Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

'Đổ xô' mua 5 loại quả đang vào mùa cho con ăn mà chưa biết đến những nguy hại này


Khi cho bé ăn những loại trái cây này, nếu bố mẹ không để ý cách chế biến và định lượng, bé có thể bị dị ứng và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.


Trái cây là loại thức ăn không thể thiếu trong khẩu phần ăn của bé. Đặc biệt, các loại trái cây mùa hè không chỉ cung cấp nước mà nhiều loại vitamin và khoáng chất quan trọng.


Tuy nhiên, không phải tất cả các loại trái cây đều phù hợp để cho trẻ dưới 1 tuổi ăn trực tiếp. Dưới đây là các loại trái cây bố mẹ cần lưu ý khi cho bé ăn.

1. Dứa
Dứa rất giàu dinh dưỡng, chứa một lượng lớn đường fructose và glucose tự nhiên cũng như hầu hết các vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Các lợi ích khi ăn dứa có thể kể đến là cải thiện hệ tiêu hóa, giúp xương chắc khỏe, tăng cường sức khỏe răng miệng, tăng khả năng miễn dịch,...


Tuy nhiên, trong dứa có chứa chất bromelain, một hỗn hợp của các enzym tiêu hóa. Khi chất này tiếp xúc với lớp da nhạy cảm trong và xung quanh miệng, nó sẽ phân hủy các protein gây ra cảm giác đau rát miệng cho bé khi ăn.


Ngoài ra, trong dứa còn chứa chất serotonin có thể gây co thắt huyết quản, hưng phấn thần kinh, tăng huyết áp và kết quả là đau đầu, chóng mặt. Hơn nữa, có một số ít người bị dị ứng với dứa, khoảng 15 đến 60 phút sau khi ăn thường xảy ra hiện tượng đau bụng, buồn nôn, ói mửa, nhức đầu, chóng mặt, khó thở...


Vì vậy, khi cho bé ăn dứa, bố mẹ cần lưu ý gọt sạch vỏ và mắt dứa, cắt thành các miếng nhỏ và ngâm vào nước muối loãng khoảng 30 phút trước khi ăn. Khi cho bé ăn lần đầu, mẹ nên để bé ăn thử một miếng nhỏ trước rồi quan sát hiện tượng. Nếu bé không có biểu hiện dị ứng thì mới cho ăn tiếp.


2. Mơ

Trong 100g quả mơ chứa đến 1,79 mg carotene (gấp 22 lần so với táo), 7mg vitamin C (cao hơn cả táo và cam quýt). Ngoài ra, mơ còn chứa nhiều canxi, photpho, sắt và một số chất chống ung thư.


Tuy nhiên, mơ là loại quả nóng, ăn nhiều có thể gây nhiệt miệng, chảy máu cam và táo bón cho bé. Vì vậy, bố mẹ không nên cho bé ăn nhiều mơ và tuyệt đối phải ăn sau bữa ăn.


Bên cạnh đó, quả mơ tươi chứa nhiều axit sẽ gây khó chịu cho dạ dày, không tốt cho răng và thậm chí ảnh hưởng đến sự phát triển của xương. Do đó, thay vì cho bé ăn mơ tươi, bố mẹ nên làm mơ xào đường hoặc mứt mơ.


3. Vải

Vải là loại trái cây chứa nhiều đường fructose, protein, chất béo, vitamin C, axit citric, pectin, photpho và sắt. Ăn vải đã được chứng minh là giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giúp tăng cương chức năng của phổi.


Tuy nhiên, ăn vải nhiều dễ dẫn đến giảm lượng đường trong máu, khát nước, đổ mồ hôi, chóng mặt, tiêu chảy và thậm chí là hôn mê do hạ đường huyết. Ngoài ra, vải là loại quả nóng nên có thể gây táo bón, hàm lượng đường cao trong vải thiểu có thể ức chế gia tăng axit dạ dày gây ợ hơi.


Chính vì vậy, bé dưới 1 tuổi chỉ nên ăn ít hơn 5 quả vải/ ngày, sau bữa ăn khoảng một giờ. Nếu bé ăn vải xong có biểu hiện chóng mặt, đau đầu, bố mẹ có thể pha một ít nước đường cho bé uống. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hơn thì cần chuyển ngay đến bệnh viện để điều trị.


4. Xoài

Xoài được mệnh danh là "vua của các loại trái cây nhiệt đới" với giá trị dinh dưỡng rất cao, trong đó có protein, đường, vitamin C và carotene đặc biệt cao, tốt cho sự phát triển thị giác của bé.


Tuy xoài chứa nhiều axit amin và protein tốt cho sức khỏe nhưng nó cũng chứa cả monohydroxybenzene và axit aldehyde, có khả năng gây kích ứng da. Da của bé dưới 1 tuổi thường mỏng, dễ bị dị ứng nên nếu tiếp xúc trực tiếp với xoài có thể bị nổi mẩn, sưng ngứa.


Do đó, khi cho bé ăn xoài, tốt nhất bố mẹ nên cắt thành miếng nhỏ vừa miệng để tránh xoài dính vào mặt bé. Ngay khi bé ăn xong, mẹ phải cho bé súc miệng, rửa mặt sạch sẽ.


5. Dâu tằm

Dâu tằm cũng là loại trái cây mùa hè tốt cho bé vì nó chưa một lượng lớn đường glucose, fructose, các vitamin, khoáng chất như canxi, photpho, sắt, kẽm, đồng.. cũng như các loại axit tốt như axit citric, axit malic, axit tannic...


Lợi ích khi ăn dâu tằm là giúp giảm cholesterol, cải thiện khả năng kiểm soát đường trong máu và giảm nguy cơ ung thư.


Tuy vậy, dâu tằm cũng chứa nhiều chất ức chế trypsin, ức chế nhiều loại enzyme tiêu hóa trong ruột, dễ gây nên bệnh viêm đại tràng.


Ăn dâu quá nhiều, các bé thường xuất hiện triệu chứng khô môi, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và thậm chí là mất nước, tụt huyết áp nghiêm trọng.


Vì vậy, dù bé thích ăn dâu, mẹ cũng chỉ nên cho bé ăn 3-5 quả/ một lần. Thay vì để bé ăn dâu tươi, mẹ nên thêm dâu như một nguyên liệu phụ vào món ăn.


Theo Khám Phá