. Trong một số trường hợp chân răng phát triển không hoàn thiện, răng có thể bị lung lay, chúng ta cần nhổ bỏ để tránh khi trẻ bú nuốt răng bị rơi gây nguy hiểm.
TS Nguyễn Phú Hòa

Theo Giadinh.net.vn