Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thường xuyên chơi những trò này với trẻ để kích thích trí thông minh tuyệt đỉnh từ sớm


Trẻ dưới 3 tuổi là thời cơ "vàng" để thực hiện những trò chơi kích thích trí thông minh.

Trẻ sơ sinh đến 3 tuổi đang ở giai đoạn tìm hiểu các sự vật xung quanh và luôn tò mò với những gì mới lạ. Đây là giai đoạn "hoàng kim" đặt nền tảng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển não bộ của bé.
Một em bé khi chào đời có khối lượng não bộ bằng 25% não bộ người trưởng thành. Sau 1 năm, bé có khả năng nhận thức và phát triển hơn bằng khoảng 60% người lớn. Điều đặc biệt là, ở độ tuổi lên 3 não bộ của trẻ đã bằng 80% người lớn.

Trong 3 năm đầu đời não bộ của trẻ không chỉ phát triển vượt trội mà còn rất dễ thích nghi. Kết quả nghiên cứu từ các nhà khoa học cho thấy thị giác, thính giác, xúc giác của trẻ sơ sinh phát triển nhanh đến kinh ngạc.

Thường xuyên chơi cùng trẻ có thể thúc đẩy chức năng não bộ, giúp bé thông minh hơn. (Ảnh minh họa)

Nhiều cha mẹ cho rằng ở độ tuổi này bé chỉ có thói quen ăn và ngủ. Trên thực tế, ngoài sự vận động theo bản năng thì não bộ của trẻ trong giai đoạn này còn phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, các bậc phụ huynh nên nắm bắt thời kỳ "vàng" này để hỗ trợ bé tốt nhất.
Nếu trẻ sơ sinh chỉ có thể nhìn vật thể ở khoảng cách dưới 30 cm thì khi được 2 tháng tuổi, bé có thể tập trung và tư duy nhiều hơn. 3 tháng tuổi, bé có thể nhìn được những vật cách xa vài mét. Ở giai đoạn này, bé mong muốn nhìn thấy khuôn mặt người thân đặc biệt là mẹ. Sự thân quen trên gương mặt là điều hấp dẫn với trẻ từ sơ sinh đến 3-4 tháng tuổi. Mẹ nên ngắm bé thật nhiều để bé có thể nhìn và cảm nhận tình yêu thương vô bờ bến của mẹ.
Hỗ trợ phát triển thị giác
Khi trẻ từ 1 - 4 tháng tuổi, mẹ nên chú ý tới bài tập phát triển thị giác và nhận thức bằng cách giúp bé quan sát khuôn mặt mẹ với khoảng cách 20 - 25cm. Trẻ sơ sinh rất thích thú khi nhìn khuôn mặt, nghe thấy tiếng cười nói của mẹ.
Nếu bé không có phản ứng trở lại, mẹ đừng nóng vội bởi điều này hoàn toàn bình thường. Trẻ sơ sinh thường tiếp nhận thụ động những thông tin bên ngoài, chỉ cần cho bé tham gia trò chơi tương tác nhẹ nhàng thế là đủ.

Trẻ sơ sinh rất thích thú khi nhìn khuôn mặt, nghe thấy tiếng cười nói của mẹ. (Ảnh minh họa)

Kích thích thính giác cho bé
Đặt trẻ đối diện với mẹ một khoảng cách từ 20-25 cm, gọi tên em bé hoặc nói những từ ngữ quen thuộc đồng thời nhìn vào đôi mắt của bé để thu hút sự chú ý.
Ở giai đoạn này, khả năng phân biệt âm thanh của bé còn tương đối yếu vì vậy mẹ nên phát âm thật nhiều lần để cho bé thấy sự chuyển động của đôi môi. Nếu bé có phản ứng như reo lên "Ah Ah" hoặc vui mừng xoay cơ thể, bạn hãy bắt chước giọng nói của bé để khuyến khích bé tiếp tục trò chuyện, giao tiếp với bạn.
Rèn luyện cơ bắp cho bé
Tiếp xúc với da và cơ thể là cách tốt nhất để phát triển não bộ cho trẻ sơ sinh. Ở giai đoạn này, bé sẽ thấy nhàm chán khi nằm giường cả ngày. Mẹ có thể nhẹ nhàng giúp bé "tập thể dục" bằng cách di chuyển tay chân cùng lúc. Cách này không những làm bé vui mà còn gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con.

Mẹ có thể nhẹ nhàng giúp bé "tập thể dục" bằng cách di chuyển tay chân cùng lúc. (Ảnh minh họa)

Mẹ thực hiện thể dục cho bé bằng cách đặt bé nằm ngửa, cầm đôi tay và di chuyển lên xuống theo nhịp điệu. Ngoài ra, mẹ có thể hát cho bé nghe những bài hát thiếu nhi vui nhộn giúp bé thư giãn hơn. Và làm tương tự với chân của trẻ song nên thực hiện sau khi bé tắm xong hoặc thay tã mới.
Lưu ý khi chơi cùng trẻ
- Kiểm tra móng tay, tháo nhẫn, đồng hồ cũng như các trang sức khác trên tay để tránh làm đau bé.
- Mẹ nên chú ý quan sát tâm trạng bé. Nếu trước khi chơi mắt bé mở to, tập trung quan sát, hay cười thì mẹ nên chơi cùng bé . Ngược lại, mắt bé lờ đờ hoặc quấy khóc có thể bé đang đói, buồn ngủ, mẹ nên đáp ứng những nhu cầu này thay vì chơi cùng bé.

Theo Eva