Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chuyện chăm lo cho giáo dục mầm non ở Đồng Tháp


Là tỉnh ở đầu nguồn sông Tiền, có hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch chằng chịt, giáp biên giới với Cam-pu-chia nên việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục mầm non của tỉnh Đồng Tháp gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực, chung tay, góp sức của ngành giáo dục, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, của người dân cũng như chính quyền các cấp, giáo dục mầm non Đồng Tháp đã sớm thu được kết quả cao.

Cơn mưa cuối giờ chiều khiến cho trời tối nhanh hơn bình thường. Đến Trường mầm non Hòa An (TP Cao Lãnh), thấy các bà, các mẹ tấp nập đón các bé sau một ngày học tập tại trường. Cô giáo Nguyễn Thị Liễu, lớp chồi ba dắt từng cháu ra cửa lớp, dặn dò trước khi các cháu về nhà cùng cha, mẹ. Do thời gian đã muộn, lớp chỉ còn mấy cháu chưa có người thân đón về. Vậy là cô giáo lại động viên, hát, trò chuyện cùng các con. Cô tâm sự: Lớp chồi ba có 34 cháu, do đặc điểm dân cư trong vùng chủ yếu là làm nông nghiệp hoặc đi làm công, có cháu đón sớm, có cháu đón muộn cho nên cô luôn phải gần gũi, tâm sự với các cháu, tránh ảnh hưởng tâm lý khi các cháu thấy bạn cùng lớp đã được về. Ngày nào cũng vậy, cứ khoảng sáu giờ sáng là cô bắt đầu từ nhà đến trường để đón các cháu đến lớp. Mặc dù 5 giờ chiều là hết giờ nuôi dạy trẻ nhưng nhiều lúc phụ huynh bận việc cho nên gần 6 giờ chiều mới đón được các cháu. Mặc dù muộn nhưng các cô vẫn vui vẻ động viên các con.


Không chỉ có sự nỗ lực của các cô giáo, người dân Cao Lãnh cũng ngày càng chú trọng hơn đến việc đưa con em mình đến trường, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. Đón cháu nội bốn tuổi ở Trường mầm non Hòa An, bác Nguyễn Thị Kim Thưa chia sẻ: Gia đình bác có mười công đất lớn, trước đây chủ yếu cấy lúa, từ năm 2016 chuyển sang cho doanh nghiệp thuê làm nông nghiệp. Hai con bác làm công nhân, lương tháng mỗi người khoảng bốn triệu đồng. Mặc dù kinh tế không khá giả nhưng gia đình đều chăm lo cho các cháu đến trường đầy đủ. Hằng ngày, mỗi khi đưa, đón cháu, bác Thưa đều trao đổi, hỏi thăm về tình hình của các cháu. Hiệu trưởng Trường mầm non Hòa An Đỗ Thị Điểm cho biết, sự quan tâm của các cấp chính quyền, nỗ lực và gắn kết của nhà trường với cộng đồng phụ huynh học sinh luôn được triển khai hiệu quả. Trường mầm non Hòa An khi bắt đầu triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi (PCGDMNCTNT) chỉ có sáu phòng học, trang thiết bị còn thiếu thốn thì đến nay đã có 16 phòng học được trang bị đồ dùng, đồ chơi đầy đủ. Chẳng thế mà năm học 2016-2017, toàn bộ số trẻ từ ba đến năm tuổi trên địa bàn đều đến lớp, đạt 100%.


Rời TP Cao Lãnh, khi đến với huyện sông nước Lấp Vò, nằm giữa vùng sông Tiền và sông Hậu cũng chứng kiến những nỗ lực không ngừng đưa trẻ đến trường. Ở tuổi 50, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hằng, lớp chồi ba, Trường mầm non thị trấn Lấp Vò đã có gần 30 năm gắn bó với các cháu mầm non vùng sông nước. Đến nay, học sinh của cô năm nào đã trưởng thành lại tiếp tục đưa con đến lớp để cô chăm nuôi. Vẫn hát, múa, đọc thơ, kể chuyện hằng ngày và tranh thủ giờ nghỉ trưa, cô Hằng lại mang phế liệu ra cắt, dán, làm đồ dùng học tập, đồ chơi, góp thêm sự phong phú, đa dạng cho các giờ học.


Theo Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Lấp Vò Nguyễn Thị Phượng, Lấp Vò là đơn vị sớm triển khai thí điểm áp dụng quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cũng như phụ huynh, tạo nên những chuyển biến tích cực trong dạy và học. Các phụ huynh được tham gia một số hoạt động như hội thi, hội giảng, lễ hội của nhà trường nên đã nhận thức tốt hơn về giáo dục mầm non, quan tâm chăm lo cho con em đến trường. Công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi của Lấp Vò được duy trì ở tất cả các xã, thị trấn với 100% số các cháu mầm non năm tuổi ra lớp học hai buổi/ngày...


Không chỉ ở TP Cao Lãnh hay huyện Lấp Vò, chia sẻ về những nỗ lực trong phát triển giáo dục mầm non và PCGDMNCTNT, Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Đồng Tháp Nguyễn Thúy Hà cho biết, cái khó của Đồng Tháp chính là nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm đồ dùng, đồ chơi tối thiểu cho giáo dục mầm non, cũng như việc bố trí vốn xây dựng cơ sở vật chất chưa kịp tiến độ theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, bằng sự nhiệt huyết của các thầy giáo, cô giáo, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, giáo dục mầm non Đồng Tháp đã từng bước có những khởi sắc. Nhất là từ khi Nhà nước triển khai đề án PCGDMNCTNT, với sự hỗ trợ của dự án góp phần tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ em, tạo nên những "cú huých" cho giáo dục mầm non.


Để giải quyết vấn đề khó khăn về cơ sở vật chất, tỉnh đã tổ chức mô hình nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cộng đồng để tạo điều kiện cho các cháu mầm non vùng khó khăn, vùng sâu được đến lớp vui chơi, học tập, giúp cho cha mẹ các cháu yên tâm lao động, sản xuất. Hoạt động của các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo cộng đồng đã phát huy tác dụng, góp phần vào kết quả công tác huy động trẻ mầm non dưới năm tuổi ra lớp, để thực hiện công tác PCGDMNCTNT.


Những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong hệ thống chính trị đã có sự thay đổi nhận thức, hiểu được vai trò, nhiệm vụ quan trọng của giáo dục mầm non đối với địa phương, cho nên đã quan tâm nhiều hơn đối với cấp học mầm non nói chung và đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non nói riêng.


Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ đáp ứng nhu cầu cơ bản về phát triển số lượng và nâng cao chất lượng để thực hiện nhiệm vụ của cấp học được ngành giáo dục đặc biệt chú trọng và thực hiện khá hiệu quả chỉ tiêu trong phân bổ biên chế. Số lượng giáo viên hằng năm đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của cấp học, tỷ lệ giáo viên có trình độ trên chuẩn cao. Các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể như: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học, các sở, ngành tích cực cùng ngành giáo dục tham mưu địa phương trong việc huy động các nguồn lực đầu tư, tạo bước chuyển cho giáo dục mầm non...


- Toàn tỉnh Đồng Tháp có 194 trường mầm non, trong đó có 97 trường được kiểm định đánh giá chất lượng ngoài, 42 trường đạt chuẩn quốc gia.


- Tất cả 144 xã, phường thị trấn đạt chuẩn PCGDMNCTNT.


- Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên là 5.250 người; trong đó, 100% số cán bộ quản lý và 96,64% số giáo viên trường công lập đạt chuẩn trở lên. Riêng giáo viên dạy mầm non năm tuổi 100% đạt chuẩn trình độ đào tạo trở lên.
(Nguồn: Sở GD và ĐT Đồng Tháp)


Theo NDĐT