Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

NGƯỜI GIÁO VIÊN MẦM NON THỰC HIỆN VỚI CHỦ ĐỀ NĂM HỌC


NGƯỜI GIÁO VIÊN MẦM NON THỰC HIỆN  VỚI CHỦ ĐỀ NĂM HỌC
“Sống Có Trách Nhiệm”

    Sống có trách nhiệm là người biết rõ bổn phận, nghĩa vụ, quyền lợi của mình. Sống có trách nhiệm là sống với lòng tự trọng, tự giác cao, biết tôn trọng người khác, tôn trọng các quy định tập thể, không để ai phiền trách, nhắc nhở, phê phán nặng lời với mình.
    Đối với giáo dục mầm non thì người giáo viên phải có nhân cách hoàn thiện về ý thức, về đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng với hoàn cảnh thay đổi của xã hội nói chung và giáo dục nói riêng để thực hiện nhiệm vụ giáo dục và hình thành nhân cách ban đầu cho trẻ.
 Vì vậy là người giáo viên Mầm non theo tôi hiểu “ Sống có trách nhiệm” là trước hết phải có trách nhiệm đối với bản thân mình, luôn giữ gìn sức khỏe tốt. vì có sức khỏe thì mình với hoàn thành được công việc chăm sóc cháu. Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị, luôn không ngừng phấn đấu rèn luyện để có kiến thức sâu rộng nhằm truyền tải đến cho học sinh.  Bên cạnh đó người giáo viên phải trung thực với chính bản thân mình, không làm điều gì để ảnh hưởng đến phẩm chất danh dự của người giáo viên như ngôn phong, tác phong đúng đắn, sống có văn hóa và xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc.
    Trẻ nhỏ rất dễ bị tổn thương về tâm lý, do đó là giáo viên mầm non phải biết các đặc điểm tâm lý chung của lứa tuổi và đặc điểm riêng của từng trẻ ở từng độ tuổi. Cô giáo mầm non nhất thiết phải biết âu yếm trẻ, ôm ấp trẻ vào lòng, nói những lời âu yếm ngọt ngào của một người mẹ. Trẻ lớn thì thích được khen ngợi hơn, chúng thường ngượng ngùng khi được ôm ấp bởi chúng tự coi mình là lớn, đâu còn “ bé tí” nữa. Vì thế trách nhiệm đối với trẻ là người giáo viên phải biết yêu thương trẻ, tôn trọng ý kiến của trẻ, giữ lời hứa với trẻ và không bao giờ xúc phạm nhân cách trẻ làm ảnh hưởng , tổn thương đến tâm lý trẻ. Ở lớp giáo viên phải thường xuyên tổ chức đầy đủ các hoạt động của lớp theo kế hoạch, nội dung hoạt động đã đề ra, không bỏ giờ hoặc cắt xén các giờ hoạt động của trẻ để làm việc riêng. Luôn tạo điều kiện cho trẻ được học, được vui chơi thoải mái và cô phải luôn ở bên cạnh trẻ để giúp đỡ trẻ khi cần thiết hoặc xử lý các tình huống kịp thời xảy ra trong quá trình hoạt động của trẻ. Đặc biệt giáo viên phải luôn ở tư thế sẵn sàng, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng trẻ, phải đảm bảo đầy đủ chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý như chăm sóc và động viên cháu ăn hết suất, đảm bảo đủ khẩu phần ăn cho trẻ phù hợp theo lứa tuổi. Qua đó trẻ biết giữ gìn vệ sinh thân thể như biết rửa tay, lau tay, mặt trước khi ăn cơm, sau khi đi vệ sinh xong và khi tay bị dơ. Biết chải răng đúng cách sau mỗi bữa ăn và trước khi đi ngủ. Tập cho trẻ tính mạnh dạn, tự tin khi giao tiếp giữa cô và bạn và văn hóa giao tiếp với mọi người xung quanh. Hình thành cho trẻ thói quen giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, biết bảo vệ môi trường như khôn xả rác, khạc nhổ bừa bãi, khôn hái hoa, bẻ cành, dẫm đạp lên cỏ khi đi công viên, biết bảo vệ và chăm sóc cây xanh, yêu quí thú nuôi. Bên cạnh đó người giáo viên phải dạy trẻ biết yêu thương kính trọng ông bà cha mẹ, thầy cô những người thân trong gia đình, biết quan tâm , giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những người thân, bạn bè nhất là giúp đỡ người già, trẻ em và người tàn tật. Dạy trẻ biết về an toàn giao thông cơ bản khi đi trên đường như : Đi bộ phải đi đúng vạch dành cho người đi bộ, trẻ nhỏ khi băng qua đường phải có người lớn dắt qua, không được đi một mình ra đường, đi đến các ngã tư gặp đèn đỏ phải nhắc bố mẹ dừng lại đúng vạch quy định để đảm bảo an toàn giao thông tránh xảy ra tai nạn.
    Sống có trách nhiệm không chỉ cho bản thân mà người giáo viên phải sống có trách nhiệm với gia đình. Người giáo viên là người giáo dục hình thành nhân cách trẻ, song con đường giáo dục hình thành nhân cách hiệu quả nhất chính là “ từ nhân cách mà giáo dục hình thành nhân cách”. Người giáo viên phải luôn gương mẫu trong gia đình, là người sống có hiếu với tổ tiên ông bà, cha mẹ luôn thương yêu kính trọng mọi người trong gia đình. Khi xây dựng gia đình thì người giáo viên phải sống có trách nhiệm với vợ, chồng, con cái sống tình nghĩa giúp đỡ hàng xóm láng giềng và mọi người xung quanh, xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa.
 Người giáo viên phải có trách nhiệm với xã hội : là công dân gương mẫu hiểu biết tôn trọng pháp luật, chính sách nhà nước, luôn đi đầu trong mọi công việc và là người thực hiện đầy đủ nghiêm túc việc giảng dạy, soạn kế hoạch, giáo án đầy đủ với tinh thần tự giác. Luôn sáng tạo trong các hoạt động tạo hứng thú cho trẻ tham gia tích cực. Tích cực vận dụng cái mới, cái hay đưa vào giảng dạy.
    Tóm lại : “Sống có trách nhiệm” là sống có lòng tự trọng cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, có lương tâm trong sáng, có lòng cao thượng sẵn sàng vượt khó thậm chí là hy sinh vì mục đích cao đẹp, lời nói luôn đi đôi với việc làm. Nghệ thuật làm một giáo viên mầm non là muôn màu muôn vẻ và vô cùng phức tạp. Giáo viên mầm non vừa là cô giáo, vừa là người mẹ thứ hai của trẻ vừa là người thầy thuốc, người nghệ sĩ . . . Với chức năng nghề nghiệp như vậy dù mới ra trường hay có nhiều kinh nghiệm cũng phải thường xuyên tự rèn luyện bản thân và hoàn thiện nghề nghiệp. Chỉ có lao động cần cù, bền bỉ, kiên trì, chịu khó tìm tòi sáng tạo biết chắt lọc kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp thì mới tìm thấy hạnh phúc trong nghề giáo xứng đáng với niềm tin yêu của mọi người với phương châm “ Sống có trách nhiệm” sẽ vẫn mãi bước song hành trong cuộc đời của người làm nghề giáo.


Giáo viên Trường Mầm Non Quận Gò Vấp
Nguyễn Thị Ngọc Mai