Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khi giáo viên dỗ trẻ bằng... ti vi


Cận thị sớm và béo phì là hai bệnh rất phổ biến ở trẻ tại các trường mầm non, trong đó xem ti vi liên tục là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc 2 căn bệnh này.


Trẻ mầm non mất nhiều thời gian xem ti vi


Giữ trẻ không xuể thì... mở ti vi
Có con 19 tháng tuổi, chị Trần Thị Trinh (phụ huynh tại H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: "Lúc đưa đón con ở trường, tôi thường thấy cô giáo mở phim hoạt hình cho các bé xem. Có lần tôi đến lớp vào giữa giờ học, tại đây tôi thấy giáo viên (GV) đang mở phim hoạt hình cho cả lớp xem. Tôi được giải thích là thông thường lớp có 2 GV, nhưng hôm đó có một người nghỉ nên giữ không xuể đành phải mở phim hoạt hình để các bé yên lặng".


Tương tự, chị Nguyễn Thị Lan (phụ huynh tại Q.7, TP.HCM) kể con của chị sau khi đi học mầm non về rất thích xem phim hoạt hình.


"Ở nhà tôi chưa từng cho cháu mở những chương trình này nên khi thấy con thành thạo như vậy thì rất ngạc nhiên. Tôi hỏi thăm thì được giải thích giờ giải lao trong trường hay mở phim hoạt hình cho các con xem".


Chủ yếu cho xem chương trình giải trí

Hầu hết các trường mầm non đều trang bị ti vi như một giáo cụ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, rất hiếm khi GV sử dụng thiết bị này để dạy học mà chủ yếu để dỗ trẻ khi không muốn trẻ làm phiền.


Bà Trần Thị Nhung (GV mầm non tại Q.7, TP.HCM) chia sẻ: "Việc sử dụng ti vi vào dạy học tại trường mầm non là rất hiếm hoi. Ti vi chủ yếu được sử dụng để chiếu phim hoạt hình, mở các chương trình thiếu nhi. Đặc biệt, ti vi cũng là cách đối phó khi GV bận việc". Bà Nhung nói thêm: "Việc cho trẻ xem các chương trình giải trí không chỉ diễn ra ở một trường mà đồng nghiệp của tôi đang dạy tại nhiều trường khác cũng thường làm như vậy khi bận việc riêng".
Lãnh đạo một phòng giáo dục tại TP.HCM thừa nhận trường hợp GV vì bận đi họp nên nhân viên của trường hoặc bảo mẫu mở ti vi cho trẻ xem là có. "Cách làm như vậy là sai và sẽ có tác động không tốt khiến trẻ không sống thực tế, không giúp trẻ phát triển tư duy".


Không cần thiết có ti vi

Hiện nay, rất hiếm lớp học mầm non không có ti vi.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó phòng Giáo dục Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho biết: "Hiện tại 100% trường mầm non của quận này đều có ti vi trong lớp học".


Trong khi đó, các văn bản của Bộ GD-ĐT về điều lệ trường mầm non chỉ quy định chung về cơ sở vật chất cho trường đảm bảo đúng tiêu chuẩn, không thấy quy định phải trang bị ti vi. Một trưởng phòng giáo dục tại TP.HCM cũng khẳng định: "Tính đến thời điểm hiện nay chưa có văn bản nào quy định các trường phải trang bị ti vi, việc này tùy thuộc nhu cầu sử dụng của từng trường. Với những trường có điều kiện khó khăn, không thể tổ chức các tiết học thực tế ngoài trường thì mới cần mua ti vi để mở một số chương trình liên quan nhằm giúp học sinh tiếp cận".


Vị này cũng cho rằng tất cả các lớp học đều trang bị ti vi là không cần thiết. Thiết bị này không chỉ khiến phụ huynh tốn kém mà còn không mang lại hiệu quả thiết thực cho việc hỗ trợ giáo dục trẻ. Thay vì vậy, mỗi trường nên xây dựng các phòng bộ môn, trong đó trang bị đầy đủ các phương tiện dạy học như đầu thu, máy chiếu, bảng tương tác để khi có nội dung liên quan, GV có thể sử dụng. "Việc này sẽ tránh lãng phí, giúp học sinh có điều kiện di chuyển, thay đổi môi trường lớp học", vị này nhận định.


Bất lợi cho trẻ

Bác sĩ Hoàng Thị Tín, Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: "Cho trẻ mầm non xem ti vi nhiều, ngoài việc khiến trẻ mất tập trung còn làm mất khả năng sáng tạo của trẻ. Khoa học cũng chứng minh khi tập trung vào ăn uống sẽ giúp hệ tiêu hóa tiết men hỗ trợ tiêu hóa tốt hơn, vì vậy khi vừa xem ti vi vừa ăn sẽ làm giảm sự tập trung, dẫn đến khả năng tiết men hỗ trợ tiêu hóa cũng bị giảm. Điều này hoàn toàn bất lợi cho trẻ".


Một chuyên gia y tế khác tại Bệnh viên Nhi đồng 1 cũng khẳng định: "Đối với những trẻ dưới 2 tuổi, cơ quan thị giác vẫn chưa phát triển hoàn thiện, khả năng điều tiết mắt còn kém nên không thể thích ứng với ánh sáng phát ra từ ti vi. Nếu các bé chăm chú nhìn màn hình quá lâu và chỉ giữ nguyên một tư thế, nhất là những trẻ đứng sát màn hình, thì thị lực sẽ giảm nhanh chóng. Đây là nguyên nhân chính gây cận thị sớm và lóa mắt ở trẻ".


Theo TN