Cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết tại nhà
Ảnh minh họa Sốt là biểu hiện thường gặp khi trẻ mắc các bệnh lý thông thường, trong đó có sốt xuất huyết, sốt siêu vi và sốt phát ban. Tuy cùng có triệu chứng sốt, phát ban nhưng ba dạng sốt này lại hoàn toàn khác nhau. Do đó, việc phân biệt sốt xuất huyết, sốt siêu vi và sốt phát ban có vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh. Bác sĩ CKII. Nguyễn Anh Đào - Khoa Nhi (Bệnh viện TƯQĐ 108) chia sẻ cách phân biệt triệu chứng và cách chăm sóc trẻ sốt xuất huyết kịp thời và hiệu quả nhất.
Sốt xuất huyết (SXH) do virut gây nên. Muỗi Aedes Aegypti (muỗi vằn) là thủ phạm đốt và truyền bệnh. Khi dịch xảy ra, mọi người đều có thể bị bệnh nhưng hay gặp là trẻ em. 70% bệnh nhân bị SXH có thể điều trị và theo dõi tại nhà, tuy nhiên nếu không theo dõi sát bệnh có thể diễn biến nặng gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ
Sốt: Bệnh thường sốt cao đột ngột, nhiệt độ 39-40 độ C, sốt liên tục, kéo dài. Sốt kèm mệt mỏi, chán ăn, đau bụng vùng thượng vị hoặc hạ sườn phải.
Xuất huyết: Thường xuất hiện từ ngày thứ 2 của bệnh, xuất huyết tự nhiên hoặc xuất huyết do tiêm chích. Khi xuất huyết xảy ra nhiều nơi sẽ có biến chứng nặng.
Xuất huyết ngoài da: Biểu hiện dưới dạng chấm xuất huyết hoặc vết bầm máu, vị trí thường gặp là mặt trước 2 cẳng chân, mặt trong 2 cẳng tay, gan bàn tay, lòng bàn chân. Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, xuất huyết kết mạc mắt, tiểu ra máu, kinh nguyệt kéo dài ở trẻ nữ.
Xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu, đi ngoài ra máu.
Các triệu chứng khác: đau người, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, đối với trẻ nhỏ.
Các triệu chứng nặng thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 của bệnh: Sốc là một diễn tiến nặng của bệnh sốt xuất huyết. Vì vậy, trong những ngày này trẻ cần được theo dõi kỹ để phát hiện kịp thời các triệu chứng dưới đây để cho trẻ nhập viện điều trị ngay:
- Hạ nhiệt độ đột ngột, da lạnh nhớp mồ hôi, tay chân lạnh, ẩm.
- Chảy máu chân răng, chảy máu mũi
- Nôn ra máu hoặc ra dịch màu nâu.
- Đi ngoài phân đen.
- Tiểu ra máu.
- Hết sốt, nhưng li bì, vật vã hoặc bứt rứt, kích động.
- Trẻ đau bụng ngày càng tăng.
Các xét nghiệm:
Hai xét nghiệm cần phải làm để chẩn đoán ban đầu và cũng để theo dõi diễn tiến của bệnh là Hematocrit (Hct: dung tích hồng cầu) và đếm số lượng tiểu cầu trong máu. Hct và đếm số lượng tiểu cầu sẽ được thực hiện hàng ngày ở bệnh nhân từ ngày thứ 3 của bệnh: Sự tăng dần của Hct, giảm dần của số lượng tiểu cầu thể hiện bệnh đang diễn tiến nặng, bệnh cần theo dõi sát để có những điều trị thích hợp. Các xét nghiệm khác sẽ được chỉ định khi cần.
Cách chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Khi chưa có chỉ định nhập viện điều trị, cần cho trẻ nằm nghỉ trong một phòng thoáng mát. Cho trẻ uống nước đầy đủ là điều rất cần thiết vì bệnh SXH thường làm máu bị cô đặc lại. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến chứng sốc.
Để phòng tránh và hạn chế tối đa các diễn tiến xấu của bệnh, nên cho trẻ uống oresol, hoặc nước cam, nước chanh, nước khoáng hay nước lọc đun sôi. Cho trẻ uống từ từ, vì việc uống quá nhanh, quá nhiều cùng một lúc có thể sẽ gây nôn, đầy bụng. Cho trẻ ăn các chất dễ tiêu như cháo, súp và không được ăn no quá.
Trong bệnh SXH, khi sốt cao > 38,5 độ C cho trẻ dùng thuốc hạ sốt thông thường như paracetamol liều dùng: 10-15 mg/kg 1 lần cách 4-6 h/lần. Tuyệt đối không dùng các thuốc hạ sốt nhóm aspirin vì chúng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
Trường hợp trẻ sốt cao, áp dụng phương pháp vật lý như lau mát cho trẻ. Sau khi cởi bớt quần áo cho thoáng mát, ngâm khăn mặt vào nước ấm, không nóng quá, vắt khô và đắp vào những vùng dễ thấm nước trên cơ thể như nách, bàn chân, bàn tay và háng để làm giảm nhiệt.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đắp khăn ẩm lên trán và gáy. Chú ý thay khăn thường xuyên sau vài phút.
Nguồn: Giáo Dục & Thời Đại |