Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trường học chỉ dạy câu cá, đi săn và không giao bài tập ở New Zealand


Học sinh ở trường Deep Green Bush (tạm dịch Bụi cây xanh), New Zealand dành phần lớn thời gian ở trường để khám phá thiên nhiên, học câu cá và cách săn bắt.


Sâu bên những dòng suối và cây Kauri ở vùng nông thôn phía Nam Auckland, bài học của trường Deep Green Bush đang diễn ra, bao gồm môn học câu cá, sau một bữa trưa được nấu ngoài trời. Và tất nhiên, không có bài tập về nhà.


"Chúng tôi được gọi là một trường học nhưng chúng tôi không giống ngôi trường nào cả", Joey Moncarz - đồng sáng lập và Hiệu trưởng tại Deep Green Bush school cho hay. "Chúng tôi không yêu cầu bọn trẻ tập viết hay làm toán. Khi nào chúng thích, chúng sẽ làm", Moncarz cho biết thêm.


Moncarz sáng lập trường Deep Green Bush sau 5 năm làm giáo viên. Với ý nghĩ, những trường học đơn thuần không trang bị cho trẻ em những vấn đề phải đối mặt trong tương lai như biến đổi khí hậu, Monarz có tầm nhìn khác biệt về giáo dục, phát triển từ các kỹ năng sinh tồn.


Nếu thời tiết cho phép, học sinh sẽ dành phần lớn thời gian ở ngoài trời, học câu cá và khám phá hệ thực vật.


Học sinh của trường Deep Green Bush trong giờ học.


Trường Deep Green Bush được đăng ký với Bộ Giáo dục với tư cách một trường độc lập và do đó không phải tuân theo chương trình giảng dạy chuẩn của New Zealand mặc dù vẫn chịu sự giám sát của Bộ.


TS David Berg, một giảng viên cao cấp về giáo dục tại Đại học Otago, cho biết, các trường học kiểu mới đang được phát triển ngày càng nhiều trên thế giới, đặc biệt là ở khu vực Scandinavia, nơi một số trường mẫu giáo tổ chức cho trẻ em đi câu cá trên băng trong giờ học.


Tuy nhiên, ông nói rằng các nhà giáo dục cần phải đảm bảo rằng, trẻ em được cung cấp đầy đủ các kỹ năng cần thiết để tìm được việc làm trong thế giới hiện đại. "Trong xã hội hiện đại, để thành công, rất nhiều kỹ năng cần được phát triển", TS Berg nói thêm.


Hiệu trưởng Moncarz nhấn mạnh, đây không phải là một "thử nghiệm" trong giáo dục mà dựa trên thực tế 2 triệu năm về việc các bậc cha mẹ đã nuôi dạy con cái của họ cùng với thiên nhiên.


"Nhốt trẻ em trong lớp học và nhồi nhét chúng học hành chỉ gây ra nhiều vấn đề hơn mà thôi", Moncarz nói.


Theo HNM