Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hãy để trẻ con là trẻ con


Trẻ con hãy cứ là trẻ con, không cần phải thành thần đồng.

Hồi nhỏ, tôi tỏ ra là có năng khiếu nổi trội về hội hoạ. Đại để là, tôi có thể nhìn con gà mà vẽ giống hệt, hay thậm chí vẽ lại được một bức tranh trong truyện tranh mà không được ai hướng dẫn. Các bác các chú hoạ sỹ bạn của cha mẹ tôi khen tôi là thần đồng. Cha tôi trả lời tỉnh bơ rằng nhà này chỉ có trẻ con, không có thần đồng.


Lúc đầu không được khen, tôi cũng buồn, nhưng ít lâu sau cũng nguôi ngoai, trẻ con mà, chẳng giữ chuyện gì lâu. Nhưng cũng chính vì thế, mà so với các bạn cùng thế hệ, tôi ít chịu sức ép hơn. Thậm chí còn không bị ép phải thành học sinh giỏi-mà hồi đó gọi là tiên tiến xuất sắc-dù tôi cũng thuộc dạng nhanh nhẹn.


Cha tôi chỉ bảo tôi là việc chính là học, xong việc học rồi muốn chơi gì thì chơi. Trẻ con thì hay hỏi cắc cớ, tôi cũng vậy, tôi hỏi cha tôi rằng nếu đạt danh hiệu học sinh gỏi hay tiên tiến thì có được thưởng gì không.


Cha tôi nói không, vì cha không ép con phải thành học sinh giỏi nên không được thưởng, bởi cùng với đó cũng sẽ không bị phạt, cho nên, muốn được thưởng thì phải có những thành tích xuất sắc. Tôi hiểu ngầm, đó là những giải học sinh giỏi, hay giải về thể thao.


Thỉnh thoảng tôi cũng được cha mẹ thưởng, nhưng không đều. Là bởi lúc thì tôi thích tham gia, lúc thì không. Nhưng cũng chính vì thế mà những năm sau chiến tranh ấy, dù điều kiện còn rất ngặt nghèo, mà tôi đã được sống một tuổi thơ trọn vẹn với đủ mọi loại hoạt động.


Cũng chính vì được chơi thoải mái, chỉ cần học cơ bản thật tốt, mà sau này, khi lên bậc đại học, tôi dễ dàng tiếp nhận chương trình và luôn đứng ở nhóm cao điểm nhất, dù đôi khi điểm chác cũng không đánh giá đúng thực lực.



Trong khi đó, các bạn tôi, hầu hết là con em giáo viên, hay công chức, đều mang trên mình một sứ mệnh khổng lồ, đó là thành thần đồng, hoặc thành người đặc biệt. Trong khi tôi học hành rất nhàn nhã thì các bạn tôi rất vất vả, không phải vì họ kém thông minh hơn mà so sức ép đè nặng lên khiến họ phải thế.


Chuyện một cô bạn gái chỉ vì một điểm 9 mà khóc cả buổi là hết sức bình thường, mà thời điểm đó, khi nhà trường chưa có sức ép về thành tích, thì 9 điểm cũng đã là xuất sắc và quan trọng hơn, đó là điểm thật. Thậm chí, sau này các bạn tôi còn có trò gian dối là trước giờ kiểm tra chia nhau mỗi người học vài câu, sau đó đến câu của ai thì người đó làm rồi lần lượt cho nhau chép. Lớp chọn, nên các thầy cô đều đinh ninh đó là con ngoan trò giỏi, nên ít khi để ý, bởi ai đã từng đứng trên bục giảng nhìn xuống đều thấy việc quay cóp dù có khéo đến cỡ nào cũng chỉ là trò trẻ ranh mà thôi.


Tôi nhất quyết không tham gia vào trò chia nhau học, bởi với tôi, mình không học thì chấp nhận điểm kém. Các bạn đầu tiên rất khó chịu, sau nghe tôi giải thích rằng có bị điểm kém cũng chẳng bị gia đình phạt, nên không ép tôi nữa. Tất nhiên, khi tôi làm được bài, tôi cũng he hé cho các bạn chép, chứ không giấu tiệt đi, bởi nếu thầy cô bắt được thì chỉ phạt người quay cóp. Thậm chí, có không ít lần những bạn tôi nhờ tôi làm cho những bài tập về tô mầu, về thủ công để lấy điểm 10, và nói rất thật rằng tớ phải xếp thứ nhất hoặc cùng lắm là nhì nếu không bố mẹ sẽ phạt. Nghe đến đó, tôi sẵn sàng giúp bạn, vì với tôi việc cũng chẳng khó lắm, hơn nữa tôi có xếp nhất hay không với gia đình tôi không quan trọng. Bởi ngoài việc học, tôi còn phải phụ gia đình từ bếp núc đến dọn dẹp, dậy em học, rồi chơi thể thao. Nói chung, một ngày của tôi ngoài việc học bài ra còn đủ thứ để làm, việc nào cũng hấp dẫn. Có những việc tôi đã đứng ở nhóm đầu, ngoài việc học.


Đủ để hãnh diện với bạn bè. Và bạn bè tôi đều ao ước được như tôi, bởi ngay từ lúc đó, chúng tôi đã nhận thức được rằng, nếu không có sức ép, thì còn làm được nhiều việc hay ho hơn. Cũng chính vì thế mà giờ này, tôi không đến nỗi vô dụng trong gia đình nhỏ của mình, nghĩa là không đến nỗi chỉ đi làm về rồi nằm chơi game hay lướt web như các bài văn trẻ nhỏ thời @ hay viết, mà tôi làm việc nhà không đến nỗi tồi, nấu được bữa cơm ngon cho gia đình, và bầy được nhiều trò chơi cho cả nhà, tránh được việc cứ sau giờ ăn cơm tối là mỗi người ôm một máy tính hay một điện thoại và thu mình trong thế giới riêng.


Kể lại câu chuyện này chỉ để nói một điều, rằng chúng ta lâu nay chỉ trách nhà trường, trách nền giáo dục. Kể ra, trách một phía như thế thì dễ quá. Mà vấn đề trầm trọng nhất là ở ước muốn của các bậc phụ huynh. Từ ngày tôi đi học đến nay, cũng gần 4 thập kỷ, mà chuyện muốn biến con cái thành thần đồng đã xuất hiện, và không phải là cá biệt. Từng ấy năm, chuyện này mỗi lúc càng nặng nề hơn. Để bây giờ, những phụ huynh muốn làm như cha tôi ngày trước cũng đành phải bó tay. Bởi khi chuyện đã lớn, đã thành trào lưu, thì không ai có thể đi ngược dòng. Trẻ con hãy cứ là trẻ con, không cần phải thành thần đồng.


Những nghiên cứu của các nền giáo dục châu Âu cho thấy, trẻ con tuổi từ 6 đến 18 là phát triển về cơ thể, nên họ cho trẻ con chơi là chính, học rất nhẹ nhàng. Từ 18 tuổi trở ra, thì chương trình học lại nâng cao. Nó giống như trong võ thuật, khi mới tập, các thầy sẽ chú ý đến nội công, một khi nội công đã vững, thì mới thi triển được quyền cước. Chứ không như ở ta, mọi trẻ con đều bị ép thành thần đồng, để rồi càng học lên cao càng đuổi dần, và khả năng cạnh tranh với bạn bè quốc tế là gần như không có. Và trong chuyện này, lỗi một phần lớn, lại do cha mẹ, những người luôn muốn con mình phải hơn người.


Nhà văn Nguyễn Toàn Thắng

Theo Gia đình Việt Nam.