Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Áp dụng phương pháp giáo dục mới cần hiểu đúng triết lý giáo dục


Montessori là một phương pháp giáo dục tiên tiến trên thế giới, được vận dụng vào Việt Nam thời gian gần đây. Đây được cho là phương pháp hiệu quả, giúp trẻ phát triển toàn diện và được nhiều phụ huynh quan tâm, tìm hiểu.


HS Trường mầm non Thần Đồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)


TS Trịnh Thị Xim - Trưởng khoa Giáo dục mầm non Trường CĐSP Trung ương - đã có những trao đổi chi tiết về phương pháp giáo dục này.


Những khác biệt của phương pháp giáo dục Montessori


- Montessori khác với những phương pháp giáo dục truyền thống như thế nào, thưa TS?
Có thể điểm ra một số khác biệt của phương pháp giáo dục Montessori như sau:

Thứ nhất là khác biệt từ cách trang trí lớp học, màu sắc, không gian,... tạo sự sinh động với trẻ. Môi trường ở đây gần như là người giáo viên thứ 3 với trẻ, con sẽ tự học, tự lựa chọn mọi hoạt động trong môi trường đó.


Thứ 2: Trẻ được đặc biệt tôn trọng về nhu cầu, sở thích, hứng thú...


Thứ 3: Khác với phương pháp truyền thống, giáo viên nói nhiều, làm nhiều, dạy trẻ nhiều, giáo viên trong phương pháp giáo dục Montessori chủ yếu là quan sát trẻ, lắng nghe trẻ và hỗ trợ thúc đẩy trẻ khi cần thiết.


Thứ 4: Nếu phương pháp truyền thống coi trọng nhiều hơn đến hoạt động nhóm, hoạt động tập thể thì với phương pháp giáo dục Montessori, các hoạt động cá nhân khá đặc trưng.


Phương pháp giáo dục Montessori chú trọng phát triển tính trật tự, kỷ luật rất cao ở trẻ. Điều này đương nhiên đòi hỏi giáo viên phải là tấm gương sáng trong tạo môi trường lớp học, cũng như trong các tương tác với trẻ. Từ những hành vi giao tiếp, ứng xử, nói lời hay ý đẹp như thế nào, hành động ra sao để các con cảm thấy an toàn và thể hiện mình một cách tốt nhất.


- Vậy theo TS đâu là những ưu điểm nổi bật của phương pháp giáo dục Montessori?

Ưu điểm nổi bật của phương pháp giáo dục Montessori là để cho trẻ được thể hiện hết khả năng của mình, các con được tôn trọng về nhu cầu, về sự lựa chọn; các con có thể đạt được nhiều mục đích khác nhau mà không bị rào cản nào từ phía cha mẹ, người lớn, môi trường xung quanh...


Một điểm đặc biệt nữa là các con thích ứng với cuộc sống nhanh, tự lập, tự tin, tự quyết định được rất nhiều trong cuộc sống của mình.


Sức hút của phương pháp Montessori còn là môi trường lớp học, những màu sắc rất nhẹ dịu tạo cho trẻ cảm giác thư thái; giáo cụ đẹp, bắt mắt từ màu sắc, độ nhẵn, độ hấp dẫn ở những chi tiết nhỏ... Các giáo cụ của Montessori giúp phát huy rất tốt khả năng tư duy trừu tượng và những khả năng khác của trẻ.


- Theo TS, phương pháp giáo dục Montessori có phù hợp với giáo dục Việt Nam?

Tôi cho rằng mỗi phương pháp giáo dục đều có ưu và nhược điểm. Vấn đề là phải làm thế nào để có thể phát huy được hết ưu điểm và khắc phục những nhược điểm đó, vận dụng linh hoạt vào thực tế giáo dục của đất nước.


Như phương pháp giáo dục Montessori, nếu hiểu đúng triết lý của nhà giáo dục Ý Maria Montessori thì sẽ tốt cho trẻ. Nhưng nếu chúng ta không hiểu đúng triết lý thì sẽ gây hậu quả, đôi khi ảnh hưởng đến trẻ sau này.


- Liệu phương pháp giáo dục Montessori có hiệu quả trong những lớp sĩ số đông?

Số lượng trẻ trong lớp ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, điều kiện của nước mình như vậy, không thể cứ lấy vấn đề số lượng trẻ đông làm yếu tố cản trở. Mà trước thực tế đó, giáo viên cần phải được tập huấn như thế nào về năng lực quan sát, bao quát trẻ; tập huấn các phương pháp giáo dục; năng lực tổ chức hoạt động cho các con; hành vi đạo đức, cách giao tiếp ứng xử với trẻ...


Có lẽ, không cần ôm đồm quá nhiều các góc chơi, giáo viên không phải làm đồ chơi quá nhiều, không làm hộ trẻ quá nhiều mà phải biết cách quan sát, hỗ trợ các con để các con tự thực hiện. Đây cũng là lưu ý với các bậc làm cha mẹ.


Tất nhiên, vấn đề sĩ số trẻ trên lớp đông cũng cần được cải thiện trong thời gian tới. Cùng với đó, đáp ứng yêu cầu về đội ngũ cả về số lượng và chất lượng.


Trẻ là câu trả lời cho hiệu quả của mọi phương pháp giáo dục


- Hiện nay, ngày càng có nhiều trường mầm non tư thục được mở ra với nhiều phương pháp giáo dục từ nước ngoài. Bà có lời khuyên nào cho phụ huynh khi lựa chọn những trường này?
Các phương pháp giáo dục mới hiện nay đang du nhập vào Việt Nam tương đối nhiều, trong đó có cả giáo dục sớm... Với phụ huynh, tôi cho rằng, yếu tố quan trọng nhất là phải quan sát, lắng nghe, hiểu trẻ, từ đó sẽ hỗ trợ con tốt hơn.


Với mỗi phương pháp các con được tiếp cận, bậc cha mẹ phải theo dõi những thay đổi nhỏ, như con có thích hay không, có phấn khởi, tự học, tự chủ động trong cuộc sống hay không?... Đó là những biểu hiện tích cực của một phương pháp giáo dục.


Tóm lại, trẻ sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất. Cha mẹ hãy chú ý đến điều đó.


Mỗi phương pháp giáo dục có một ưu điểm riêng. Có điều, chúng ta phải vận dụng đúng triết lý giáo dục của phương pháp đó cho phù hợp.


Đơn cử, yêu cầu của phương pháp giáo dục là chỉ có một bộ giáo cụ. Trẻ cần phải tự học cách chờ đến lượt. Còn nếu muốn sở hữu bộ giáo cụ đó, các con phải tìm cách để bạn nhường cho mình, phải tự học cách thỏa thuận, giao tiếp với bạn. Khi các bạn không nhượng bộ, con cần phải tìm một hoạt động, giáo cụ khác. Những việc như thế rất tốt cho trẻ.


Tuy nhiên, sẽ không hiệu quả nếu người làm giáo dục không hiểu điều này. Ví dụ, vì thấy các con thích giáo cụ đó mà làm thêm nhiều bộ giáo cụ khác như vậy thì sẽ không hiệu quả, không còn đúng với tinh thần giáo dục ban đầu nữa.


- TS nhận định như thế nào về phương pháp giáo dục truyền thống của chúng ta trong các trường mầm non hiện nay?
Ở Việt Nam chúng ta cũng coi trọng vấn đề lấy trẻ làm trung tâm, tôn trọng trẻ. Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, các con học bằng chơi, chơi mà học - những vấn đề đó cũng được tập huấn nhiều; đồng thời được đào tạo bài bản trong trường sư phạm.


Quan niệm của tôi, những phương pháp giáo dục truyền thống của chúng ta có tính ưu việt riêng. Thứ nhất là gắn với con người Việt Nam luôn sống vì cộng đồng, luôn trong một nhóm, một tập thể để hỗ trợ, tương tác với nhau. Chúng ta cũng giáo dục trẻ những truyền thống văn hóa tốt đẹp như kính trọng ông bà, cha mẹ...


Cùng với đó, vận dụng linh hoạt các phương pháp giáo dục mới cho phù hợp với thực tế giáo dục đất nước. Tuy nhiên, cần quan sát xem trẻ có tiếp nhận hay không, trẻ có hạnh phúc không, có thực sự nỗ lực hết mình hay không?


- Xin cảm ơn TS!


Phương pháp giáo dục Montessori là một phương pháp sư phạm giáo dục trẻ em dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ và nhà giáo dục Ý Maria Montessori (1870-1952).


Theo Báo GD&TĐ